Để người nghèo có tết

Còn hơn một tuần trăng nữa, Tết cổ truyền Tân Mão mới chính thức về với mọi nhà, nhưng thị trường đã chộn rộn cả tháng nay. Riêng các nhà sản xuất thì đã “cong lưng úp mặt” từ vài tháng trước cho mùa làm ăn lớn nhất trong năm. Âu cũng là truyền thống của dân tộc Việt với tâm lý cái gì ngon nhất, tốt nhất, đẹp nhất cũng dành cho tết. Truyền thống ấy sẽ còn mãi theo thời gian.

Tuy nhiên, khi nền kinh tế của đất nước hoạt động theo cơ chế thị trường, ngoài tác động tích cực, tạo nhiều hàng hóa phong phú, kích thích sản xuất phát triển bởi sự chi phối của quy luật cạnh tranh và các quy luật khác, thì kinh tế thị trường cũng tạo ra mặt trái của nó: sự phân tầng, phân hóa xã hội; đào sâu hố ngăn cách giữa người giàu và người nghèo. Theo sự phân hóa ấy, ý nghĩa của cái tết cổ truyền đối với mỗi giai tầng cũng khác nhau.

Đối với những người giàu có, tết có thể sẽ là dịp họ tiêu xài, mua sắm ồ ạt, thể hiện “tiềm năng đẳng cấp” của mình. Chuyện ăn uống cũng chẳng đáng lo gì, bởi với họ “ngày tết cũng như ngày thường”. Còn phong tục truyền thống chỉ mang tính hình thức, nhạt nhẽo. Nhưng đối với những người nghèo, tết lại mang nhiều nỗi lo.

Nguồn thu nhập hạn hẹp và sự túng thiếu - nhất là những người chỉ sống bằng “đồng lương còm” - thì mọi toan tính mua sắm cho cái tết, dù rất đơn sơ, cũng khó khăn, tằn tiện vô cùng. Những người nghèo này chiếm số lượng không ít ở TPHCM, một thành phố đông dân nhất nước. Đó là một thực tế mà lãnh đạo TPHCM rất trăn trở mỗi độ xuân về: Làm thế nào để mọi người nghèo của thành phố đều có tết? Căn cơ hơn: làm sao nâng cao mức sống của các tầng lớp nhân dân, rút ngắn khoảng cách giàu nghèo, đảm bảo công bằng xã hội…

Đã có nhiều chủ trương, kế hoạch được triển khai vì mục tiêu trên, song ngay trước mắt, chương trình hàng bình ổn Tết Tân Mão là một nỗ lực lớn nhằm giảm bớt khó khăn cho người lao động trong thời kỳ giá cả biến động mạnh. Trong chương trình này, TPHCM đặc biệt chú trọng việc đưa hàng tết với giá rẻ về các khu công nghiệp, khu chế xuất, vùng sâu vùng xa của thành phố. Dù dưới tên gọi như thế nào, và hiệu quả cụ thể còn phải chờ thực tiễn kiểm nghiệm, nhưng chủ trương này của thành phố cũng sẽ làm ấm lòng bà con nghèo.

Song, nếu chỉ có sự kêu gọi của UBND TPHCM và 14 doanh nghiệp tham gia, chương trình hàng bình ổn sẽ chẳng thấm vào đâu với nhu cầu của gần chục triệu dân TPHCM. Bởi vậy, chỉ khi nào hàng chục ngàn doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh trên mọi lĩnh vực ở TPHCM cùng chung ý tưởng và hành động, giảm bớt một phần lợi nhuận của mình để tham gia bình ổn giá thì đông đảo bà con nghèo mới có thể vui vầy đón xuân. Lúc ấy, tết mới thực sự đến với mọi người, mọi nhà.

Phan Lộc

Tin cùng chuyên mục