
(SGGPO).– Chiều nay, 13-6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết về việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 35/2012/QH13 của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân (HĐND) bầu hoặc phê chuẩn.
Khi trình Quốc hội sửa Nghị quyết này, Ủy ban thường vụ (UBTV) Quốc hội cho biết, Nghị quyết số 35 đã xác định mục đích của việc lấy phiếu tín nhiệm là bước thăm dò mức độ tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn, nhằm giúp người đó tiếp tục phát huy ưu điểm, khắc phục hạn chế, thiếu sót.

ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng): Cái dân “chê” thì không sửa
Kết quả lấy phiếu tín nhiệm cũng là một cơ sở cho việc bỏ phiếu tín nhiệm và giúp cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xem xét, đánh giá, bố trí, sử dụng cán bộ. Vì vậy, việc xác định 3 mức tín nhiệm như quy định của Nghị quyết số 35 là phù hợp, bảo đảm sự thận trọng trong xem xét, đánh giá cán bộ. Nếu chỉ quy định 2 mức là “tín nhiệm” và “không tín nhiệm” thì trùng với mức phiếu ở bước bỏ phiếu tín nhiệm khi xem xét trách nhiệm của cán bộ. UBTV cũng trình sửa sẽ chỉ lấy phiếu tín nhiệm 1 lần/nhiệm kỳ thay vì lấy 1 năm/lần như hiện nay.
Tuy nhiên, đa số ĐBQH không đồng ý để 3 mức tín nhiệm mà đề nghị chỉ nên có 2 mức: tín nhiệm và không tín nhiệm. Một số ĐBQH cũng cho rằng, để 3 mức như cũ là phù hợp.
ĐB Lê Đình Khanh (Hải Dương) và một số ĐB khác đề nghị, vì còn nhiều ý kiến khác nhau xung quanh mức tín nhiệm nên đề nghị UBTQ Quốc hội lấy ý kiến ĐBQH trước khi bấm nút thông qua Nghị quyết sửa đổi.
Về thời hạn lấy phiếu tín nhiệm, đại đa số ĐBQH cũng đề nghị lấy phiếu tín nhiệm 2 lần/nhiệm kỳ. ĐB Lò Hải Ươi và ĐB Tô Văn Tám (Kon Tum) cho rằng, nếu chỉ lấy 1 lần/nhiệm kỳ thì không có cơ sở để đánh giá cán bộ, không tạo được động lực để cán bộ phấn đấu. Ngược lại nếu lấy 1 lần/năm thì dồn dập quá, cán bộ chưa đủ thời gian để chứng tỏ năng lực của mình. Vì vậy, lấy 2 lần/nhiệm kỳ là phương án để dung hòa cả 2 phương án trên. Đây cũng là ý kiến của đa số các ĐBQH.
Một số ĐBQH đề nghị đối với người không được tín nhiệm thì cho từ chức trước khi bị miễn nhiệm. ĐB Tô Văn Tám cho rằng, với người có ½ đến dưới 2/3 phiếu tín nhiệm thấp thì nên cho từ chức để tránh áp lực. “Nếu 2/3 tín nhiệm thấp thì cho từ chức ngay, thay vì Quốc hội phải bỏ phiếu tín nhiệm”, ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) nói.
Về phạm vi lấy phiếu tín nhiệm, ĐB Lò Hải Ươi (Lai Châu) và nhiều ĐB cho rằng, chỉ nên lấy phiếu tín nhiệm đối với Trưởng ban HĐND hoạt động chuyên trách, còn hoạt động không chuyên trách thì không nên vì hiệu quả không cao. Ngoài ra, nên lấy phiếu tín nhiệm đối với thủ trưởng các cơ quan chuyên môn của UBND tỉnh vì vị trí này tiếp xúc thường xuyên với dân.
| |
PHAN THẢO
* Sáng 13-6, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Đầu tư sửa đổi và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự.
Vẫn còn “dàn hàng ngang” ưu đãi
Về dự án Luật Đầu tư sửa đổi, nhiều ý kiến tại Đoàn ĐBQH TPHCM tán thành chủ trương áp dụng chính sách ưu đãi đầu tư vào những lĩnh vực, địa bàn khó khăn, song lưu ý “đừng trải thảm đỏ cho nhà đầu tư mà bắt dân đi trên thảm gai”. ĐB Đỗ Văn Đương ví von như vậy và cho rằng, dự Luật cần cụ thể hóa các tiêu chí dựa trên định hướng phát triển kinh tế xã hội trong từng thời kỳ, tránh ưu đãi tràn lan cho nhà đầu tư mà gây thiệt thòi cho người dân. ĐB Đỗ Văn Đương và ĐB Ngô Ngọc Bình có chung đề nghị ban soạn thảo chú ý thêm những địa bàn đầu tư nhạy cảm về an ninh quốc phòng. Ông Bình cho rằng: “ Nếu chỉ vài ngày thì khó đánh giá hết được những tác động lâu dài về an ninh quốc phòng”.
Trong khi đó, phạm vi các ngành nghề kinh doanh có điều kiện cũng được ĐB Đương coi là quá chung chung: “Như loại hình dịch vụ vui chơi giải trí thì có rất nhiều loại, chỉ kinh doanh bar hay vũ trường thì mới cần xem xét kỹ điều kiện”.
Nhấn mạnh yêu cầu đặt dự án Luật trong mối liên hệ với hàng loạt luật khác điều chỉnh về môi trường đầu tư kinh doanh như Luật Doanh nghiệp, Luật Chứng khoán… cũng như các văn kiện hợp tác thương mại, đầu tư quốc tế mà Việt Nam có tham gia, ĐB Trần Hoàng Ngân nói: “Tạo ra môi trường kinh doanh bình đẳng là đúng, nhưng trong một số trường hợp thì việc tách bạch nhà đầu tư trong nước và nước ngoài cũng rất cần thiết để có giải pháp quản lý nhà nước đúng đắn. Khái niệm nhà đầu tư nước ngoài như trong dự án luật này là chưa rõ”.
ĐB Trần Hoàng Ngân cho rằng, các cá nhân nước ngoài vay vốn trong nước mua cổ phần trong doanh nghiệp thì nên coi là nhà đầu tư gián tiếp và dẫn chiếu Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp để cùng tạo ra khung khổ pháp lý rõ ràng, khả thi.
Vẫn theo ông Trần Hoàng Ngân, các quy định có liên quan đến dòng ngoại hối vào – ra trong Luật này cần đảm bảo sự tương hợp với Pháp lệnh quản lý ngoại hối và nên theo hướng nhà đầu tư trong nước vay vốn nước ngoài cũng được đảm bảo quyền chuyển tiền ra nước ngoài để trả nợ.
Bên cạnh đó, trong điều kiện dự trữ ngoại hối của Việt Nam còn mỏng thì các quy định về đầu tư ra nước ngoài (ĐTRNN) cũng cần được chú trọng kiểm soát đúng mức. ĐB Ngân nói thêm: “Trong các chính sách ưu đãi đầu tư, cần tăng thêm liều lượng hỗ trợ về tài chính cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, phát triển nông thôn”.
Cùng quan điểm cho rằng Luật vẫn còn “dàn hàng ngang mà ưu đãi” với mọi địa phương, vùng miền; ĐB Trần Thanh Hải đề nghị chú ý đến các địa phương có khả năng đóng vai trò động lực phát triển; các lĩnh vực phát triển sản xuất nguyên vật liệu nội địa, tiêu thụ nội địa…
Xác minh điều kiện thi hành án: Trách nhiệm, chi phí ai lo?
Về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự, ĐB Phạm Văn Gòn tán thành quan điểm của ban soạn thảo về việc tăng cường vai trò của Tòa án trong việc ra quyết định thi hành án (THA) dân sự. ĐB cũng thống nhất giao trách nhiệm xác minh điều kiện THA cho chấp hành viên (CHV) hoặc thừa phát lại và miễn chi phí xác minh cho người phải thi hành án. Tuy nhiên người phải thi hành án có trách nhiệm phối hợp, tạo điều kiện cho công tác xác minh. ĐB Võ Thị Dung chưa hoàn toàn đồng tình: “Trách nhiệm xác minh giao cho CHV hoặc thừa phát lại là đúng, nhưng không thể lấy tiền ngân sách sử dụng cho việc này, mà người được THA phải bỏ ra”.
ĐB Đỗ Văn Đương cũng bảy tỏ quan điểm coi trọng tính hiệu quả và tiết kiệm chi phí cho ngân sách nhà nước trong công tác THA. Ông nói: “Có những bản án mà chi phí xác minh THA còn cao gấp nhiều lần án phí, kiểu đốt một lít dầu để tìm một que diêm”.
Theo ĐB Lê Trọng Sang, hiệu quả THA thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật, “chính khâu cuối cùng này mà không làm được thì dân rất mất lòng tin vào nhà nước pháp quyền”.
Trên quan điểm đó, ông Sang phân tích: “Điều khoản về quyền khiếu nại tố cáo như trong dự thảo luật là chưa chặt chẽ, dễ bị lợi dụng để chây ỳ, trì hoãn việc THA nhằm tẩu tán tài sản”.
Đặc biệt, ĐB Sang lưu ý, Điều 72 của dự thảo về kế hoạch cưỡng chế THA tuy ghi rất chi tiết, nhưng lại không đầy đủ, không bao quát hết mọi tình huống có thể xảy ra. Mặt khác, nếu chỉ giao cho CHV lên kế hoạch cưỡng chế thì rất dễ xảy ra sơ sót. Nên quy định nguyên tắc trong dự luật là cơ quan THA lập kế hoạch cưỡng chế tùy thuộc vào điều kiện cụ thể của địa phương, của đối tượng phải THA.
ANH PHƯƠNG