
Chi phí tăng, lợi nhuận giảm, mất khách hàng là bối cảnh chung của nhiều doanh nghiệp nhỏ ở Hoa Kỳ hiện nay… Tình hình bi đát đến nỗi nhiều doanh nghiệp nhỏ (chiếm 99% tổng số doanh nghiệp ở Hoa Kỳ) cảm thấy tương lai màu xám.

Chuẩn bị bột làm bánh tại hãng Enrico Biscotti.
Tom Weisbecker, ông chủ nhà hàng Isaly ở Pennsylvania, lo lắng: “Mấy tháng nay chúng tôi liên tục bị lỗ, mỗi tháng mất khoảng 1.000 USD. Chúng tôi đã cố gắng giữ giá để chia sẻ với khách hàng trong thời buổi gạo châu củi quế, nhưng e rằng không thể cầm cự lâu hơn được nữa”.
So với năm ngoái, giá thịt heo đã tăng khoảng 1 USD/kg, thịt bò tăng 20%, một bình dầu cải 5 gallon (19 lít) từ 15 USD nhảy vọt lên 40 USD, bao bột 25 kg từ 7 USD tăng lên 20-25 USD. Đó là chưa kể phát sinh thu phí nhiên liệu 5-9 USD khi giao hàng. Trong lúc đó, thị trường lao động bấp bênh, tỷ lệ thất nghiệp tháng 5 tăng 5,5%, giới chủ sa thải 49.000 nhân công, tiền lương gần như giẫm chân tại chỗ khiến cho người tiêu dùng phải dè dặt cân nhắc mỗi khi định mua sắm.
Larry Lagattuta, chủ hãng Enrico Biscotti ở Pittsburgh, cho biết suốt 15 năm hoạt động, chưa bao giờ ông cảm thấy căng thẳng như hiện nay, nói: “Khi nền kinh tế chạy tốt, bạn có thể sửa chữa nếu lỡ phạm sai lầm nhưng trong nền kinh tế u ám, bạn không được phép sai lầm”. Nỗi lo sợ phá sản đang là sự ám ảnh nặng nề đè lên các doanh nghiệp nhỏ.
Khảo sát của Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ Quốc gia thực hiện tháng 2-2008 với 500 chủ doanh nghiệp, cho thấy doanh thu và lợi nhuận doanh nghiệp đồng loạt giảm, tăng trưởng việc làm ở điểm cực tiểu của 15 năm. Niềm tin bị chao đảo khi 71% doanh nhân (tăng mạnh so với 43% năm ngoái) bi quan về viễn cảnh kinh tế, 70% nghĩ doanh nghiệp có thể thành công (thấp hơn năm trước 11%). Cuộc khảo sát trên 1.700 doanh nghiệp do Liên đoàn doanh nghiệp độc lập tổ chức cũng đưa ra những kết quả u ám: Tỷ lệ chủ doanh nghiệp nhỏ coi lạm phát là mối nguy nghiêm trọng nhất đã tăng từ 4% lên 14%.
Khi giá nhiên liệu và thực phẩm leo thang, người tiêu dùng có xu hướng quay lưng với doanh nghiệp nhỏ để tìm đến các tập đoàn lớn có khả năng bán hàng giá rẻ hơn. Có thể thấy điều này qua các báo cáo tài chính. Thí dụ, báo cáo lợi nhuận quý tài chính III của Tập đoàn bán sỉ Costco tăng 32% vượt quá sự mong đợi của Phố Wall. Cindy Baker, chủ một cửa hiệu quà tặng có 20 năm thâm niên, lo ngại: Tình trạng kinh tế thế này khiến người ta chọn cách mua sắm ở những tập đoàn lớn vì ở đó có lượng hàng hóa đa dạng, phong phú giúp người mua tiết kiệm công sức cũng như chi phí xăng dầu đi lại. Cindy nói cô chưa bao giờ thấy tương lai cửa hàng của mình bi đát như thế này, kể cả thời kỳ sau vụ khủng bố 11-9-2001.
Một giải pháp mà nhiều doanh nghiệp nhỏ đang phải thực hiện là thu hẹp hoạt động và sa thải bớt nhân công, thậm chí có doanh nghiệp phải đóng cửa. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng những doanh nghiệp nhỏ nhưng có sản phẩm độc đáo hoặc được giới nhiều tiền ưa chuộng vẫn sống khỏe.
Tâm Bảo (Theo AP, MSNBC)