Dọn sạch tin nhắn rác - Được không? - Bài 1: Vấn nạn tít tít cả ngày

Dọn sạch tin nhắn rác - Được không? - Bài 1: Vấn nạn tít tít cả ngày

Thời gian gần đây, tin nhắn rác hay còn gọi là spam bùng phát dữ dội khi các dịch vụ nội dung số trên điện thoại di động bắt đầu phát triển. Doanh thu từ dịch vụ này mang về cho các nhà mạng gần 7.000 tỷ đồng mỗi năm và là món tiền “hậu hĩnh” cho các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ tin nhắn nội dung số và có đầu số được đăng ký ở các nhà mạng di động (CPS). Chính vì thế, tin nhắn rác cứ tít tít, tè tè cả ngày lẫn đêm ám ảnh người dùng di động. Vậy tin nhắn rác từ đâu có và tại sao chúng ta lại bất lực nhìn nó len lỏi vào đời sống hàng ngày?

  • Nhà mạng là một “tay chơi”

Tin nhắn rác có phần lịch sự lúc ban đầu nhưng về sau gây phiền phức trước tiên xuất phát từ các nhà mạng. Có thể thấy rõ, các nhà mạng như VinaPhone, MobiFone, Viettel… gửi các tin nhắn tới tấp khách hàng của chính họ. Ai dùng di động đều có thể nhận được những tin nhắn như “VinaPhone khuyến mãi 100 thẻ cào từ ngày… đến ngày…”.

Đây là hình thức spam đầu tiên mà bản thân chính các nhà mạng tự áp dụng. Tuy nhiên hình thức này lại được chấp nhận. Một phần vì nội dung spam có “thông tin” cho khách hàng và được kiểm duyệt. Tuy nhiên với giới kinh doanh trong lãnh vực này, đó là ranh giới mong manh giữa quảng cáo qua mobile và spam sms. Người chịu thì nói là quảng cáo có lợi, còn người khó tính cho rằng chính nhà mạng đang làm phiền khách hàng… nên vẫn còn tranh cãi về bản chất tốt hay không tốt của loại tin nhắn này.

Tuy nhiên, sức ép doanh thu đã thúc giục nhà mạng liều lĩnh chuyển tải đủ loại “rác” trực tiếp tới người dùng của mình. Các tin nhắn gửi về việc tải nhạc chờ, game hot, hình nền… đã rất phổ biến từ các đầu số nhà mạng. Giới kinh doanh nội dung số khẳng định rằng, bản chất vấn đề này là cái “bắt tay” giữa nhà mạng và một CPS khác núp bóng thương hiệu nhà mạng.

Tin nhắn quảng cáo của nhà mạng làm phiền người dùng điện thoại di động. Ảnh: T.HÂN

Tin nhắn quảng cáo của nhà mạng làm phiền người dùng điện thoại di động. Ảnh: T.HÂN

Thực tế cũng thấy rõ, những CPS nào có cái “bóng” này thì doanh thu sẽ tốt và không ngừng khai thác, còn không thì cho dù nội dung có tốt mấy cũng khó mà đến được với các thuê bao của các nhà mạng. Cũng cần phải suy ngẫm, khi CPS được làm ăn với nhà mạng, nội dung spam của CPS qua đầu số nhà mạng được cho là “chính thống”… nên cứ thế mà spam.

Ông Vũ Quốc Khánh, Giám đốc Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam (VNCERT, Bộ TT-TT) cho hay, theo thống kê chưa đầy đủ từ các nhà mạng, mỗi năm có tới hàng chục tỷ tin nhắn quảng cáo được phát ra, chiếm khoảng 10% lượng tin nhắn trên hệ thống. Tuy nhiên, phần lớn các tin nhắn quảng cáo này được gửi đi từ các doanh nghiệp di động, còn lượng tin nhắn hợp pháp được gửi đi từ các CSP và CP (đơn vị chuyên làm nội dung số nhưng không có đầu số) chỉ chiếm khoảng 3% trong số đó.

  • Sự tiếp tay của sim khuyến mãi

Mệt mỏi, phiền toái hơn là với những tin nhắn rác “không chính thống”, được thể hiện qua spam tin nhắn qua đầu số. Các đầu số lợi dụng kẽ hở về việc cho phép mỗi tin nhắn (8x.., 6xxx) gửi đến (MO) đều có thể từ 3 hay nhiều hơn tin nhắn trả về cho người dùng miễn phí (còn gọi là MT). Do đó, các đơn vị sở hữu đầu số đều cho phép mình có thể sử dụng lượng MT trả về để trả cho khách hàng.

Chúng ta có thể thấy khi tải một game với một cú pháp và gửi qua đầu số, chúng ta ngay lập tức nhận được “thêm” 2, 3 tin nhắn giới thiệu các game khác hay các nội dung khác. Hình thức này bản chất nằm ở các đơn vị sở hữu đầu số và các đơn vị khác thuê lại đầu số này để sử dụng.

Phổ biến hơn cho việc spam tin nhắn mà mọi tổ chức cá nhân đều có thể áp dụng, đó là dùng một modem và vô số các sim điện thoại giá rẻ để tiến hành spam. Các nhân viên viễn thông chỉ ra, các đơn vị spam sử dụng các thiết bị GSM/GPRS/CDMA modem được lắp sim và kết nối với máy tính qua cổng COM hoặc cổng USB để phát tán tin nhắn rác quảng cáo cho đầu số của mình hoặc đầu số mình thuê với tốc độ phát tán từ hàng trăm tới hàng chục ngàn tin nhắn mỗi giờ.

Các tin nhắn spam chủ yếu qua hình thức này là lô đề, bóng đá, cá độ, thông tin trái với thuần phong mỹ tục và hầu hết là tập trung lừa đảo khách hàng “click” vào để thu tiền. Trong hình thức này, đừng tưởng nhà mạng không liên quan. Đó là vì sim khuyến mãi quá rẻ. Các công ty quảng cáo sẽ mua hàng loạt sim khuyến mãi này để tiến hành nhắn tin quảng cáo đến các thuê bao di động. Mỗi tin nhắn nội mạng gửi đi thường chỉ tốn khoảng 300 đồng nhưng chỉ cần một tin nhắn phản hồi họ đã thu lại 5.000 - 15.000 đồng.

Cũng cần nói rõ hơn, mặc sức tin nhắn quảng cáo làm điên đầu người dùng điện thoại di động song các nhà mạng vẫn “bình tâm” hưởng lợi.

Theo ông Nguyễn Văn Hùng, Chánh Thanh tra Bộ TT-TT, việc phát tán tin nhắn rác và tin nhắn lừa đảo gắn liền với vấn đề cung cấp dịch vụ nội dung trên các mạng di động. Hiện nay có 347 công ty CSP. Mỗi CSP lại trực tiếp hoặc ký với hàng chục CP để cung cấp dịch vụ. Việc phát tán tin nhắn loại này vào những thời điểm khác nhau, nhất là ở thời điểm nghỉ ngơi của mọi người đã gây ra nhiều sự phiền toái, phản cảm, gây bức xúc cho người sử dụng dịch vụ di động.

Những hình thức nhắn tin lừa đảo bao gồm: hướng dẫn người dùng tải game... để cài đặt vào máy điện thoại nhưng trong quá trình cài đặt, sử dụng thường ngấm ngầm trừ tiền (thường là 15.000 đồng/lần nhắn tin hoặc tải game) trong tài khoản mà không có bất kỳ thông tin cảnh báo...; tin nhắn lừa đảo, tặng quà nhắm vào đối tượng học sinh, sinh viên hay những người ở vùng sâu, vùng xa, thiếu hiểu biết; tin nhắn có nội dung trao giải, trúng thưởng; tin nhắn mạo danh các doanh nghiệp viễn thông di động với mục đích lừa đảo người dùng gọi vào các tổng đài 1900xxxx.

Khi người sử dụng bị mắc lừa do làm theo hướng dẫn của tin nhắn rác, tin nhắn trả về cho người sử dụng lại hướng dẫn gọi các số 1900xxxx dưới danh nghĩa chăm sóc khách hàng, giải đáp thắc mắc khiến người dùng bị mắc lừa rất nhiều lần nếu không cảnh giác.

Đặc biệt qua thanh tra, phát hiện tình trạng nhiều CP cung cấp cả các truyện đồi trụy, nội dung bói toán, mê tín dị đoan, cung cấp thông tin cờ bạc, lô đề... nhằm dẫn dụ người dùng thuê bao để tăng doanh thu.

BÁ TÂN - TRẦN LƯU

Tin cùng chuyên mục