Đột phá trong từng dự án

29 dự án, công trình giao thông trọng điểm năm 2022 vừa được Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi ký ban hành thống nhất danh mục và biện pháp đẩy nhanh tiến độ, nhìn tổng thể - có thể hình dung phần nào sự phát triển đảm bảo tính cân bằng, sức đầu tư có tính đối trọng giữa các khu vực của thành phố.

Không chỉ là “đường đi - đến”, việc tập trung đầu tư, phát triển hệ thống hạ tầng giao thông còn tạo nên những “đường dẫn” cho sự hội tụ, giao thương, từ đó thúc đẩy hình thành và cấu trúc nên những khu vực quần cư đi cùng khởi nghiệp.

Nếu chủ động, quyết tâm, tháo vát để kịp thời tháo gỡ các vướng mắc, tiến độ từng danh mục, công trình được lưu thông thông suốt, thì đây sẽ là điểm sáng hành động của cả nhiệm kỳ. Thậm chí, nếu chỉ có thể hoàn thành - nghiệm thu 2/3 danh mục đề ra, cũng là một dấu son ý nghĩa, bởi trong tính toán về chiến lược lẫn chiến thuật thì mỗi cụm công trình, dự án với các nhánh “tập hợp con” của nó đều tác động rất lớn đến mục tiêu, cấu trúc quy hoạch chung, đời sống dân sinh.

Hạ tầng giao thông sẽ là “yếu tố cốt lõi” cho sự đầu tư, phát triển đồng bộ của chuỗi lĩnh vực bất động sản - xây dựng, thương mại - dịch vụ và tài chính - ngân hàng. Nếu được quản trị và điều hành bài bản, sẽ tạo nên sức tác động, chi phối, cạnh tranh một cách lành mạnh, bền vững lẫn nhau. Có thể kể đến như: Dự án mang tính liên kết vùng (như Vành đai 3, đường cao tốc Mộc Bài - TPHCM ); Dự án có tầm quan trọng về chỉnh trang đô thị, biểu tượng kiến trúc (như cầu Thủ Thiêm 2 đã được khánh thành, tuyến Metro 1 và sắp tới là cầu Thủ Thiêm 4); Dự án có quy mô trọng điểm quốc gia (như Vành đai 3 và Vành đai 4); Dự án tạo dựng mô hình điểm về hợp tác công tư hay xúc tiến đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực hạ tầng giao thông.

Trước mắt, khi các dự án chỉnh trang đô thị được thúc đẩy mạnh mẽ sẽ kéo theo sự tăng tốc của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tại các khu vực hưởng lợi trực tiếp như: TP Thủ Đức (khu Thủ Thiêm); khu Nam Sài Gòn (quận 7, và khu vực Nhà Bè); khu trung tâm xung quanh quận 1 và quận 3 và khu đô thị Tây Bắc (hai huyện Hóc Môn và Củ Chi).

Tất nhiên, để hạ tầng giao thông phát huy hết sức mạnh nội lực “điểm tựa để bứt phá” - như lời của người đứng đầu UBND TPHCM, cần phân loại các nhóm vấn đề dự án để chỉ đạo, đeo bám và xử lý. Chẳng hạn, với nhóm các dự án đã khởi công, chủ yếu vướng nhiều nhất hiện nay là giải phóng mặt bằng (nhất là tại TP Thủ Đức và Nhà Bè) cùng với các vấn đề pháp lý cần được tháo gỡ do dự án được hình thành từ các hợp đồng xây dựng - chuyển giao BT cũ (như 4 con đường trong khu đô thị mới Thủ Thiêm hay đoạn 3 Vành đai 2).

Các dự án chuẩn bị khởi công chủ yếu sử dụng vốn ngân sách nên cần tập trung đẩy mạnh các thủ tục giải ngân đầu tư công (tình hình giải ngân vốn của thành phố khá thấp). Ngoài ra, các dự án có dính vốn vay ODA (như giao thông xanh) hay chủ đầu tư là Bộ GTVT (như nhà ga T3) cần có thêm sự phối hợp chặt chẽ với các các bộ ngành Trung ương. Còn lại nhóm dự án chuẩn bị đầu tư đặt trọng tâm là Vành đai 3 (thành phố đang chuẩn bị kỹ lưỡng để trình Quốc hội trong tháng 5 này). Trong nhóm dự án chuẩn bị đầu tư có 6 dự án dự tính đầu tư theo hình thức đối tác công tư (gồm cầu Thủ Thiêm 4, cầu Cần Giờ, đường cao tốc Mộc Bài - TPHCM, đường nối Võ Văn Kiệt - Trung Lương, cảng Long Bình, Vành đai 4), vì thế nên có một chuyên đề riêng về vấn đề hợp tác công tư cho phát triển hạ tầng giao thông TPHCM trong giai đoạn tới. 

Với phương châm “xài tiền trong đầu, không chỉ xài tiền trong túi”, TPHCM cần huy động các nguồn lực để đầu tư, trong đó: xác định lại lần nữa các dự án nào sử dụng đầu tư công; xác định lại các dự án nào trong danh sách khả thi theo hình thức đối tác công - tư (PPP), và tính toán chi tiết phần giải phóng mặt bằng để có các phương án hỗ trợ nguồn từ ngân sách; phát hành trái phiếu công trình để phát triển hạ tầng giao thông, có thể thí điểm với 6 dự án đang chuẩn bị đầu tư theo hình thức PPP; tiếp tục nghiên cứu và triển khai các phương thức huy động tài chính khác như đấu giá quyền sử dụng đất, khai thác quỹ đất ven đường, thoái vốn - cổ phần hóa các doanh nghiệp thành phố để có tiền phát triển giao thông.

Những phương án huy động nguồn lực có tính đột phá sẽ giảm tải gánh nặng lên ngân sách, đồng thời tạo cơ hội cho doanh nghiệp, nhà đầu tư, người dân đều có lợi. Các phương án về mặt kỹ thuật, chuyên môn đã có, quan trọng nhất là tầm nhìn và quyết tâm của những người có trách nhiệm!

Tin cùng chuyên mục