Khó có thể chiều lòng Mỹ
Trước những cáo buộc từ Mỹ về việc Trung Quốc giữ giá nhân dân tệ (NDT) ở mức thấp nhằm hưởng lợi thế hàng xuất khẩu, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo cho rằng tỷ suất giữa NDT với các ngoại tệ mạnh phản ánh đúng tình hình thực tế, nhất là trong giai đoạn nền kinh tế thế giới chao đảo. Thủ tướng Trung Quốc dẫn chứng, xuất khẩu của nước này giảm 16% trong khi nhập khẩu chỉ giảm 11%, thặng dư mậu dịch của Trung Quốc giảm 102 tỷ USD.
Ông Ôn Gia Bảo cho rằng giữ tỷ giá NDT ổn định sẽ góp phần quan trọng vào việc đẩy nhanh sự hồi phục kinh tế toàn cầu. Ông cho biết kể từ khi Trung Quốc bắt đầu cải cách chính sách tiền tệ, gắn chặt NDT với USD từ tháng 7-2005, NDT đã tăng giá 21% so với USD. Tỷ giá 1 USD đổi 6,8 NDT được Trung Quốc duy trì từ giữa năm 2008 cho tới nay.
Thủ tướng Trung Quốc cũng đã cáo buộc những nước gây áp lực buộc Trung Quốc nâng giá NDT là một dạng của “bảo hộ mậu dịch”.
Phát biểu trong cuộc họp báo quốc tế sau phiên bế mạc kỳ họp Quốc hội Trung Quốc, ông Ôn Gia Bảo nói: “Tôi có thể hiểu được ước muốn của một số nước muốn gia tăng xuất khẩu nhưng những gì tôi không thể hiểu là trong khi họ hạ giá đồng tiền của mình, họ lại nỗ lực buộc nước khác nâng giá chỉ vì mục đích gia tăng xuất khẩu của mình. Theo quan điểm của tôi, đó là chính sách bảo hộ mậu dịch”.
Các nhà kinh tế Trung Quốc cho rằng chính Mỹ cũng muốn hạ thấp giá USD để hưởng lợi xuất khẩu bằng cách duy trì lãi suất thấp liên tục nhiều năm qua đồng thời liên tục bơm tiền vào hệ thống tài chính. Nhưng kết quả là do chi phí sản xuất cao cùng với cạnh tranh kém, chi tiêu mạnh, tiết kiệm giảm nên họ không thể cân bằng cán cân thanh toán.
Ngoài ra, Mỹ cũng đã cắt giảm xuất khẩu các sản phẩm kỹ thuật cao sang nhiều nước, trong đó có Trung Quốc, càng làm cho cán cân mậu dịch mất cân bằng. Thủ tướng Ôn Gia Bảo nói: “Tôi thành thật hy vọng Mỹ nới lỏng xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao sang Trung Quốc”.
Một điều chắc chắn là Trung Quốc lo lắng số cổ phiếu mà họ đang nắm giữ của Mỹ (ước tính trị giá gần 890 tỷ USD). Mọi động thái gây biến động USD sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến số cổ phiếu này.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc Su Ning phản bác lời kêu gọi của Tổng thống Mỹ Barack Obama về việc Trung Quốc nên để tỷ giá NDT-USD gần với thị trường. “Chúng tôi không bằng lòng với việc chính trị hóa tỷ giá hối đoái”, ông Su Ning nói. Ông Ning cho rằng Mỹ nên tự giải quyết vấn đề thâm hụt mậu dịch hơn là trông chờ vào nước khác.
Nhiều nhà kinh tế trên thế giới cho rằng nếu Trung Quốc nhanh chóng kết thúc biện pháp gắn chặt tỷ giá USD/NDT cũng sẽ giúp ích cho chính Trung Quốc cũng như thế giới.
Một đồng tiền mạnh hơn và có tỷ giá linh hoạt hơn sẽ giúp Trung Quốc dễ kiểm soát lạm phát và tình trạng bong bóng bất động sản. Một đồng tiền mạnh hơn cũng sẽ giúp Trung Quốc cân bằng nền kinh tế theo hướng kích thích tiêu dùng nội địa thông qua kích thích sức mua của người tiêu dùng. NDT mạnh lên thì nó cũng đẩy nhiều đồng tiền khác ở châu Á mạnh lên, càng tăng thêm uy tín của Trung Quốc trong việc chống bảo hộ.
Nhưng cũng phải nhìn nhận rằng, để thực hiện điều này thật không dễ dàng đối với Chính phủ Trung Quốc. Để cân bằng hơn cán cân thương mại của Trung Quốc đòi hỏi phải cải cách lớn cấu trúc nền kinh tế, từ chính sách thuế tới sự điều hành của các tập đoàn.
NDT yếu - ASEAN khó khăn
Đã có thời, các nước hãnh diện vì đồng tiền của mình mạnh, xem đó là biểu tượng của sức mạnh chính trị và kinh tế. Giờ đây, mọi việc đã khác. Khởi đầu từ USD, với lãi suất rất thấp, dòng vốn USD đã “chảy” khỏi nước Mỹ thông qua các giao dịch thương mại. Sau đó, đồng EUR cũng bắt đầu giảm giá khi nhiều nền kinh tế trong khu vực đứng trước khả năng vỡ nợ do bội chi ngân sách.
Gần đây nhất, đến lượt bảng Anh cũng đang tính tới khả năng mất giá cũng do bội chi ngân sách và do Anh chuẩn bị tổng tuyển cử vào tháng 5 tới. Điều khác biệt là trước đây khi đồng tiền mất giá, chính phủ của nước đó tìm mọi cách để nâng giá trị đồng tiền.
Hiện tại, không ít chính phủ càng vui vì điều này. Thống đốc Ngân hàng Anh Mervyn King bày tỏ niềm vui vì đồng bảng Anh sắp mất giá để hỗ trợ xuất khẩu. Bộ trưởng Tài chính Pháp Christine Lagarde cũng vui không kém khi đồng EUR mất giá. Mỹ thì khỏi phải bàn, chẳng làm gì để cứu đồng USD. Thậm chí, nhiều nước còn can thiệp để đồng tiền của họ đừng tăng giá. Thụy Sĩ đã can thiệp để hạ giá đồng franc.
Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Naotan Kan cũng kêu gọi vì “đồng yên yếu”. Thủ tướng Nhật Bản Yukio Hatoyama đã khẳng định sẵn sàng áp dụng những biện pháp cứng rắn để chống lại việc đồng yên tăng giá, gây thiệt hại xuất khẩu. Phát biểu trước Thượng viện hôm 12-3, ông Hatoyama cho rằng giá trị cao của đồng yên hiện nay dễ gây ra ngộ nhận, trong khi nền kinh tế và kỹ nghệ Nhật Bản chưa đủ mạnh đến mức ấy. Khi đề nghị các biện pháp mạnh, Thủ tướng Nhật Bản cho rằng việc này cần có được sự hợp tác ở tầm quốc tế.
Ông Yukio Hatoyama đã thay đổi hẳn thái độ so với hồi tháng 1-2010 khi đó ông cho rằng chính phủ không can thiệp vào tỷ giá hối đoái. Đồng yên hiện ở mức cao nhất từ 14 năm qua, với tỷ lệ 86,28 yên đổi được một USD. Do lãi suất vay rất thấp, nạn đầu cơ đã làm cho đồng yên ngày càng tăng giá, khiến các nhà xuất khẩu Nhật Bản bị thiệt hại rất lớn.
Trong năm 2009, 3 đồng tiền châu Á được xem là có tỷ giá ổn định nhất so với USD là đồng won của Hàn Quốc, rupiah của Indonesia và rupee của Ấn Độ. Năm 2010, có thêm 2 đồng tiền khác gia nhập vào danh sách này là ringgit của Malaysia và baht của Thái Lan. Tuy nhiên, khi NDT giảm giá, nền kinh tế các nước này lập tức gặp khó khăn do đồng tiền của họ cao giá gây khó khăn cho xuất khẩu. Đặc biệt là các nước ASEAN bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Điều này có nghĩa là hàng hóa sản xuất ở các nước ASEAN sẽ đắt hơn hàng hóa sản xuất ở Trung Quốc, khiến nhập khẩu hàng hóa Trung Quốc vào ASEAN tăng.
Mặc dù ngân hàng trung ương các nước ASEAN đã tung tiền ra mua lượng dự trữ lớn USD nhưng tình thế hầu như không thay đổi khi giá USD và NDT vẫn giảm so với giá trị của các đồng tiền như ringgit, baht, rupiah hoặc xa hơn nữa là won.
Tình thế khó khăn cho các nước ASEAN trước NDT càng lớn hơn khi bắt đầu từ năm 2010, Hiệp định tự do thương mại ASEAN - Trung Quốc có hiệu lực. Các nước Thái Lan, Malaysia, Philippines, Indonesia, Brunei, Singapore sẽ áp dụng mức thuế 0% với nhiều mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Việt Nam, Lào, Campuchia và Myanmar sẽ áp dụng từ năm 2015. Chính thời điểm này lại là lúc Trung Quốc đẩy mạnh xuất khẩu sau thời kỳ kinh tế khó khăn do khủng hoảng toàn cầu.
Theo New York Times, nhập siêu của các nước ASEAN với Trung Quốc trong 9 tháng đầu năm 2009 lên tới 74 tỷ USD. Điều này hoàn toàn trái ngược với những năm trước đây khi ASEAN luôn thặng dư mậu dịch với Trung Quốc.
Ngay từ bây giờ, để giảm bớt tác động của giá NDT lên xuất khẩu, các nước ASEAN không còn cách nào khác ngoài việc tăng năng lực cạnh tranh nền kinh tế của các nước thành viên thông qua việc đẩy mạnh áp dụng khoa học kỹ thuật, tăng năng lực sản xuất, hạ giá thành sản phẩm… Có như thế, ASEAN mới có thể từng bước nâng quan hệ thương mại ngày càng bình đẳng hơn với các đối tác.
WB và IMF kêu gọi Trung Quốc xem lại giá NDT Theo AFP, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) ngày 17-3 đã lên tiếng ủng hộ Mỹ trong việc kêu gọi Trung Quốc xem xét nâng giá trị NDT. Giám đốc điều hành IMF Dominique Strauss-Kahn nói trước Nghị viện châu Âu tại Brussels: “Trong vài trường hợp, không thể tránh khỏi việc thay đổi tỷ giá. NDT của Trung Quốc hiện ở mức quá thấp vì thế cần định giá lại để giúp cân bằng cán cân thanh toán”. Trước đó, cũng theo AFP, Ngân hàng Thế giới (WB) đã thúc giục Trung Quốc nâng giá trị NDT để giảm lạm phát và giảm sức nóng của nền kinh tế mà tổ chức này dự báo năm nay sẽ đạt mức 9,5%. Hồi tháng 1-2010, WB dự báo mức tăng trưởng kinh tế Trung Quốc năm 2010 là 9%. Mức dự báo 9,5% cũng cao hơn mức dự báo của Chính phủ Trung Quốc là 8% và của LHQ là 8,8%. Cũng theo WB, xuất khẩu của Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng mạnh và nhu cầu bất động sản gia tăng, có thể dẫn đến tình trạng bong bóng bất động sản. Về tình trạng bong bóng bất động sản, tờ nhật báo China Daily ngày 18-3 kêu gọi các nhà quản lý kinh tế Trung Quốc nên kiểm tra gắt gao hoạt động đầu tư chui vào bất động sản của các tập đoàn lớn, hoạt động này không những đưa tới việc hình thành tình trạng bong bóng bất động sản mà còn gây bất ổn cho thị trường chứng khoán. Nhiều công ty nhà nước của Trung Quốc đang bị cáo buộc nhận tiền từ gói kích thích kinh tế trị giá 4.000 tỷ NDT của chính phủ để đầu tư vào lĩnh vực này. Theo tờ báo này, giá đất thổ cư tại Bắc Kinh đang tăng lên mức kỷ lục vào đầu tuần này, đe dọa phá vỡ các chính sách của Chính phủ Trung Quốc nhằm ngăn ngừa tình trạng bong bóng bất động sản. |
VŨ MINH (tổng hợp)
* Thông tin liên quan:
“Cuộc chiến” tỷ giá nhân dân tệ / USD
>> Bài 1: Căng thẳng leo thang