Quốc hội thảo luận Luật Thanh niên

Đề cao trách nhiệm gia đình để thanh niên không sa vào tệ nạn

Đề cao trách nhiệm gia đình để thanh niên không sa vào tệ nạn

Hàng loạt “động lắc” bị triệt phá trong thời gian qua cho thấy một bộ phận thanh niên đang bị tha hóa về đạo đức, sa vào nhiều tệ nạn xã hội. Vấn đề thời sự này đã được các đại biểu Quốc hội đề cập sâu sắc khi thảo luận dự án Luật Thanh niên trong ngày làm việc hôm qua, 6-6, tại Hội trường Ba Đình.

Đề cao trách nhiệm gia đình để thanh niên không sa vào tệ nạn ảnh 1

Đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre Hồ Thị Hồng Nhung phát biểu ý kiến.

“Có những động lắc hàng trăm người tham gia, trong đó chủ yếu là thanh niên” – đại biểu Nguyễn Văn Tuyết (Yên Bái) lo lắng. Còn đại biểu Đỗ Trọng Ngoạn thì quan ngại: “HIV, thuốc lắc, xã hội đen và cả bắt cóc tống tiền cũng có sự tham gia của thanh niên”. Trên thực tế, theo báo cáo của Trung ương Đoàn TNCSHCM, hiện có trên 70% số tội phạm hình sự là thanh niên.

Trách nhiệm của tình trạng này thuộc về ai? Đại biểu Nguyễn Văn Tuyết chỉ rõ: trong vấn đề này, vai trò của gia đình là hết sức quan trọng. “Thế nhưng hiện nay, một số bậc cha mẹ mải mê làm ăn, ít quan tâm đến con cái, chỉ biết đáp ứng tiền bạc cho chúng, tạo điều kiện để con cái sa chân vào tệ nạn” – ông Tuyết cảnh báo. Trong khi đó, ở dự án Luật Thanh niên lần này, trách nhiệm của gia đình đối với con em của mình là thanh niên còn “mờ nhạt”.

Đại biểu Hồ Thị Hồng Nhung (Bến Tre) phân tích: ai cũng biết gia đình có vị trí quan trọng đối với thanh niên, là chỗ dựa vững chắc để thanh niên hình thành phát triển nhân cách. “Vậy mà dự thảo Luật vẫn chưa làm nổi bật trách nhiệm của gia đình đối với thanh niên” – đại biểu Hồng Nhung nói. Góp ý cụ thể vào dự luật, đại biểu Nguyễn Văn Tuyết đề nghị luật phải thể hiện rõ hơn trách nhiệm của gia đình đối với thanh niên.

Quyết liệt hơn, đại biểu Đỗ Trọng Ngoạn cho rằng, để thực hiện mục tiêu giảm hẳn tệ nạn xã hội trong thanh niên, không thể làm “luật khung”, “luật làm cảnh” mãi mà phải xây dựng Luật Thanh niên thành luật chi tiết, có thể thực hiện được ngay, không cần văn bản hướng dẫn.

Với một cách nhìn nhận khác, đại biểu Hoàng Thiện Cát (Hưng Yên) lại cho rằng, hiện tượng một bộ phận thanh niên có cuộc sống buông thả là do họ sống thiếu hoài bão và lý tưởng. Chính vì thế, Luật Thanh niên cần đề cập tới vấn đề giáo dục, định hướng lý tưởng cho thanh niên, để thanh niên có hướng phấn đấu, không sa chân vào tệ nạn xã hội.

Hôm nay, 7-6, Quốc hội tiến hành thảo luận dự án Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

B.M.
 

Tin cùng chuyên mục