Đào tạo thích ứng với mùa dịch

Để không ảnh hưởng nhiều đến tiến độ đào tạo, nhiều trường đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) đã tận dụng triệt để các lợi thế sẵn có của công nghệ (internet, mạng xã hội) để triển khai đào tạo trực tuyến (elearning). Tuy nhiên, việc triển khai cũng chỉ ở mức độ hạn chế chứ chưa thể áp dụng cho tất cả các môn học.  
Giảng viên, học viên làm thí nghiệm tại Trường Đại học Khoa học Tự nhiên TPHCM
Giảng viên, học viên làm thí nghiệm tại Trường Đại học Khoa học Tự nhiên TPHCM

PGS-TS Hồ Thanh Phong, Hiệu trưởng Trường ĐH Hồng Bàng, cho biết, trường vừa triển khai học trực tuyến và đến nay 90% giảng viên của trường đã thông thạo việc thiết kế bài giảng, đưa bài giảng lên hệ thống và thành lập các nhóm (group) để trao đổi, thảo luận với sinh viên. TS Trần Ái Cầm, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, cũng cho biết, Viện Đào tạo trực tuyến của trường đã phối hợp cùng các khoa xây dựng cơ sở dữ liệu cho 42 môn học ở cấp độ 4, gồm đề cương chi tiết, bài giảng đa phương tiện, giáo trình, ngân hàng bài tập - kiểm tra - đánh giá. Hiện tại đã xây dựng 1.568 lớp học cho 389 môn lý thuyết, lý thuyết thực hành của 13 khoa. 

Theo Th.S Phùng Quán, Trưởng phòng Truyền thông Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia TPHCM), hệ thống đào tạo trực tuyến của trường đã có từ lâu. Từ lịch học, bài giảng, bài tập, tài liệu học tập đều được đưa lên hệ thống. Trong tình hình sinh viên nghỉ kéo dài do dịch Covid-19, Khoa CNTT và một số đơn vị đã sử dụng thêm hệ thống dạy trực tuyến để sinh viên và giáo viên ngồi ở nhà tương tác nhau. Tuy nhiên, đây là giải pháp tạm thời trong bối cảnh hiện nay và chỉ áp dụng ở một số môn học lý thuyết.

Còn tại Trường CĐ Quốc tế TPHCM, việc áp dụng học trực tuyến bắt đầu từ tuần vừa qua cho học sinh hệ 9+ và từ ngày 17-2, áp dụng cho tất cả sinh viên toàn trường. Trong khi đó, Hiệu trưởng Trường ĐH Mở TPHCM, PGS-TS Nguyễn Minh Hà, cho biết, nhà trường đã triển khai hướng dẫn sinh viên, học viên học tập qua hệ thống quản lý học tập (LMS) hoặc học trực tuyến theo thời khóa biểu, giảng viên đăng tải bài giảng, các nội dung khác về nội dung môn học lên hệ thống LMS, tổ chức giảng dạy và hướng dẫn học tập trực tuyến cho sinh viên và báo cáo cập nhật hàng ngày. 

Theo Th.S Nguyễn Đăng Lý, Hiệu trưởng Trường CĐ Quốc tế TPHCM, các giáo viên, giảng viên của trường đều biết cách xây dựng bài giảng, trình bày trực tuyến. Ví dụ, đối với học sinh hệ 9+, bài giảng trên lớp bình thường 2 tiết mất 90 phút (45 phút/ tiết), thì khi dạy trực tuyến phải cô đọng lại còn khoảng 15 phút. Nếu nói dài quá thì bản thân giáo viên cũng chán mà học sinh vào xem cũng ngán. 75 phút còn lại, giáo viên vào group để trao đổi, chia sẻ ý kiến, làm - giải bài tập, giải đáp thắc mắc cho các em. Ngoài việc tận dụng chức năng hiện có của mạng xã hội, trường cũng phải đầu tư mua thêm phần mềm của Microsoft để dạy trực tuyến. 

Một giảng viên Trường CĐ Kỹ nghệ II (quận 9, TPHCM) tâm tư: “Dạy trực tuyến chỉ là giải pháp tình thế đối với các hệ đào tạo sau THPT (như các trường trung cấp, CĐ có hệ 9+, trường CĐ, ĐH). Nếu dạy trực tuyến, liệu chúng ta có công nhận kết quả học và khi đi học lại có cho các em đó qua môn đó hay không; nếu cho qua thì tốt còn không cho qua lại là vấn đề khác. Tôi đi dạy nhiều em hệ 9+ ở các trường CĐ nên biết rằng (80% - 90%) các em có điều kiện gia đình khó khăn, năng lực học không cao, ý thức cũng chưa tốt. Đa phần học phải “cầm tay chỉ việc”. Do đó, giờ áp dụng dạy trực tuyến cho các em, tôi e rằng rất ít hiệu quả”.

Tin cùng chuyên mục