Đà Nẵng tạo bước đột phá từ quy hoạch – Bài 3: Xứng danh thành phố đáng sống và đáng đến

Đà Nẵng vẫn được biết đến với danh xưng “thành phố đáng sống” lâu nay bởi là nơi hội tụ của thiên, địa, nhân thuận hòa cùng những chính sách đầy tính nhân văn như “5 không”, “3 có”, “4 an”, sự hiếu khách của người dân… Giờ đây, địa phương sẽ trở thành nơi đáng đến của giới tri thức, thượng lưu hay người nước ngoài khi những tiện ích y tế, giáo dục, môi trường… được quy hoạch bài bản, hiện đại.
Nhiều năm qua, lãnh đạo TP Đà Nẵng vẫn nỗ lực đưa địa phương trở thành nơi đáng đến của du khách, nhà đầu tư. Ảnh: XUÂN QUỲNH
Nhiều năm qua, lãnh đạo TP Đà Nẵng vẫn nỗ lực đưa địa phương trở thành nơi đáng đến của du khách, nhà đầu tư. Ảnh: XUÂN QUỲNH

Không ngừng cải thiện chất lượng môi trường

Những năm qua, Đà Nẵng gắn liền với thương hiệu môi trường sống trong lành, gần gũi thiên nhiên không khói bụi, ô nhiễm. Sau 12 năm (2008-2020) thực hiện Đề án “Xây dựng Đà Nẵng - Thành phố môi trường”, Đà Nẵng đã có những kết quả to lớn như: cấp nước đô thị đạt 99%; 100% nước thải tại các khu công nghiệp được thu gom, xử lý, thực hiện quan trắc tự động, liên tục; giải quyết 13/15 điểm nóng về môi trường;... Năm 2021, Đà Nẵng đứng đầu cả nước về chỉ số đánh giá kết quả bảo vệ môi trường PEPI 2021. Tuy nhiên, vấn đề thu gom, xử lý rác thải đô thị tại Đà Nẵng còn nhiều bất cập.

Thu gom, xử lý rác thải đô thị còn bất cập. Ảnh: XUÂN QUỲNH

Thu gom, xử lý rác thải đô thị còn bất cập. Ảnh: XUÂN QUỲNH

Để giải “bài toán” này, theo Quy hoạch TP Đà Nẵng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Đà Nẵng sẽ tiếp tục đầu tư hoàn thiện hệ thống các công trình hạ tầng kỹ thuật môi trường đô thị (điểm tập kết rác, trạm trung chuyển rác, trạm phân loại rác, khu liên hợp xử lý rác...) với công nghệ tiên tiến.

Đến năm 2030, thành phố sẽ hoàn thiện Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Khánh Sơn với các nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt tổng công suất từ 1.800-2.000 tấn/ngày, đảm bảo xử lý toàn bộ khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh; đầu tư các nhà máy xử lý chất thải nguy hại, bùn thải, chất thải rắn xây dựng, chất thải rắn công nghiệp...; kêu gọi đầu tư nhà máy tái chế rác thải đô thị.

Sau năm 2030, Đà Nẵng tiếp tục đầu tư hạ tầng kỹ thuật Khu liên hợp xử lý chất thải rắn phía Tây thành phố quy mô 200ha hướng đến nền kinh tế tuần hoàn.

Bên cạnh đó, Đà Nẵng triển khai dựa trên nguyên tắc nước thải được thu gom về các trạm xử lý nước thải tập trung của đô thị. Nước thải của 12 phân khu được thu gom và xử lý theo các lưu vực. Nước thải công nghiệp, nước thải y tế được thu gom xử lý riêng cục bộ tại nguồn đạt quy chuẩn trước khi xả vào nguồn tiếp nhận.

Về mạng lưới thoát nước thải, khu vực đô thị cũ sử dụng hệ thống thoát nước nửa riêng; khu vực các đô thị mới sử dụng hệ thống thoát nước riêng hoàn toàn; khu vực ven biển tách nước thải riêng hoàn toàn hoặc nâng cao khả năng thu gom nước thải để ngăn chặn nước thải xả ra biển.

Về trạm xử lý nước thải, tổng công suất các trạm xử lý nước thải sinh hoạt năm 2030 đạt 515.000m3/ngày. Trước mắt, nước thải phát sinh tại khu vực huyện Hòa Vang được thu gom và xử lý theo hình thức phân tán.

Đà Nẵng đầu tư công nghệ để thu gom, xử lý rác thải một cách tiên tiến, hiệu quả. Ảnh: XUÂN QUỲNH

Đà Nẵng đầu tư công nghệ để thu gom, xử lý rác thải một cách tiên tiến, hiệu quả. Ảnh: XUÂN QUỲNH

Mục tiêu đến năm 2030, tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được thu gom, xử lý đảm bảo quy chuẩn kỹ thuật môi trường đạt trên 97%; đầu tư xây dựng mới cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt đảm bảo tỷ lệ chôn lấp sau xử lý không quá 20%; tỷ lệ chất thải nguy hại thu gom được xử lý theo quy định đạt 100%. 90% nước thải sinh hoạt đô thị được thu gom và xử lý đảm bảo quy chuẩn kỹ thuật môi trường; 100% khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường. Tỷ lệ độ che phủ rừng đạt 45-47%.

Gìn giữ “di sản” 5 không - 3 có - 4 an

Đà Nẵng xác định mục tiêu tổng quát trở thành trung tâm văn hóa - thể thao, giáo dục - đào tạo, y tế chất lượng cao, khoa học - công nghệ phát triển của cả nước...

Muốn vậy, địa phương cần phải giải quyết được các vấn đề về nhân lực, chính quyền thành phố phải duy trì tốt các chính sách nhân văn đã triển khai trước đó.

Về lĩnh vực giáo dục, Đà Nẵng được quy hoạch trở thành trung tâm giáo dục và đào tạo chất lượng cao của cả nước và của khu vực ASEAN. Mở rộng mạng lưới, quy mô giáo dục - đào tạo theo hướng đa dạng hóa loại hình.

Trường Cao đẳng Nghề Đà Nẵng đào tạo ngành nghề gắn với thực tiễn doanh nghiệp. Ảnh: XUÂN QUỲNH

Trường Cao đẳng Nghề Đà Nẵng đào tạo ngành nghề gắn với thực tiễn doanh nghiệp. Ảnh: XUÂN QUỲNH

Đẩy mạnh xã hội hoá giáo dục, đến năm 2030, tỷ lệ học sinh ngoài công lập đạt: mầm non khoảng 55%, tiểu học khoảng 3%, THCS khoảng 3,2%, THPT khoảng 14,8%. Thực hiện phân luồng sau THCS, huy động ít nhất 30% học sinh tốt nghiệp THCS vào học trung cấp chuyên nghiệp, học nghề…, đảm bảo 100% học sinh hoàn thành chương trình THPT, bổ túc THPT bằng các hình thức đào tạo.

Tỷ lệ giáo viên các cấp học có trình độ đạt chuẩn trên 95%. Xây dựng mô hình trường đạt chuẩn theo hướng hiện đại hóa, chuẩn hóa của các cấp học, ngành học. Phối hợp hiệu quả giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp trong đào tạo nhân lực.

Để hấp dẫn nhà đầu tư, Đà Nẵng định hình phát triển thị trường lao động toàn diện, bền vững theo hướng hiện đại, hiệu quả, phù hợp với đặc điểm của thành phố, xây dựng hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu thị trường lao động đầy đủ, hiện đại, dự báo nguồn nhân lực có chất lượng và độ tin cậy cao.

Bệnh viện 199 thăm khám cho người dân tại nhà sinh hoạt cộng đồng phường Mân Thái (quận Sơn Trà). Ảnh: XUÂN QUỲNH

Bệnh viện 199 thăm khám cho người dân tại nhà sinh hoạt cộng đồng phường Mân Thái (quận Sơn Trà). Ảnh: XUÂN QUỲNH

Đà Nẵng cũng sẽ là hạt nhân của khu vực và cả nước với các dịch vụ y tế, cơ sở hạ tầng đạt tiêu chuẩn quốc tế, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân và du khách, hình thành và phát triển sản phẩm du lịch y tế.

Đồng thời, đẩy mạnh chăm sóc sức khỏe ban đầu tại các trạm y tế xã, phường, phát triển mạng lưới bác sĩ gia đình và cộng tác viên, nhân viên y tế khối phố. Phát triển kỹ thuật và công nghệ tiên tiến, đào tạo đội ngũ cán bộ khoa học y dược chất lượng cao. Kiểm soát hiệu quả dịch bệnh và hoàn thiện, nâng cao năng lực hoạt động của trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố và tuyến quận, huyện; hiện đại hóa trung tâm kiểm nghiệm; hoàn thiện hệ thống quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm.

Đặc biệt, tiếp tục gìn giữ “đặc sản” làm nên thương hiệu địa phương như chương trình “5 không”, “3 có” và “4 an”; tập trung công tác an sinh xã hội, nâng cao đời sống người dân, đặc biệt là người có công, các đối tượng yếu thế; thực hiện tốt công tác trợ giúp xã hội phù hợp với từng giai đoạn phát triển. Huy động các nguồn lực cho chương trình giảm nghèo theo từng giai đoạn, nâng chuẩn nghèo phù hợp với đời sống người dân; có giải pháp khắc phục các chiều thiếu hụt, giảm nghèo bền vững, thực hiện tốt chủ trương “không có ai bị bỏ lại phía sau”.

Tin cùng chuyên mục