
Ngày 29-10, trong phiên bỏ phiếu về bãi bỏ lệnh cấm vận Cuba tại Đại hội đồng LHQ, một lần nữa số phiếu thông qua nghị quyết yêu cầu Mỹ bãi bỏ lệnh cấm vận áp đặt với La Habana suốt 46 năm qua chiếm tỷ lệ áp đảo.
Với 185 phiếu ủng hộ, 3 phiếu chống và 2 phiếu trắng, Đại hội đồng đã thông qua nghị quyết nhan đề “Sự cần thiết phải chấm dứt lệnh cấm vận kinh tế, thương mại và tài chính do Mỹ áp đặt chống Cuba”. Ba nước bỏ phiếu chống là Mỹ, Israel và đảo quốc Palau.
Đây là năm thứ 17 liên tiếp Đại hội đồng thông qua 1 nghị quyết trên. Nhưng phía Mỹ cho rằng, nghị quyết này không mang tính ràng buộc và chưa từng ảnh hưởng tới chính sách của Washington đối với Cuba.

Phái đoàn Cuba tại LHQ vui mừng trước nghị quyết của LHQ.
Theo ước tính của LHQ, cuộc cấm vận Cuba của Mỹ đã và đang gây ra những thiệt hại nghiêm trọng về kinh tế và thương mại trị giá ước tính khoảng 224,6 tỷ USD.
Lệnh cấm vận này đã ảnh hưởng đến nỗ lực của Cuba nhằm thực hiện các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ mà các nhà lãnh đạo thế giới đã thông qua tại Đại hội đồng LHQ cách đây 8 năm. Đồng thời, làm đời sống của người dân Cuba, nhất là phụ nữ và trẻ em, lâm vào khó khăn. Phát biểu sau phiên bỏ phiếu, Ngoại trưởng Cuba Felipe Roque khẳng định Mỹ đã tiếp tục bị cô lập trong chính sách chống Cuba.
Ông Roque cũng bày tỏ mong muốn vị tổng thống tương lai của Mỹ sẽ thay đổi chính sách và bình thường hóa quan hệ với Cuba, trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau vì Cuba không phải là một mối đe dọa đối với Mỹ.
Ngoại trưởng Felipe Roque cho rằng so với ứng cử viên Tổng thống Mỹ Đảng Cộng hòa John McCain, ứng cử viên Đảng Dân chủ Barack Obama có quan điểm xây dựng hơn trong mối quan hệ với Cuba.
Đại sứ Lê Lương Minh, Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam, đã khẳng định tình đoàn kết và sự ủng hộ của Việt Nam đối với nhân dân Cuba anh em, phản đối cuộc cấm vận của Mỹ.
Đại sứ Lê Lương Minh nói: “Cuộc cấm vận đơn phương về kinh tế, mậu dịch và tài chính chống Cuba là hành động vi phạm luật pháp quốc tế, kể cả các luật về tự do buôn bán và hàng hải, vi phạm nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ của các nước. Nó đi ngược lại các nguyên tắc phổ biến chi phối quan hệ giữa các nước có chủ quyền, đi ngược lại mục đích và tinh thần trong Hiến chương LHQ”.
N.P. (Theo AFP, TTXVN)