Dĩ bất biến, ứng vạn biến

Dĩ bất biến, ứng vạn biến

Trong quá trình 25 năm đổi mới, đổi mới chính sách đối ngoại đã góp phần to lớn vào công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước, công cuộc hòa hợp và hòa giải dân tộc. Phóng viên Báo SGGP đã có dịp gặp gỡ với đồng chí Vũ Hắc Bồng, nguyên Giám đốc Sở Ngoại vụ TPHCM nghe ông kể về những ngày tháng mang tính lịch sử đối với vận mệnh đất nước.

Từ bạn đến đối tác tin cậy

Công cuộc đổi mới của đất nước bắt đầu từ năm 1986, riêng thời điểm đánh dấu đổi mới trong chính sách đối ngoại bắt đầu từ Đại hội Đảng toàn quốc khóa VII. Từ khóa VI chúng ta bắt đầu mày mò, tìm kiếm con đường ngoại giao thích hợp để đưa đất nước thoát khỏi khó khăn, đồng thời đào tạo đội ngũ cán bộ. Từ Đại hội VII, Đảng ta chủ trương Việt Nam muốn làm bạn với tất cả các nước, phấn đấu vì hòa bình, độc lập phát triển. Và đến Đại hội IX, ta khẳng định Việt Nam muốn là đối tác tin cậy của tất cả các nước.
 
Vào thời điểm đó, Đảng và Nhà nước đặt ra 3 mục tiêu đổi mới: đảm bảo an ninh, phát triển đất nước và hội nhập quốc tế. An ninh là bảo vệ đất nước, bảo vệ từng tấc đất biên cương Tổ quốc. Phát triển đất nước chủ yếu là phát triển kinh tế; hội nhập quốc tế là đưa đất nước bước ra thế giới và kéo thế giới xích lại gần mình. Riêng đối ngoại có hai hướng: thực hiện nghĩa vụ dân tộc và nghĩa vụ quốc tế. Nghĩa vụ dân tộc là xây dựng đất nước, bảo vệ đất nước. Nghĩa vụ quốc tế là ủng hộ, bảo vệ xu hướng tích cực, phản đối và lên án xu hướng tiêu cực giữa lúc tình hình thế giới đầy biến động. Đó là thời điểm hệ thống các nước XHCN Đông Âu bắt đầu sụp đổ. Việc ta đưa quân vào Campuchia là để thực hiện nghĩa vụ quốc tế, vừa bảo vệ nhân dân Campuchia, vừa bảo vệ nhân dân Việt Nam và từng tấc đất của cha ông.

Vào thời điểm đó, Đảng và Nhà nước khẳng định tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt quá trình đổi mới chính sách đối ngoại là như Bác Hồ đã dạy: “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”. Dĩ bất biến đối với 3 mục tiêu độc lập dân tộc, thống nhất đất nước và chủ nghĩa xã hội. Ứng vạn biến: sáng tạo, năng động, phù hợp tình hình Việt Nam, khu vực và thế giới và đối tác mà chúng ta có quan hệ ngoại giao.

Ứng vạn biến đặt ra yêu cầu phải nắm được đối tác và đối tượng. Có những bạn bè đối tác nhưng cũng có những quốc gia là đối tượng. Cũng có những quốc gia vừa là đối tác vừa là đối tượng khi họ với ta còn có những bất đồng, khoảng cách. Vì vậy, trách nhiệm của đối ngoại là nắm rõ từng quốc gia để vừa hợp tác với đối tác vừa đấu tranh với đối tượng.

Về hình thức ngoại giao, Đảng và Nhà nước chủ trương ngoại giao không chỉ là chính trị, mà còn là để phát triển kinh tế, giới thiệu văn hóa, đảm bảo quốc phòng an ninh. Vì vậy, chủ thể tham gia công tác đối ngoại gồm Nhà nước, Đảng, các tầng lớp nhân dân.
 
TPHCM: Năng động trong chính sách đối ngoại

TPHCM sớm xác định tầm quan trọng của công tác đối ngoại nên tổ chức và thực hiện nhiệm vụ đối ngoại ngay khi tiếp quản TP. Đây là chủ trương mới của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, vì vậy trong Ban Quân quản TP đã có người phụ trách đối ngoại. Đó là ông Hoàng Bích Sơn, sau này là Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội. Từ đó, tạo ra xu thế ngoại giao liên tục từ cấp Nhà nước, Đảng và nhân dân. Rồi các hội hữu nghị, nhà hữu nghị ra đời góp phần vào chính sách thúc đẩy ngoại giao nhân dân.

Cơ quan đơn vị nhà nước và đoàn thể đều có chức năng hoặc bộ phận làm lễ tân, nếu không có phòng ban thì cũng có người phụ trách đối ngoại. Có thể nói tư duy đối ngoại quán triệt ngay từ đầu trong các cơ quan ban ngành. Sau này, càng ngày càng rõ mục đích đối ngoại trong phát triển kinh tế, TP lại chủ động thành lập Trung tâm xúc tiến thương mại.
 
Khi đưa quân sang Campuchia, TPHCM đã làm trọn vẹn 3 nhiệm vụ: tư vấn, có bộ phận tư vấn trực tiếp, viện trợ vật chất, quản lý khu tái định cư cho người tị nạn Campuchia trên đất Bình Dương (có những lúc lên đến 9.000 người tị nạn Campuchia).

Sự năng động của TP còn được thể hiện ở việc chủ động xây dựng nguồn nhân lực. TP đã tự đào tạo nguồn nhân lực cho ngành ngoại giao bằng việc thành lập Trung tâm Đào tạo bồi dưỡng kiến thức ngoại giao và ngoại ngữ. Trung tâm không chỉ đào tạo nguồn nhân lực cho cơ quan chuyên môn mà còn cho các đơn vị kinh tế, giáo dục…

Khi lệnh cấm vận của Mỹ áp đặt lên Việt Nam vẫn còn hiệu lực, TP đã không chịu bó tay. Vào năm 1985, lần đầu tiên, TP kêu gọi một đoàn doanh nhân Mỹ gồm 75 người đến TP tìm hiểu cơ hội làm ăn. Có nhiều người hỏi làm sao Mỹ đang cấm vận mà họ có thể đến được. Một phần là ta chủ động, nhưng một phần là do xu thế chung. Khi chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam kết thúc, dù Mỹ đang cấm vận, nhưng rõ ràng nhiều quốc gia muốn đến Việt Nam để tìm hiểu tại sao Việt Nam nhỏ bé lại đánh thắng Mỹ, Việt Nam sau chiến tranh có tàn sát không? Ta nắm bắt được tâm lý đó nên chủ động mời và họ đồng ý sang ngay. Lúc đó nhiều ý kiến phản đối. Có những lãnh đạo nói quan hệ với Mỹ dứt khoát không nên. Vào thời điểm đó, tư duy bao cấp còn nặng nề, đối đầu ý thức hệ còn phức tạp.
 
Tôi đã trả lời là đối ngoại không có ranh giới miễn sao có lợi cho quốc gia, cho dân tộc. Lúc đó, chính đồng chí Nguyễn Văn Linh, Bí thư Thành ủy TPHCM chỉ định hai lãnh đạo TP là đồng chí Mai Chí Thọ, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy và đồng chí Phan Văn Khải, Chủ tịch UBND TP đứng ra tiếp đoàn doanh nhân tại đại sảnh UBND TP. Bây giờ ta không tiếp như thế nhưng hồi đó ta cần gây ấn tượng. Lúc đó, ta cần doanh nghiệp Mỹ thấy 3 điều: Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng là mảnh đất hòa bình, không phải là cuộc chiến, thứ hai Việt Nam là một đất nước cởi mở, thứ ba là một đất nước có tiềm năng.
 

Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân tiếp đón Tổng thống Hoa Kỳ G.W.Bush và phu nhân nhân chuyến thăm TPHCM năm 2006. Ảnh: T.L.
Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân tiếp đón Tổng thống Hoa Kỳ G.W.Bush và phu nhân nhân chuyến thăm TPHCM năm 2006. Ảnh: T.L.

Tôi còn nhớ câu chuyện cởi trói trong chính sách đối ngoại của TP. Năm 1983, tôi về Sở Ngoại vụ được một năm, TP tổ chức lễ kỷ niệm Quốc khánh 2-9 và chỉ mời đại diện các nước XHCN, trong khi Pháp có lãnh sự quán tại đây từ năm 1975, nhân Quốc khánh của ta họ cũng gửi điện mừng nhưng ta lại không mời. Lúc đó, chúng tôi có kiến nghị TP mời đại diện Lãnh sự Pháp vì Pháp có quan hệ ngoại giao với ta. Sau khi thảo luận, TP đã đồng ý mời nhưng vì quyết định quá muộn nên để đảm bảo nguyên tắc lịch sự ngoại giao, ta đành không mời bạn Pháp.

Nhưng từ năm đó trở đi, thông lệ chung bất thành văn là nhân Quốc khánh hay các ngày lễ lớn, ta đều mời tất cả các cơ quan đại diện ngoại giao tại TP đến dự. Điều đó cho thấy TP đã năng động trong việc mở rộng quan hệ hợp tác với các nước, thực hiện đúng phương châm: Việt Nam muốn làm bạn, là đối tác tin cậy của tất cả các nước trên thế giới.
 
Một chính sách nhân đạo được hoan nghênh

Thành công lớn của TP nói riêng và cả nước nói chung đó là ta tiếp nhận có hiệu quả chủ trương của Đảng để chủ động chuyển vấn đề di tản vô chính phủ sau chiến tranh thành chương trình ra đi có trật tự. Đây là một quyết định rất sáng suốt và mang tính nhân đạo. Ta đã bố trí cho 50 vạn người dân đi sang Mỹ có trật tự, 50 vạn người sang 28 nước khác. Nhưng vào thời điểm đó, có nhiều ý kiến phản đối gay gắt cho rằng đây là hòa hoãn với Mỹ, để hàng loạt người ra đi bỏ Tổ quốc. Một số nhóm có lợi ích, mất ăn phản đối nhiều nhất vì người ra đi có trật tự thì họ không ăn được tiền của người đi vượt biên.
 
Thành công của chương trình ra đi có trật tự là ổn định xã hội, từng bước trong sạch nội bộ, cảm hóa được những người ra đi và ngay sau đó, một số người viết thư về cảm ơn, nói rằng nhờ chính sách cho phép người dân ra đi mà họ đã ổn định cuộc sống. Nhờ chính sách này mà ta đã thực hiện được chính sách đoàn kết, hòa hợp và hòa giải dân tộc, Việt kiều đã thực sự trở thành một bộ phận của dân tộc Việt Nam. Ta đã ngăn ngừa được làn sóng ra đi vô chính phủ và tai nạn trên biển làm nhiều đồng bào thiệt mạng.

Cuối cùng, quốc tế hoan nghênh và cho rằng đó là chính sách nhân đạo của Việt Nam vì sau đại chiến thứ hai không ai làm như vậy. Đây là một tia sáng trong chủ nghĩa nhân văn và tôn trọng nhân quyền, giúp ta đấu tranh về vấn đề nhân quyền trên các diễn đàn quốc tế.
 
Nhìn lại tình hình từ sau 1986, TPHCM sớm tiếp nhận cao trào đổi mới của đất nước nên đã có tư duy sớm phát triển đối ngoại địa phương. Từ đó, đối ngoại nhân dân càng ngày càng lan tỏa, cả chiều rộng và chiều sâu. Với những thành tựu đạt được có thể nói cả nước đã thực hiện được tư tưởng ngoại giao của Chủ tịch Hồ Chí Minh - “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”.

Vũ Hắc Bồng (nguyên Giám đốc Sở Ngoại vụ TPHCM)

VIỆT TRUNG ghi

Tin cùng chuyên mục