Đến tháng 6, phải hoàn thành giải phóng mặt bằng các dự án đầu tư công

Ngày 2-3, UBND TPHCM tổ chức hội nghị kiểm tra kế hoạch triển khai nhiệm vụ năm 2024, giải quyết kiến nghị của UBND TP Thủ Đức và UBND quận 1, quận 7, huyện Cần Giờ.

Đồng chí Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TPHCM chủ trì.

2-3-11-193.jpg
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi chủ trì hội nghị. Ảnh: VIỆT DŨNG

TP Thủ Đức được phân bổ vốn dư 2.000 tỷ đồng?

Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận về giải ngân vốn đầu tư công. Về kế hoạch giải ngân năm 2024, Chủ tịch UBND TP Thủ Đức Hoàng Tùng cho biết Thủ Đức đã đăng ký số vốn là 1.900 tỷ đồng. Đây là số vốn được TP Thủ Đức tính toán rất chặt chẽ để đảm bảo kế hoạch giải ngân trong năm.

Theo ông Hoàng Tùng, hiện không chỉ TP Thủ Đức mà các quận, huyện khác đều rất thận trọng trong việc đề xuất để đảm bảo chỉ tiêu thành phố giao. TP Thủ Đức cũng rất tập trung và quyết tâm đẩy nhanh tiến độ để đưa các công trình vào sử dụng.

2-3-12-6625.jpg
Chủ tịch UBND TP Thủ Đức Hoàng Tùng nêu ý kiến. Ảnh: VIỆT DŨNG

Tuy nhiên, Sở KH-ĐT phân bổ cho TP Thủ Đức 3.900 tỷ đồng là dư 2.000 tỷ đồng so với nhu cầu (tổng số vốn TP Thủ Đức được giao là 3.900 tỷ đồng, trong đó có 200 tỷ đồng kết dư từ năm 2023 – PV).

“Đây là vấn đề cho thấy sự phối hợp chưa tốt trong việc phân bổ các dự án. Dù quý 1, TP Thủ Đức có nỗ lực, phấn đấu thế nào cũng không đạt được chỉ tiêu”, ông Hoàng Tùng nói và nhận khuyết điểm. Song, ông cho rằng Sở KH-ĐT phân bổ như vậy là dựa trên một con số không sát, TP Thủ Đức không biết cách nào để giải ngân 2.000 được phân bổ dư.

Phân tích cụ thể về số phân bổ dư, Chủ tịch UBND TP Thủ Đức cho biết, một số dự án hiện không còn nhu cầu giải ngân nhưng vẫn cấp thêm. Thậm chí một số dự án đã quyết toán xong như trong trung hạn còn vốn thì lại bố trí thêm. Ông kiến nghị Sở KH-ĐT có kế hoạch phân bổ sát hơn với nhu cầu của các quận huyện để các địa phương có kế hoạch giải ngân hợp lý.

Trao đổi lại, Giám đốc Sở KH-ĐT Lê Thị Huỳnh Mai cho biết, quy tắc bố trí vốn hàng năm được thực hiện theo quy định, căn cứ theo tình hình của đơn vị đăng ký và quyết định đầu tư, quyết định chủ trương đầu tư của từng dự án trong giai đoạn. Các năm qua, thấy các đơn vị thường đăng ký dưới nhu cầu và dưới kế hoạch bố trí vốn do lo ngại không giải ngân đảm bảo tỷ lệ. Do đó, cuối năm 2023, Sở đã mời các đơn vị lên làm việc và yêu cầu đăng ký đúng tiến độ của các dự án đã được phê duyệt chủ trương đầu tư.

2-3-13-3897.jpg
Giám đốc Sở KH-ĐT Lê Thị Huỳnh Mai trao đổi lại. Ảnh: VIỆT DŨNG

Lý giải việc giải ngân đầu tư công thời gian qua còn chậm, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho rằng, các địa phương chưa thực sự tập trung triển khai trong năm mà thường dồn vào cuối năm. “Năm rồi (năm 2023 – PV), chúng ta cũng nói đến tháng 6 phải xong giải phóng mặt bằng để khởi công trong 6 tháng còn lại, nhưng vẫn chậm. Do đó, các địa phương phải tập trung, nhiệm vụ giải phóng mặt bằng phải kết thúc chậm nhất đến cuối tháng 6 để có mặt bằng khởi công”, đồng chí yêu cầu.

Lo lắng về tiến độ giải ngân, đồng chí lấy ví dụ, hết quý 1, TP Thủ Đức dự kiến giải ngân chỉ 5%, trong khi đó, dự kiến TPHCM giải ngân đầu tư công quý 1 từ 10-12%, quý 2 là 30%, điều này rất khó khăn. Để đảm bảo đạt chỉ tiêu trên, đồng chí Phan Văn Mãi yêu cầu các đầu mối lớn là các ban quản lý, các địa phương được bố trí nhiều vốn phải đảm bảo tỷ lệ.

“Quyết tâm quý 1, quý 2 giải ngân đầu tư công đảm bảo chỉ tiêu. Tiền đi ra, đi vào trong nền kinh tế mới thúc đẩy tăng trưởng thực sự, công trình hoàn thành đi vào sử dụng mới thúc đẩy phát triển chứ không phải chỉ làm chuyện kỹ thuật là hoàn thành chỉ tiêu giải ngân đầu tư công”, đồng chí Phan Văn Mãi nhấn mạnh.

Công trình kỷ niệm 50 năm phải hướng đến nâng cao đời sống người dân

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi yêu cầu các địa phương tập trung, bám sát vào triển khai chủ đề năm của TPHCM là “Quyết tâm thực hiện hiệu quả Chuyển đổi số và Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội”, trong đó chuyển đổi số phải gắn liền với xây dựng chính quyền số, hành chính số.

Đồng chí thông tin, quý 1-2024, TPHCM sẽ hoàn thiện đề án về nền công vụ, do đó các quận huyện, TP Thủ Đức phải tham gia vào. Đồng chí giao TP Thủ Đức xây dựng đề án riêng để đi trước, nghiên cứu nhằm hoàn thiện mô hình thành phố trong thành phố. Huyện Cần Giờ cũng phải xây dựng chính quyền số, hành chính số để rút ngắn khoảng cách về địa lý, hạn chế việc phải đi lại; đồng thời, tập trung giải quyết vấn đề quy hoạch trong tháng 3 cũng như tập trung đẩy nhanh các dự án lớn.

2-3-9-2727.jpg
Giám đốc Sở GTVT TPHCM Trần Quang Lâm trao đổi với lãnh đạo các địa phương. Ảnh: VIỆT DŨNG

Đồng chí nhấn mạnh đến mục tiêu phấn đấu đến cuối năm 2025, các hoạt động cơ bản của nền hành chính phải được chuyển đổi sang nền tảng số để khi bước sang nhiệm kỳ sau kịp vận hành chính quyền số.

Về thu ngân sách, người đứng đầu chính quyền TPHCM yêu cầu 4 địa phương tập trung triển khai đảm bảo tương xứng với tiềm năng, lợi thế của địa phương mình; tập trung cho giải ngân đầu tư công, mua sắm công. Song song với đó, 4 địa phương cần nghiên cứu, tiên phong triển khai một số mô hình mới liên quan kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh để rút kinh nghiệm cho thành phố.

Dành nhiều thời gian để trao đổi, phân tích về việc thực hiện các công trình chào mừng 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đồng chí yêu cầu các công trình phải thiết thực để người dân cảm nhận được ý nghĩa. Đồng thời, các địa phương phải rà soát lại kế hoạch năm 2024, lồng ghép để triển khai phong trào, hoạt động của đợt thi đua đặc biệt.

2-3-7-597.jpg
Đồng chí Phan Văn Mãi phát biểu kết luận hội nghị. Ảnh: VIỆT DŨNG

Bên cạnh 50 công trình, dự án tiêu biểu của TPHCM, các địa phương, các ngành cần nghiên cứu, rà soát, đăng ký thực hiện danh mục các công trình, công việc để chào mừng. Trong đó, Sở KH-ĐT được Chủ tịch UBND TPHCM giao chủ trì, đề xuất đầu tư một nhóm công việc, dự án nhỏ mang tính chỉnh trang đô thị trên toàn địa bàn thành phố, có thể dành một khoản ngân sách để triển khai dự án này.

“Đối với việc kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, các hoạt động không chỉ mang bề nổi, mang tính phong trào mà thành phố cần rà soát, đầu tư để cải thiện điều kiện sống, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân. Có như vậy, người dân mới cảm nhận rõ được ý nghĩa, thành quả của dịp kỷ niệm trọng đại này”, đồng chí Phan Văn Mãi nhấn mạnh.

Tại hội nghị, UBND quận 1 đề xuất UBND TPHCM chỉ đạo Sở KH-ĐT chủ trì mời gọi đầu tư dự án tứ giác Nguyễn Cư Trinh (khu Mả Lạng). Về dự án này, Giám đốc Sở KH-ĐT Lê Thị Huỳnh Mai cho biết đây là một dự án phức tạp, có nhiều vướng mắc và trải qua nhiều thời kỳ. Trước đây, dự án đã được thu hồi, hiện thành phố đang thực hiện thủ tục đấu thầu mới.

Vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định 23 về quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án thuộc trường hợp phải tổ chức đấu thầu theo quy định của pháp luật về quản lý ngành, lĩnh vực. Sở KH-ĐT sẽ phối hợp với các sở ngành, đơn vị liên quan để sớm triển khai công tác đấu thầu, đưa vào đầu tư, chỉnh trang khu vực này.

Tin cùng chuyên mục