Động thổ, khởi công rồi... bất động - Bài 1: Khắc khoải chờ cầu

Để kinh tế tăng tốc, phát triển, hệ thống hạ tầng giao thông, nhất là cầu, đường phải đi trước để rút ngắn thời gian, tiết kiệm chi phí vận tải. Thế nhưng, có những công trình dự báo sẽ thay đổi cả khu vực, được tổ chức khởi công tưng bừng, nhưng sau đó... nằm im, ì ạch
Phát quang dọn mặt bằng cho dự án cầu Rạch Miễu 2, phía tỉnh Tiền Giang. Ảnh: NGỌC PHÚC
Phát quang dọn mặt bằng cho dự án cầu Rạch Miễu 2, phía tỉnh Tiền Giang. Ảnh: NGỌC PHÚC

8 năm chờ cầu Đại Ngãi

Dự án cầu Đại Ngãi bắc qua sông Hậu nối 2 tỉnh Sóc Trăng - Trà Vinh được tổ chức động thổ rầm rộ vào cuối năm 2015. Sự kiện nhận được sự quan tâm, mong đợi và kỳ vọng lớn của người dân vùng ĐBSCL, nhất là tại các địa phương Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau… Ấy vậy mà, gần 8 năm qua, người dân vùng duyên hải phía Đông khu vực ĐBSCL vẫn phải chịu cảnh “lụy phà”. Anh Trần Hải Duy, Giám đốc Công ty TNHH MTV Hải Duy (đơn vị kinh doanh lĩnh vực vận tải hàng hóa tại Sóc Trăng) cho biết, lâu nay công ty buộc phải chọn tuyến QL1A thay vì QL60 (gần hơn khoảng 80km) để vận chuyển hàng hóa từ Sóc Trăng đi TPHCM và ngược lại. Dù biết quãng đường xa hơn, tốn nhiều nhiên liệu hơn và cả chi phí qua các trạm BOT, nhưng không có lựa chọn nào khác. Lý do đơn giản là nếu đi theo hướng QL60 thì từ Sóc Trăng phải qua phà Đại Ngãi để đến được Cù Lao Dung, đi tiếp một đoạn đến phà thứ 2 (phà Cầu Quan từ Cù Lao Dung qua Trà Vinh); thời gian di chuyển trên phà đã hơn 1 giờ/lượt, chưa kể thời gian chờ phà. Do đó, nếu cầu Đại Ngãi được xây dựng sẽ rút ngắn 80km khi vận chuyển hàng hóa từ bán đảo Cà Mau đi TPHCM.

Cùng chung ao ước, ông Võ Văn Phục, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy sản sạch Việt Nam, tâm sự: “Hiện mỗi ngày công ty đều có phương tiện đi thu mua tôm nguyên liệu khắp các tỉnh như Trà Vinh, Bến Tre… Do không có cầu, chúng tôi phải cho xe chạy đường vòng rất xa hoặc phải qua phà mất nhiều thời gian. Nếu có cầu Đại Ngãi sẽ giúp công ty giảm được chi phí rất lớn, từ đó giá thu mua tôm của bà con cũng được tăng lên, kích thích người dân sản xuất ổn định”.

Từ nhiều năm nay, các công ty, doanh nghiệp tại Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau… buộc phải chấp nhận vận chuyển hàng hóa ì ạch trên QL1A, sau đó mới đến cảng tại TPHCM, khiến chi phí vận chuyển tăng cao, làm giảm khả năng cạnh tranh so với các nước.

8 năm trước, dự án cầu Đại Ngãi được động thổ với thiết kế tổng chiều dài 15km, bao gồm cầu Đại Ngãi 1 dài 2,56km, cầu Đại Ngãi 2 dài 0,86km và 11,78km đường dẫn, tổng vốn đầu tư 5.800 tỷ đồng. Dự án có điểm đầu giao với QL54 (thuộc huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh), điểm cuối giao với đường Nam sông Hậu (thuộc huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng). Đây là dự án thuộc nhóm A, gồm 4 làn xe, tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng, vận tốc thiết kế 80km/giờ. Sở dĩ dự án cầu Đại Ngãi vẫn chưa thể triển khai xây dựng là vì phải loay hoay tìm nguồn vốn đầu tư. Tổng số vốn ban đầu dự kiến là 5.800 tỷ đồng, nay đã tăng lên gần 8.000 tỷ đồng.

Ông Trần Văn Lâu, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, cho biết, cuối năm 2022, Bộ GTVT đã ra quyết định phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng cầu Đại Ngãi trên QL60 thuộc địa phận các tỉnh Trà Vinh và Sóc Trăng. Dự kiến, dự án cầu Đại Ngãi sẽ khởi công trong quý 2-2023, hiện 2 địa phương Sóc Trăng, Trà Vinh đang khẩn trương thực hiện các công tác cắm mốc, đo đạc, kiểm đếm, xây dựng giá đất, phương án tái định cư… để giải phóng mặt bằng (GPMB) phục vụ triển khai dự án.

Cầu Rạch Miễu 2: Vướng giải phóng mặt bằng

Tháng 3-2022, cầu Rạch Miễu 2 với tổng vốn đầu tư gần 5.200 tỷ đồng, nối 2 tỉnh Tiền Giang với Bến Tre được khởi công với kế hoạch 3 năm sẽ hoàn thành. Người dân 2 bờ sông Tiền hết sức vui mừng vì nút thắt cổ chai mang tên cầu Rạch Miễu - gây kẹt xe ngày cuối tuần, ngày lễ, tết sẽ nhanh chóng không còn nữa. Tuy nhiên đã một năm trôi qua, đầu cầu thuộc tỉnh Tiền Giang vẫn đang ì ạch… GPMB.

Dự án xây cầu Rạch Miễu 2 cách cầu Rạch Miễu hiện hữu gần 4km về phía thượng lưu. Công trình dài 17,6km, phần cầu dài gần 2km, rộng 21,5m, 4 làn xe cơ giới, 2 làn xe thô sơ, vận tốc thiết kế 80km/giờ. Dự án có điểm đầu tại ngã tư Đồng Tâm (giao QL1A với đường tỉnh 870) thuộc huyện Châu Thành, Tiền Giang; điểm cuối trên QL60, đoạn gần cầu Hàm Luông thuộc Bến Tre. Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận, chủ đầu tư dự án, cho biết, do công tác GPMB chậm dẫn đến việc nhiều hạng mục của dự án bị ngưng trệ.

Mới đây, UBND tỉnh Tiền Giang có văn bản đề nghị Bộ GTVT cho tạm ứng hơn 1.257 tỷ đồng để chi trả tiền bồi thường GPMB, hỗ trợ và tái định cư cho người dân trong vùng Dự án đầu tư xây dựng công trình cầu Rạch Miễu 2. Theo đó, hiện số tiền cần để thực hiện bồi thường GPMB, hỗ trợ và tái định cư trên địa bàn tỉnh là 2.079 tỷ đồng. Số tiền tăng lên so với khung chính sách là do mốc GPMB thực địa có sai lệch nhiều so với hồ sơ giao nhận từ Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận. Số hộ trước đó là 772 hộ, trong khi thực tế 922 hộ bị ảnh hưởng, tăng 150 hộ (hơn 19%).

Tính đến ngày 27-2, Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh Tiền Giang đã tiến hành chi trả tiền bồi thường cho 348 hộ dân tại TP Mỹ Tho, đạt 80% tổng số hộ bị ảnh hưởng bởi dự án với tổng số tiền đã giải ngân trên 506,6 tỷ đồng. Ông Trần Thanh Bá, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất - Sở TN-MT tỉnh Tiền Giang, cho biết, địa phương phấn đấu trong quý 1-2023 hoàn thành công tác GPMB để phục vụ đẩy nhanh tiến độ thi công công trình cầu Rạch Miễu 2.

Tin cùng chuyên mục