Doanh nghiệp trong nước gặp khó khăn, áp lực

Thống kê số doanh nghiệp rút khỏi thị trường, ĐB Trần Hoàng Ngân (TPHCM) cho rằng, doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn, chịu áp lực từ bên ngoài lẫn bên trong. Do vậy, đề nghị Quốc hội, Chính phủ quan tâm nhiều hơn các chính sách hỗ trợ, tiếp sức doanh nghiệp vượt qua khó khăn, phục hồi sản xuất kinh doanh.

Ngày 23-5, Quốc hội làm việc tại tổ và thảo luận về các nội dung liên quan đến kinh tế - xã hội; ngân sách nhà nước; công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; kết quả thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới.

Quan tâm đến tình hình kinh tế - xã hội, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Trần Hoàng Ngân (TPHCM) phân tích tình hình kinh tế - xã hội của Việt Nam trong những tháng đầu năm, cho thấy nền kinh tế vẫn còn chịu tác động từ kinh tế thế giới do độ mở lớn.

4BB1D69B-96EE-4157-A7EF-D4273240CAA1-30492-000003FC8E08A5B3.jpeg
Đoàn ĐBQH TPHCM làm việc tại tổ sáng 23-5. Ảnh: VĂN MINH

Đồng thời lo lắng lạm phát tăng, xuất nhập khẩu giảm kéo theo nguồn thu ngân sách cũng giảm, nhất là ở các mặt hàng đánh thuế cao như ô tô, máy móc thiết bị, sắt, thép...

Từ phân tích tình hình kinh tế - xã hội, ĐB Trần Hoàng Ngân kiến nghị Chính phủ cần chính sách, giải pháp hỗ trợ tương thích để nền kinh tế vượt qua khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong những tháng thì mới đạt được mục tiêu tăng trưởng cả năm đề ra.

6034C20B-6246-4EF9-B0FB-9A1CE7034D68-30492-000003E912B92E8E.jpeg
ĐB Trần Hoàng Ngân góp ý. Ảnh: VĂN MINH

Trong đó, ĐB nhấn mạnh đến 3 động lực tăng trưởng của nền kinh tế. Đó là động lực xuất khẩu, đầu tư, tiêu dùng. Về động lực xuất khẩu, Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp chuyển đổi xanh. Đồng thời quan tâm hơn nữa đến thị trường nội địa, khuyến khích người Việt Nam dùng hàng Việt Nam...

ĐB cũng phân tích số lượng doanh nghiệp rút khỏi thị trường trong 3 năm qua để nhấn mạnh rằng, doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn, chịu áp lực từ bên ngoài lẫn bên trong. Do vậy, ĐB đề nghị cần chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhiều hơn như chính sách miễn giảm thuế, gia hạn nợ, cơ cấu nợ... để tiếp sức doanh nghiệp vượt qua khó khăn, phục hồi sản xuất kinh doanh.

Một động lực quan trọng tiếp theo đó là đầu tư, ĐB Trần Hoàng Ngân cho rằng, đối với nguồn đầu tư nước ngoài cần ưu tiên thu hút nhà đầu tư công nghệ cao, thân thiện môi trường và kết nối doanh nghiệp trong nước.

Đồng thời, kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương nỗ lực hơn nữa trong việc thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, nhất là đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án trọng điểm.

9DF613EF-D3B6-4B9C-9FF5-27E67D9198D4-30492-000003E91971CC89.jpeg
ĐB Nguyễn Trần Phượng Trân phát biểu góp ý. Ảnh: VĂN MINH

Một vấn đề tiếp theo ĐB quan tâm đó là 3 đột phá chiến lược trong phát triển kinh tế - xã hội. Cụ thể cần hoàn thiện thể chế nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Trong đó, đề nghị Chính phủ ban hành các văn bản triển khai thực hiện nhanh hơn, đồng bộ hơn; đặc biệt là đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho các địa phương để đảm bảo tính ứng phó kịp thời, điều hành linh hoạt. “Tôi cho rằng cần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, trong đó đảm bảo phân cấp toàn bộ, trọn gói cho địa phương”, ĐB Trần Hoàng Ngân kiến nghị.

Hai đột phá chiến lược tiếp theo đó là hạ tầng và nguồn nhân lực chất lượng cao. ĐB Trần Hoàng Ngân nhấn mạnh phải quan tâm đầu tư hạ tầng giao thông, các dự án, công trình trọng điểm mang tính dẫn dắt thu hút đầu tư. Cùng với đó, quan tâm hơn nữa đến nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực khoa học công nghệ, giáo dục, y tế... bằng những chính thu hút, đãi ngộ xứng đáng.

F3965D91-6A4D-47FD-8D79-508766C1D80D-30492-000003E95D925DBD.jpeg
ĐB Trần Anh Tuấn phát biểu góp ý. Ảnh: VĂN MINH

ĐB Trần Anh Tuấn (TPHCM) trao đổi thêm, đó là nguồn lực đầu tư tư nhân chưa được khơi thông, thu hút chưa mạnh để doanh nghiệp mở rộng đầu tư, sản xuất.

ĐB đề nghị giải pháp kích cầu sản xuất trong nước, trước hết thông qua mở rộng các chính sách tài khóa, sử dụng các nguồn lực hỗ trợ như giảm thuế VAT, kéo dài thời gian thực hiện và mở rộng thêm đối tượng giảm thuế.

“Điều này góp phần kích thích hoạt động sản xuất, tiêu dùng; kích thích nền kinh tế phát triển”, ĐB nhận định và cho rằng ưu tiên nguồn lực thực hiện các chính sách đang triển khai có hiệu quả.

Về doanh nghiệp thành lập mới có tăng nhưng số doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động cũng tăng cao trong những tháng đầu năm, ĐB Trần Anh Tuấn cho rằng, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp chưa mang lại hiệu quả tích cực, chưa khuyến khích doanh nghiệp mở rộng đầu tư sản xuất, thành lập mới.

"Các doanh nghiệp được hỗ trợ nhưng thủ tục nhiêu khê, mất nhiều thời gian. Cho nên chúng ta cần sự thay đổi mạnh mẽ trong thực thi các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp”, ĐB Trần Anh Tuấn kiến nghị.

Số lượng doanh nghiệp trong nước rút khỏi thị trường: Năm 2019 là 89.200 doanh nghiệp; năm 2020 là 101.700 doanh nghiệp; năm 2021 là 120.000 doanh nghiệp; năm 2022 là 193.200 doanh nghiệp; năm 2023 là 172.600 doanh nghiệp.

"Như vậy cho thấy doanh nghiệp trong nước đang gặp rất nhiều khó khăn và chịu áp lực, thách thức cả bên trong lẫn bên ngoài", ĐB Trần Hoàng Ngân nhận định và cho rằng, đây là khu vực chiếm tỷ trọng cao trong đầu tư phát triển (chiếm 45-50%).

Tin cùng chuyên mục