Để doanh nghiệp nhà nước trở thành lực lượng nòng cốt trong phát triển kinh tế - xã hội

Ở Việt Nam, vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước xuất phát từ lợi ích của đất nước, của nhân dân trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội.

Sáng 28-1, tại phiên thảo luận chung ở hội trường của Đại hội XIII của Đảng, đồng chí Y Thanh Hà Niê Kđăm, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương đã có tham luận “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước (DNNN) trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”.

Để doanh nghiệp nhà nước trở thành lực lượng nòng cốt trong phát triển kinh tế - xã hội ảnh 1 Quang cảnh phiên thảo luận chung Đại hội XIII của Đảng, sáng 28-1-2021. Ảnh: VIẾT CHUNG
Đồng chí Y Thanh Hà Niê Kđăm cho biết, Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương bao gồm 35 đảng bộ các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng, đơn vị với 1.101 tổ chức cơ sở đảng, 147 đảng bộ bộ phận, 5.606 chi bộ trực thuộc đảng bộ cơ sở, gần 82.000 đảng viên và hơn 720.000 người lao động trong các doanh nghiệp thuộc Khối.
Các đảng bộ trực thuộc Đảng bộ Khối được tổ chức theo 3 mô hình: đảng bộ toàn doanh nghiệp (11 đảng bộ); đảng bộ công ty mẹ, hội sở chính ngân hàng mở rộng (22 đảng bộ) và đảng bộ cơ quan (2 đảng bộ).
Đảng ủy Khối là cấp ủy trực thuộc Ban Chấp hành Trung ương, có đặc thù không có chính quyền cùng cấp; các tổ chức đảng, đảng viên trong Đảng bộ Khối hoạt động rộng khắp trong toàn quốc và một số ở nước ngoài; tổ chức đảng trong các đơn vị thành viên của tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng, đơn vị chủ yếu thuộc Đảng bộ Khối, một số tổ chức đảng còn lại trực thuộc cấp ủy địa phương. Các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng trong Khối giữ vị trí then chốt, chủ lực trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, là công cụ để Đảng và Nhà nước điều tiết, ổn định kinh tế vĩ mô và thực hiện các chương trình an sinh xã hội.
Để doanh nghiệp nhà nước trở thành lực lượng nòng cốt trong phát triển kinh tế - xã hội ảnh 2 Đồng chí Y Thanh Hà Niê Kđăm phát biểu tham luận tại Đại hội, sáng 28-1-2021. Ảnh: VIẾT CHUNG
Theo đồng chí Y Thanh Hà Niê Kđăm, ở Việt Nam, vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước xuất phát từ lợi ích của đất nước, của nhân dân trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Kinh tế nhà nước phát huy tốt vai trò chủ đạo thì kinh tế - xã hội sẽ phát triển nhanh, quốc phòng - an ninh được giữ vững. Một trong những yếu tố quan trọng để đạt được mục tiêu này là tạo cơ chế, chính sách để thúc đẩy DNNN phát triển bền vững. Chỉ khi đó mới nâng cao chất lượng, hiệu quả, năng lực cạnh tranh của DNNN để làm tốt vai trò nòng cốt, dẫn dắt trong các lĩnh vực kinh tế then chốt, tạo điều kiện để phát triển các doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế khác, bảo đảm doanh nghiệp Việt Nam thật sự trở thành lực lượng nòng cốt trong phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ trong bối cảnh toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế.
Đoàn đại biểu Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương nhất trí cao với nội dung các văn kiện Đại hội XIII của Đảng, đồng thời đề xuất với Đảng, Nhà nước một số định hướng, giải pháp hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy DNNN phát triển bền vững, góp phần bảo đảm tính chủ đạo của thành phần kinh tế nhà nước:
1. Nâng cao vai trò lãnh đạo của tổ chức đảng đối với DNNN trong thời gian tới. Nghiên cứu hoàn thiện mô hình tổ chức đảng, mô hình các tổ chức chính trị - xã hội trong doanh nghiệp;
2. Sớm xây dựng và hoàn thiện hệ thống thể chế pháp luật, tạo khuôn khổ và hành lang pháp luật đầy đủ, đồng bộ, thống nhất để cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả DNNN;
3. Rà soát và hoàn thiện bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả hoạt động của DNNN, người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp, người quản lý doanh nghiệp. Tăng cường minh bạch thông tin đối với tất cả các DNNN theo các tiêu chuẩn áp dụng đối với các công ty đại chúng; nghiên cứu xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về DNNN;
4. Kiện toàn và nâng cao hiệu quả hoạt động của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, có các cơ chế đặc thù để Ủy ban thực sự hoạt động hiệu lực, hiệu quả;
5. Nghiên cứu việc thành lập cơ quan thực hiện chức năng đầu tư vốn của Nhà nước vào các DNNN vì việc thực hiện đầu tư và tái đầu tư vào các DNNN sẽ đáp ứng nhu cầu phát triển của doanh nghiệp, phù hợp kinh nghiệm quốc tế và các quy định của pháp luật.

Tin cùng chuyên mục