Đưa Luật Giáo dục vào cuộc sống

Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV đã xem xét, thông qua Luật Giáo dục sửa đổi (Luật Giáo dục 2019) và có hiệu lực từ 1-7-2020. Luật Giáo dục 2019 đi vào cuộc sống được kỳ vọng sẽ tạo sự chuyển biến tích cực cho nền giáo dục vốn còn nhiều tồn tại hiện nay.

Luật Giáo dục 2019 đặt mục tiêu giáo dục nhằm phát triển toàn diện con người Việt Nam có đạo đức, tri thức, văn hóa, sức khỏe, thẩm mỹ và nghề nghiệp; có phẩm chất, năng lực và ý thức công dân; có lòng yêu nước, tinh thần dân tộc... Luật Giáo dục 2019 quy định Nhà nước ưu tiên hàng đầu cho việc bố trí ngân sách giáo dục, bảo đảm ngân sách nhà nước chi cho giáo dục và đào tạo (GD-ĐT) tối thiểu 20% tổng chi ngân sách nhà nước… Nhưng để đạt tới mục tiêu đó, phải bảo đảm cả nguồn lực, đội ngũ, phương pháp giáo dục. Trong bối cảnh hiện nay, bảo đảm ngân sách nhà nước chi cho GD-ĐT tối thiểu 20% tổng chi ngân sách nhà nước là chưa đủ, mà phải đẩy mạnh xã hội hóa trong giáo dục để nguồn lực dành cho giáo dục là lớn nhất.

Những điểm mới nhất của Luật Giáo dục 2019 đã làm rõ tính liên thông, phân luồng, hướng nghiệp trong giáo dục; luật hóa chủ trương đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông (GDPT), thể hiện mục tiêu GDPT; quy định yêu cầu về phẩm chất và năng lực của học sinh cần đạt được sau mỗi cấp học. Cùng với đó, luật cũng quy định nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non từ trung cấp sư phạm lên cao đẳng sư phạm, giáo viên tiểu học từ trung cấp sư phạm lên cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên, giáo viên trung học cơ sở từ cao đẳng sư phạm lên cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên; nhà giáo giảng dạy trình độ đại học từ đại học lên thạc sĩ. Luật Giáo dục 2019 cũng quy định học sinh tiểu học trong cơ sở giáo dục công lập không phải đóng học phí. Ở địa bàn không đủ trường công lập, học sinh tiểu học trong cơ sở giáo dục tư thục được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng học phí; mức hỗ trợ do HĐND cấp tỉnh quyết định. Trẻ em mầm non 5 tuổi ở thôn, xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng bãi ngang ven biển, hải đảo được miễn học phí và giao Chính phủ quy định lộ trình thực hiện đối với trẻ em mầm non 5 tuổi và học sinh trung học cơ sở.

Có thể nói, Luật Giáo dục 2019 khi đi vào cuộc sống sẽ có những tác động mạnh mẽ đến hệ thống giáo dục quốc dân và đội ngũ nhà giáo trong cả nước. Việc đưa các nội dung của Luật Giáo dục 2019 vào cuộc sống đòi hỏi cả hệ thống chính trị phải vào cuộc chứ không riêng ngành giáo dục, trong đó có vai trò rất quan trọng của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, hệ thống các cơ sở giáo dục. Đặc biệt, với từng thầy cô giáo, cần phải ý thức sâu sắc hơn về vị trí, vai trò của mình.

Luật Giáo dục 2019 quy định rõ: “Nhà giáo có vai trò quyết định bảo đảm chất lượng giáo dục, có vị thế quan trọng trong xã hội, được xã hội tôn vinh”. Điều này cho thấy Đảng, Nhà nước và nhân dân đánh giá rất cao vai trò, vị trí của nhà giáo trong mối quan hệ đối với xã hội và sự nghiệp giáo dục, đòi hỏi đội ngũ nhà giáo cần có nhận thức sâu sắc, để mình ngày càng xứng đáng hơn đối với sự trân trọng của toàn xã hội. Các nhà giáo phải không ngừng tu dưỡng, rèn luyện, cập nhật những kiến thức mới, kỹ năng và phương pháp giảng dạy mới. Đồng thời bảo đảm những quy định về đạo đức nhà giáo, quy tắc ứng xử trong nhà trường - chuẩn mực rất cần thiết để khắc phục những hành vi vi phạm trong nhà trường. Dĩ nhiên, song song với những yêu cầu đặt ra đối với nhà giáo, cũng cần thực thi đầy đủ chính sách, chế độ đối với nhà giáo, để họ thực sự có vị thế quan trọng trong xã hội, được xã hội tôn vinh. Mà người cầm trịch trong việc đưa Luật Giáo dục 2019 vào cuộc sống, không ai khác, chính Bộ GD-ĐT phải thực hiện hết trách nhiệm của mình.

Tin cùng chuyên mục