Hai người đàn ông cười rổn rảng, bật đèn pin điện thoại để săm soi, ngắm nghía cho rõ cái đồng hồ vì trời còn chưa sáng hẳn.
“Săn” đồ lạc xoong
Trả cái đồng hồ lại cho ông khách đang lựa đồ, ông Cao Văn Hùng (55 tuổi, ngụ quận 7, TPHCM) tấm tắc: “Cha nội này hên ghê, hàng ngon vậy mà có trăm rưỡi, lời quá xá”. Khách dù mua hay không, cũng khoái ghé lại ngay chỗ tấm bạt bày đủ thứ loại đồng hồ cũ của ông Hùng, bởi tính buôn bán dễ chịu của người đàn ông ngoài 50 tuổi với hơn 20 năm kinh nghiệm bán đồ lạc xoong này. Hễ khách trả giá được một chút, nhắm có lời chút đỉnh là ông “đẩy” hàng đi liền.
Chưa đầy 5 giờ sáng, không khí đã xôm tụ trước tòa nhà 198 trên đường Nguyễn Thị Minh Khai (quận 1, TPHCM), người bán trải tấm bạt hay cái bao đựng đồ, rồi bày biện đủ thứ ra để khách lựa: túi xách, giày da, mấy cái muỗng nĩa, 2-3 cái dĩa bằng gốm, hột quẹt, điện thoại, nhẫn bạc… và nhiều nhất là đồng hồ.
Tất cả đều là đồ cũ, thậm chí đã chuyền qua 3-4 tay, nhưng giá trị thế nào còn tùy thuộc vào từng món hàng và xét theo nhiều khía cạnh. Như túi xách hay bóp, ví thì phải xem là da gì, da thật hay da giả; đồng hồ thì coi thương hiệu gì, năm ra đời, chất lượng của máy, còn nguyên zin, hay đã qua sửa chữa, thay thế… Và đặc biệt là giá cả, thì phải qua con mắt nhà nghề của mấy tay chuyên săn đồ lạc xoong thẩm định.
“Nói vậy thôi chứ bị hố hoài hà, gặp phải món đồ mình đang tìm, ham quá mua luôn đâu có coi kỹ. Người bán đi rồi mới phát hiện đồ dỏm chứ hông phải đồ hiệu hay đồ cổ. Còn cái đồng hồ này thì hên, mua được của bà ve chai, bả cũng hông rành ba cái đồ cũ này mới bán đại giá trăm rưỡi, chứ đụng phải mấy tay “thợ chạy” - dân buôn đồ cũ - PV, là giá bạc triệu trở lên”, ông Thiện Tài (50 tuổi, ngụ quận 3, TPHCM) kể.
Mấy ông bà tập thể dục sớm cũng tò mò xúm lại coi, còn dân “săn” đồ cũ người cầm lên, bỏ xuống, người lật đật chen vào vì thấy món đồ ưng bụng, người trả giá, kỳ kèo để bớt chút đỉnh… Có người vừa thấy cặp muỗng nĩa ưng ý, lật đật chỉ tay như xí phần, nhưng chưa kịp chen vào thì đã bị người khác chộp mất, tiếc hùi hụi đành tặc lưỡi: Tui chỉ trước mà.
Gần 7 giờ sáng, người mua, người bán tản bớt rồi dọn dẹp hẳn, để lại mặt tiền tòa nhà thoáng đãng. Nhân viên tạp vụ, bảo vệ tòa nhà cũng bắt đầu vào guồng quay công việc của ngày mới.
Nghề chơi cũng lắm công phu
Đường Lê Công Kiều (quận 1, TPHCM) được nhiều người biết đến là nơi chuyên đồ cổ, dân chơi đến khu này thường là những tay chơi đồ cổ, nhà sưu tầm chuyên nghiệp. Mỗi món đồ ở khu này được bán với giá từ vài chục đến hàng trăm triệu đồng là chuyện bình thường.
Còn những khu chợ lạc xoong thì giá cả dễ chịu hơn rất nhiều, hàng hóa thượng vàng hạ cám đều có đủ. Cũng bởi vậy mà người ra, kẻ vô những khu chợ này khá sôi nổi. Rất có thể sẽ chộp được món đồ hiệu hay ho, món đồ cổ giá trị, hay chỉ là đồ cũ qua tay, hoặc đồ giả cổ… Tất cả đều phụ thuộc vào độ may mắn và nhanh tay lẹ mắt của người mua.
- Lấy con đôi này cô ơi.
- 250.000 đồng không bớt nha, còn 200.000 đồng thì qua đống bên này.
Đôi giày da hai trăm rưỡi chắc giá, bà chủ bán hàng vừa thối lại tiền cho khách, vừa nói: “Coi tui nói chuyện hơi lớn tiếng, chứ tui hiền lắm, hông có dữ dằn gì đâu. Chợ này tui bán phải gần ba chục năm nay rồi, kiếm giày da, túi xách nhớ ghé tui nha”, bà Hồng (58 tuổi, chủ một cửa hàng đồ cũ chợ Bàn Cờ, quận 3, TPHCM) cho biết.
Khách hàng của những khu chợ lạc xoong, chợ đồ cũ (đồ sida) khá đa dạng. Người thu nhập thấp ghé lại vì hàng giá rẻ, người muốn xài đồ hiệu nhưng túi tiền eo hẹp và cũng có không ít bạn trẻ chuộng các loại giày, túi xách, quần áo… từ những khu chợ đồ si này.
“Không biết phải giải thích sao, nhưng theo mắt thẩm mỹ của tôi thì xài đồ si mà biết phối quần áo, phụ kiện trông rất cá tính chứ không phải cũ kỹ gì. Tôi thường ghé khu chợ này để tìm các loại túi và ví da, mua quen rồi thì dặn luôn chủ tiệm, có hàng mới là họ gọi điện thoại cho mình tới lựa”, Nguyễn Đức Thành (22 tuổi, nhân viên văn phòng, ngụ quận 4, TPHCM) cho biết.
Khoe cái bóp da vừa “săn” được gần 300.000 đồng, bác Đặng Văn An (62 tuổi, ngụ quận 3) hớn hở: “Muốn săn được đồ hiệu thì phải có con mắt nhà nghề nghen, ở đây hàng đủ loại hết, nên muốn mua thì phải có thời gian ngồi lựa, chứ gấp gáp quá không được đâu. Như cái bóp này da thiệt, còn bóng lưỡng, nhẵn mịn, hàng này mà vô tiệm thì đâu có giá ba trăm. Đôi giày tui đang mang cũng vậy, dòm thấy chơi đồ sida chứ từ trên xuống dưới đồ hiệu không nghen”.
Đi ngang qua đường Lý Thường Kiệt (đoạn giao với đường Tân Phước, Nhật Tảo) từ trưa xế đến chiều, dễ dàng bắt gặp vài nhóm người đang lựa mấy món trong một mớ đồ lạc xoong trải trên các manh bao, tấm bạt.
- Chai này nhiêu?
- 100.000 đồng chẵn luôn bà chị.
Người phụ nữ gật đầu cái rụp, trả tiền xong cầm chai nước hoa lên ngửi, mặt đầy ưng ý. “Chai này mua nguyên thì phải hơn 4 triệu đồng lận đó”, chị Minh Hà (36 tuổi, ngụ quận Tân Bình) nói, đoạn lên xe chạy mất hút.
Nhiều “thợ chạy” khu này kể, hàng hóa lấy khắp nơi, đủ loại, đủ giá. Có bữa hên, mua được cả bao đồ của một gia đình đang dọn dẹp hay chuẩn bị đi định cư nước ngoài, đem đi bán lại, ai muốn mua gì thì mua. Cũng có những ngày chạy khắp nơi để săn đồ cho khách, săn được thì có lời, còn không thì cứ chạy khi nào có thì “hú” họ ra lấy.
Dạo một vòng quanh TPHCM, không khó để tìm các khu chợ đồ si, đồ lạc xoong như chợ đồ si Bàn Cờ (quận 3), chợ đồ si đường Hoàng Hoa Thám (quận Tân Bình), chợ đồ si Bà Chiểu (quận Bình Thạnh), chợ lạc xoong đường Nhật Tảo (quận 10)…
Bên cạnh đó là các hội nhóm chơi đồ cổ, đồ lạc xoong thường hội họp ở các quán cà phê theo phong cách xưa và cả những hình thức trao đổi, mua bán online thông qua mạng xã hội. Một nét văn hóa đi chợ độc đáo, săn đồ lạc xoong độc lạ, mà nếu không phải nơi này thì người ta khó có thể tìm thấy ở những thành phố khác.