Vụ cảnh sát Haiti phá vỡ một đường dây buôn bán 33 trẻ em Haiti đến Cộng hòa Dominican một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về các hình thức biến thái của việc xin con nuôi quốc tế. Tình trạng buôn lậu con nuôi đang trở thành mối lo ngại lớn ở nhiều quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, việc nhiều nước siết chặt quy định hay thủ tục xin con nuôi nhằm ngăn chặn những hành động phi pháp lại xuất hiện lợi bất cập hại bởi nạn nhân cũng chính là những đứa trẻ xấu số.
Lợi nhuận béo bở của những kẻ trung gian
Môi giới xin con nuôi được ước tính mang lại lợi nhuận 100 triệu USD mỗi năm. Hàng ngàn cặp vợ chồng trên thế giới sẵn sàng trả hơn 30.000 USD cho luật sư và các cơ quan chức năng, cho chi phí lưu trú tại các khách sạn đắt đỏ để chờ đợi hoàn thành thủ tục được thừa nhận là cha mẹ nuôi. Khi việc xin con nuôi bùng nổ, những gia đình ở các nước giàu có đi du lịch khắp nơi trên thế giới để tìm con, từ Trung Quốc, Hàn Quốc đến Nga và Ethiopia… Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của trào lưu xin con nuôi quốc tế (như một mốt thời thượng), nhiều hệ lụy đã nảy sinh qua kẽ hở của luật pháp.
Nhu cầu xin con nuôi tăng cao ở những nước phát triển trong thời gian gần đây vì tâm lý ngại sinh con đã dẫn đến tình trạng bùng phát nạn buôn lậu trẻ sơ sinh. Nhiều phụ nữ ở các nước nghèo mơ đổi đời đã sẵn sàng tự tước đi quyền làm mẹ của mình. Ngoài ra, do việc xin con nuôi qua các kênh chính thống quá phức tạp và mất nhiều thời gian, không ít người đã tìm đến các đường dây riêng. Tâm lý của những bậc cha mẹ muốn nhận con khi chúng còn là trẻ sơ sinh hoặc lẫm chẫm biết đi để tránh những rắc rối sau này. Do đó, cứ 10 cặp vợ chồng xin con nuôi thì hết 9 cặp thỏa thuận riêng với người mẹ sẵn sàng cho con họ.
Tuy nhiên, do thiếu sự kiểm soát của chính phủ đối với các trung tâm giúp xin con nuôi tư nhân, những kẻ môi giới trung gian - trong đó có cả bác sĩ và luật sư - đã kiếm được bộn tiền từ công việc này. Ở các nước vùng Balkans, trẻ sơ sinh gái được bán với giá 13.000 USD trong khi bé trai được bán với giá cao gấp 3 lần, lên đến 40.000 USD/trẻ. Đặc biệt những bé trai mắt xanh có giá đến 300.000 USD. Tuy nhiên, theo giới chức Bulgaria hầu hết những bà mẹ cho con cũng chỉ nhận được khoảng 4.000 USD. Làm phép tính nhẩm, chúng ta cũng có thể thấy những kẻ trung gian đã bỏ túi rất nhiều tiền từ các hoạt động buôn bán này. Vì thế, tình trạng xin con nuôi “chui” đã trở nên không thể kiểm soát được.
Tìm mái nhà cho trẻ
Thay vì tìm kiếm gia đình cho trẻ em mồ côi, thì các tổ chức hỗ trợ xin con nuôi hiện nay lại chỉ tìm con cho những gia đình có nhu cầu. Marilys Barrientos de Estrada, giám đốc của một cơ quan chính phủ chuyên trách giám sát quá trình xin con nuôi của Guatemala nói rằng: “Đó hoàn toàn do bàn tay của các luật sư và của các tổ chức hỗ trợ. Đó không phải vì trẻ em mà chỉ vì tiền”.
Vụ bê bối xin trẻ em làm con nuôi ở Haiti đang chấn động dư luận thế giới. Sau trận động đất, Chính phủ Haiti đã công bố tạm ngưng tất cả các chương trình nhận con nuôi, một phần là thận trọng nhưng một phần do vị thẩm phán đảm trách quá trình thủ tục pháp lý nhận con nuôi đã thiệt mạng trong trận động đất và các tài liệu của chính phủ đã bị mất trong thảm họa này.
Tuy nhiên, các quan chức nhận con nuôi quốc tế ở thủ đô Port-au-Prince báo cáo rằng những vụ nhận con nuôi bất thường tiếp tục diễn ra trong tình trạng hỗn loạn tại Haiti. Thay vì chỉ giải quyết hồ sơ cho các vụ nhận con nuôi có chữ ký của thủ tướng, nhiều vụ nhận con nuôi khác tiếp tục được thực hiện chỉ với chữ ký của các bộ trưởng.
Quốc tế đang khuyến khích các cơ quan chức năng Haiti không cho phép nhận con nuôi vào lúc này. Một đất nước như Haiti cần phải được tái thiết lại trước khi bắt tay vào giúp đỡ tìm những mái nhà riêng cho trẻ mồ côi. Và một khi áp dụng trở lại việc nhận con nuôi, Haiti nên chú trọng đến việc tìm lại gia đình cho trẻ hơn là cho các em làm con nuôi ở các gia đình nước ngoài. Thực tế cho thấy không ít bậc cha mẹ lợi dụng bối cảnh tranh tối, tranh sáng để đưa những đứa con của mình làm con nuôi trong các gia đình khá giả hơn với hy vọng chúng sẽ có một tương lai tươi sáng.
Theo Carol Bakker, cố vấn về bảo vệ quyền trẻ em của UNICEF ở Haiti, hiện tại chính quyền đang cố gắng để tìm kiếm gia đình cho các em hoặc nhận chăm sóc tạm thời và nếu các em thật sự mất gia đình thì mới chọn phương sách cuối cùng - cho làm con nuôi quốc tế. “Phải kiếm gia đình cho chúng ở ngay trong nước trước khi kiếm cho chúng mái nhà ở nước khác”, Tổng Lãnh sự Mỹ Donald Moore ở Haiti đã nói như vậy. Đau lòng nhất trong vụ buôn bán 33 trẻ Haiti là tất cả các em đều có gia đình, nhưng bố mẹ lại muốn lợi dụng vụ động đất để cho con mình đi, mong các em có cuộc sống tốt hơn.
Ưu tiên nhu cầu nội địa
Các vụ scandal phát hiện những đường dây buôn lậu con nuôi ở Guatemala, Romania và Trung Quốc đã khiến chính phủ nhiều nước có liên quan đặt lại vấn đề về chính sách xin con nuôi. Tuy nhiên, sự giám sát chặt chẽ hơn của các chính phủ cũng như siết chặt những quy định xin con nuôi trên toàn thế giới đã làm cho số vụ xin con nuôi có chiều hướng giảm mạnh trong vài năm qua.
Cho đến thời điểm này, Trung Quốc, Nga và Guatemala là những nước cung cấp nguồn con nuôi nhiều nhất thế giới. Nhưng vì những lý do khác nhau, số lượng trẻ cho đi làm con nuôi quốc tế đã giảm mạnh trong thời gian qua. Theo số liệu của UNICEF, số trẻ được đưa ra nước ngoài đã giảm mạnh từ 14.500 năm 2005 xuống còn 5.942 năm 2008 tại Trung Quốc. Những thay đổi trong các chính sách xã hội và kinh tế đã ảnh hưởng đến số lượng trẻ cho làm con nuôi. Trước đây, do chính sách mỗi gia đình chỉ có một con, số trẻ sơ sinh gái được sinh ra ngoài ý muốn trở thành “trẻ mồ côi bất đắc dĩ” bị đưa ra nước ngoài rất nhiều (vì tâm lý chọn con trai ở Trung Quốc). Hiện nay, khi Chính phủ Trung Quốc điều chỉnh chính sách một con, cho phép một gia đình có điều kiện được sinh con thứ hai, khuyến khích xin con nuôi trong nước… số trẻ cho ra nước ngoài vì thế đã giảm mạnh.
Theo thống kê của giới chức Trung Quốc, năm 2008, số vụ xin con nuôi trong nước đã tăng hơn 37.000 vụ trong một năm. Gần 50% trẻ em Trung Quốc được đưa sang Mỹ làm con nuôi đều có những nhu cầu đặc biệt như bị tim bẩm sinh, hở hàm ếch và một số dị tật bẩm sinh khác… Một nửa trong số những trường hợp đặc biệt này thông qua “Chương trình trẻ chờ đợi” của Chính phủ Trung Quốc, qua đó nhằm tìm kiếm các gia đình có điều kiện giúp đỡ những đứa trẻ đang cần được chăm sóc y tế.
Trong khi đó tại Nga, theo Bộ Giáo dục và Khoa học, năm 2004, người nước ngoài đã nhận nuôi 9.400 trẻ em Nga và công dân Nga nhận nuôi khoảng 7.000. Nhưng đến năm 2008, chỉ có 1.198 trẻ em Nga được cho ra nước ngoài và các gia đình người Nga đã nhận nuôi đến 7.683 trẻ. Một trong những lý do chính cho sự sụt giảm các vụ xin con nuôi của người nước ngoài là các nhà làm luật Nga đã nỗ lực thúc đẩy các vụ xin con nuôi trong nước. “Việc làm con nuôi trong một gia đình ở nước ngoài chỉ được xem xét nếu đứa trẻ không thể làm con nuôi trong một gia đình nào đó trong nước”. Chính phủ Nga hiện nay còn thưởng cho mỗi gia đình nhận trẻ làm con nuôi 1.000 USD và một khoản trợ cấp nhỏ hàng tháng. Theo chương trình do Thủ tướng Vladimir Putin khởi xướng từ năm 2006 khi ông là tổng thống, phụ nữ giờ đây có thể nhận đến hơn 10.000 USD cho việc nhận nuôi dưỡng đứa con nuôi thứ hai.
Tương lai mong manh
Trở lại Guatemala, nơi có “nguồn cung cấp” trẻ em làm con nuôi lớn thứ hai trên thế giới. Khi mẹ đẻ của bé Silvia Sebac thực hiện cuộc hành trình dài 5 giờ đồng hồ bằng xe buýt đi qua những con đường núi hẻo lánh để bỏ lại đứa con sơ sinh tại một trại trẻ mồ côi ở TP Guatemala, thì cô nghĩ rằng đứa trẻ này sẽ có cơ may được những gia đình khá giả từ Mỹ hoặc châu Âu nhận làm con nuôi. Vào thời điểm Silvia được đưa đến TP Guatemala cách đây 4 năm, đất nước em mỗi năm cho đi gần 5.000 đứa trẻ, tức cứ 100 đứa trẻ sinh ra, 1 đứa được cho đi.
Trong những ngày cuối năm 2007, với hàng loạt các vụ bê bối liên quan đến đánh cắp trẻ em và ép buộc các bà mẹ bán con, những nhà làm luật Guatemala đã bổ sung thêm quy định mới, theo đó khuyến khích chính sách hướng đến “thành lập một gia đình” ở ngay trong nước, ưu tiên cho họ hàng trước khi chọn các gia đình nước ngoài. Và hiện nay các thủ tục nhận con nuôi cũng rất nhiêu khê nên ảnh hưởng đến quyền lợi của trẻ.
Theo ước tính, hiện nay có khoảng 4.000 trẻ em đang sống trong các trại mồ côi Guatemala hội đủ tiêu chuẩn được cho làm con nuôi trong các gia đình trong nước. Đến giữa tháng 2, sau hơn 2 năm áp dụng quy định mới, đã có 590 gia đình Guatemala nộp đơn xin con nuôi và tòa án đã giải quyết hồ sơ của 559 trẻ em. Nhưng chỉ có 253 trẻ đã được nhận nuôi vì từ lúc nộp đơn cho đến lúc được giải quyết ít nhất cũng vài năm. Những đứa trẻ cứ lớn lên và hiểu biết thêm, trong khi những bậc cha mẹ nuôi chỉ muốn nhận con khi còn là trẻ sơ sinh hoặc chỉ biết đi lẫm chẫm để tránh rắc rối về sau.
Trong lúc này, những đứa trẻ như Silvia chờ đợi, lớn lên trong những “ngôi nhà” mà người ta cố tạo như bản sao của một gia đình. Người ta có thể cho các em tình thương, cho các em quần áo, nuôi nấng các em nhưng các em vẫn không thể có một bữa ăn giống như bữa ăn với gia đình. Còn bao nhiêu trường hợp giống như cô bé mắt đen Silvia, trong khi chờ đợi đến 2 năm để được tuyên bố là trẻ bị bỏ rơi hợp pháp, đã không có người nuôi dưỡng. Tương lai nào đang chờ đợi các em khi các gia đình từ chối nhận các bé đã lớn? Quy định chặt chẽ là để bảo vệ các bé nhưng đôi khi đã tước mất của các em cơ hội có cuộc sống tốt đẹp hơn.
XUÂN HẠNH (Theo CS Monitor)