Dịch Covid-19: Mối nguy từ tin tặc

Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới các hoạt động kinh tế và cuộc sống của người dân. Hàng loạt chính phủ và tổ chức tài chính các nước đã tung ra nhiều giải pháp khẩn cấp để giữ cho các nền kinh tế không bị suy thoái. Cuộc chiến chống dịch thêm phần khó khăn khi tin tặc đã lợi dụng để tấn công lừa đảo tài chính.
Nhóm Covid-19 CTI League, gồm gần 400 tình nguyện viên quốc tế chuyên vấn đề an ninh mạng đến từ 40 quốc gia. Ảnh: Reuters
Nhóm Covid-19 CTI League, gồm gần 400 tình nguyện viên quốc tế chuyên vấn đề an ninh mạng đến từ 40 quốc gia. Ảnh: Reuters

Giãn nợ, tăng khoản vay

Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) ngày 27-3 đã kêu gọi các ngân hàng Khu vực Đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đóng băng việc thanh toán cổ tức “ít nhất cho đến tháng 10-2020” để bảo toàn tính thanh khoản có thể được dùng để giúp các gia đình và doanh nghiệp vượt qua đại dịch. Bên cạnh đó, ECB cũng khởi động một chu kỳ cho vay lãi suất siêu thấp mới dành cho các ngân hàng thành viên và nới lỏng các quy định về vốn đệm để khuyến khích các ngân hàng cho hộ gia đình và doanh nghiệp vay.

Cùng ngày, Quỹ Tiền tệ thế giới (IMF) đã thông qua những sửa đổi nhằm cho phép IMF giãn nợ cho các nước thành viên kém phát triển nhất và dễ bị tổn thương do Covid-19. IMF cho hay đã mở rộng tiêu chí đánh giá đối với việc “Ngăn chặn Thảm họa và Ủy thác cứu trợ (CCRT)” sao cho phù hợp với những tình huống do Covid-19 đặt ra. Theo đó, tất cả các nước thành viên có thu nhập trung bình dưới ngưỡng quy định của Ngân hàng Thế giới (WB) để được nhận hỗ trợ ưu đãi, sẽ được giãn nợ tối đa 2 năm.

Tại Brazil, Tổng thống Jair Bolsonaro cho biết chính phủ sẽ mở rộng cho vay lãi suất thấp thêm 40 tỷ real (gần 8 tỷ USD) dành cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ chịu tác động của Covid-19. Các doanh nghiệp này có thể vay với lãi suất 3,75%, thấp hơn 20% lãi suất trên thị trường, để chi trả 2 tháng lương, không sa thải nhân viên trong thời gian này. Ước tính chương trình trên sẽ đem lại lợi ích cho 1,4 triệu doanh nghiệp và 12,2 triệu người lao động.

Tin tặc lộng hành

Tờ Le Temps của Thụy Sĩ số ra ngày 27-3 cho biết một số nhóm tin tặc đang nhắm mục tiêu vào các bệnh viện và doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực y tế để đòi tiền chuộc hoặc đánh cắp tài liệu.

Chúng đã sử dụng ransomware, các chương trình làm tê liệt hệ thống máy tính và giành quyền truy cập vào máy tính, sau đó đòi tiền chuộc. Hiện tại, mục tiêu của chúng là chiếm được lòng tin của nhân viên và sau đó trích xuất thông tin cho phép các đối tượng truy cập vào hệ thống máy tính nội bộ. Trong 2 tuần qua, đã xác định được khoảng 400 địa chỉ IP độc hại hoặc lừa đảo liên quan đến virus SARS-CoV-2.

Tại Pháp, các tin tặc đã đánh sập máy chủ hoặc mạng, khiến người dùng khác không thể truy cập vào máy chủ/mạng đó. Cơ quan hỗ trợ công cộng Bệnh viện Paris đã phải tạm thời cắt quyền truy cập bên ngoài đến thư điện tử và các công cụ làm việc từ xa.

Kể từ khi bắt đầu đại dịch, các cuộc tấn công mạng nhằm vào Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã tăng gấp đôi. Trước đó, ngày 25-3, nhóm Covid-19 CTI League, gồm gần 400 tình nguyện viên quốc tế chuyên vấn đề an ninh mạng đến từ 40 quốc gia, đã được thành lập để đối phó với các vụ tấn công mạng. Các thành viên trong nhóm gồm cả những chuyên gia hàng đầu của Microsoft và Amazon. Ưu tiên hàng đầu của nhóm là chống lại những cuộc tấn công mạng nhằm vào các cơ sở y tế, các cơ quan ứng phó ở tuyến đầu chống dịch và các tổ chức y tế. Nhóm cũng ngăn chặn kịp thời các vụ lừa đảo quy mô nhỏ và tội phạm tài chính khác lợi dụng tâm lý lo lắng của người dân về dịch Covid-19 hoặc theo dõi các thông tin về dịch bệnh.

Một số nhóm tin tặc đã công khai khẳng định sẽ không nhắm mục tiêu vào các bệnh viện vì tình hình nghiêm trọng hiện nay... nhưng sẽ tấn công các công ty dược phẩm, đang bị cáo buộc là kiếm quá nhiều lợi nhuận.

Tin cùng chuyên mục