Dung dị và nghĩa tình

Một bà mẹ Việt Nam Anh hùng 95 tuổi cần mẫn ráp từng chiếc khẩu trang phòng dịch; một “anh hùng của đồng ruộng” đưa gạo Việt vươn tầm thế giới; một chủ tịch xã ở Quảng Bình dầm mình hai ngày trong nước lũ cứu dân... Những điển hình tại Đại hội Thi đua yêu nước lần thứ X, thật dung dị và nghĩa tình...
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cùng các đại biểu tại buổi gặp mặt
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cùng các đại biểu tại buổi gặp mặt

1. Đại biểu cao tuổi nhất đại hội lần này là Mẹ Việt Nam Anh hùng Ngô Thị Quýt (phường 5, quận Gò Vấp, TPHCM), năm nay 95 tuổi. Mẹ Ngô Thị Quýt có chồng và con hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ, được Nhà nước phong tặng danh hiệu Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng vào tháng 1-2015. Bản thân mẹ Ngô Thị Quýt cũng đã tham gia cách mạng tại Đại đội 85 - Tiểu đoàn 330 thuộc Tỉnh đội Thừa Thiên, sau đó vào đơn vị biệt động thành Huế và bị giặc bắt, đày ra Côn Đảo.

Trong cuộc chiến phòng chống dịch Covid-19 vừa qua, mẹ Ngô Thị Quýt gây xúc động mạnh mẽ với hình ảnh một bà mẹ tuổi cao, sức yếu, mắt đã mờ, lưng đã còng nhưng vẫn cặm cụi ngồi may hàng trăm khẩu trang để phát cho người nghèo phòng chống dịch Covid-19. Việc làm của mẹ Quýt tuy nhỏ bé nhưng đã làm lay động trái tim bao người, góp phần lan tỏa những hành động đẹp, chung sức cùng đất nước vượt qua dịch Covid-19.

Mẹ chỉ tâm niệm đơn giản: Thấy chị em trong khu phố may khẩu trang để phát cho người nghèo nên cũng muốn góp chút sức phòng chống dịch bệnh. Gần 30 năm qua, với chiếc máy may cũ, mẹ cần mẫn ráp từng mảnh vải vụn thành những tấm chăn gọn, đẹp để tặng những người neo đơn, cơ nhỡ đắp cho ấm lòng. Công việc tuy không khó, nhưng đòi hỏi phải có sức khỏe, thời gian và quan trọng hơn cả là tấm lòng của mẹ. Tấm lòng đôn hậu đó đã đưa mẹ trở thành đại biểu cao tuổi nhất đại hội lần này. Dù tuổi cao sức yếu, mẹ không ra Hà Nội tham dự đại hội, nhưng những chi tiết lay động trái tim về tấm lòng của mẹ Ngô Thị Quýt thì ai cũng biết.

Trong khi đó, đại biểu nhỏ tuổi nhất là em Phan Nguyễn Thái Bảo, 10 tuổi, học sinh lớp 4A, Trường Tiểu học Bình Phong, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh. Theo chị Nguyễn Thị Trúc Mai, Phó Bí thư Tỉnh đoàn Tây Ninh, Thái Bảo sinh ra yếu về thể chất so với bạn bè, do đó, ba Bảo hướng con theo con đường thi đấu cờ vua. Cả 2 anh em Bảo đều đam mê và có tố chất đặc biệt về cờ vua. Thích chơi cờ vua từ 2,5 tuổi, do ba và anh dạy; đến 3,5 tuổi, ba Bảo tìm thầy dạy cờ vua cho Bảo. Cứ thế, niềm đam mê cờ vua lớn dần trong cậu bé nhỏ con này. Mỗi lần giành huy chương, Bảo vui vì có thể thắng những đối thủ “mà con nghĩ là không thể thắng”.

Vô cùng hạnh phúc khi được Trung ương Đoàn lựa chọn là điển hình tiên tiến tham dự Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần này, Thái Bảo nói, đó là nhờ “con đạt những thành tích xuất sắc trong học tập, cụ thể là trong thi đấu môn cờ vua”. Em đã đoạt 2 huy chương bạc cá nhân và 2 huy chương vàng đồng đội giải vô địch cờ vua các nhóm tuổi Đông Nam Á mở rộng; đoạt 2 huy chương vàng giải vô địch cờ vua trẻ toàn quốc. Ngoài tố chất đặc biệt môn cờ vua, Bảo thích và học giỏi môn Toán. Hỏi về ước mơ của mình, Bảo nói em muốn khổ luyện trở thành Đại kiện tướng cờ vua, rồi dạy cờ vua cho trẻ em Tây Ninh để theo đuổi ước mơ như em…

2. Đại hội lần này còn rất nhiều những con người Việt Nam có thành tích nổi bật và đóng góp to lớn cho xã hội. Đó là kỹ sư nông nghiệp Hồ Quang Cua, “anh hùng của đồng ruộng”, “cha đẻ” của giống gạo ngon nhất, nhì thế giới - ST25. Trong suốt hơn 40 năm qua, ông đã đặt dấu chân mình trên biết bao cánh đồng để tìm ra những ưu việt của cây lúa dòng ST (Sóc Trăng), rồi nghiên cứu ra những giống gạo mới vừa thơm ngon, lại vừa thích ứng được với biến đổi khí hậu… Là “kỹ sư chân đất” Nguyễn Văn Rô, 60 tuổi, ở ấp Giá Ngự, xã Đông Hưng, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau - người chưa học hết lớp 5, nhưng bằng những kinh nghiệm tích lũy được trong quá trình đi làm thuê ở các tiệm cơ khí, sự ham học hỏi, đặc biệt là nỗi trăn trở khi thấy người dân địa phương thiếu thốn phương tiện cải tạo đất nuôi trồng thủy sản - ông đã chế tạo ra 5 loại máy cày, trục đất phù hợp với điều kiện ở địa phương. Chiếc máy cày phao nổi siêu nhẹ chuyên dùng cho vùng đất ngập nước do ông Nguyễn Văn Rô sáng chế được bà con tin dùng vì vừa đảm bảo năng suất, vừa không gây ô nhiễm môi trường.

3. Hơn 20 năm gắn bó với mảnh đất Sơn La, nơi luôn là điểm nóng về ma túy, Đại tá Mai Hoàng đối mặt với không ít gian khổ, hiểm nguy. Những ngày lễ tết chạnh lòng không được về nhà, hay chuỗi ngày đánh án liên miên không tắm gội, những tình huống mà sống được là nhờ may mắn…, đã tôi luyện cho anh một bản lĩnh thép của người chiến sĩ đấu tranh với “cái chết trắng”. Với anh, nghề này có quá nhiều thách thức cũng như cám dỗ, nhưng “đến mạng sống còn không tiếc thì không gì mua chuộc được”. Từ người lính đã gắn bó hàng chục năm ở miền biên viễn (Công an tỉnh Sơn La), Thượng tá Mai Hoàng đã được bổ nhiệm làm Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an), được phong tặng danh hiệu cao quý Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ đổi mới.

Trong số các đại biểu còn có những tấm gương không ngại khó, không ngại hy sinh để xả thân cứu giúp đồng bào trong đợt bão lũ lịch sử ở miền Trung vừa qua. Ông Lê Văn Quyết (48 tuổi), Chủ tịch UBND xã An Thủy, huyện Lệ Thủy, Quảng Bình cùng cháu ngoại mới 14 tuổi, nhịn đói, bất chấp hiểm nguy rình rập, dầm mình trong nước lũ cuồn cuộn suốt 2 ngày để cứu hơn trăm người dân an toàn, trong khi bản thân gia đình ông cũng đang gặp nạn…

Còn nhiều những nhân tố, điển hình trong đời sống xã hội chưa được phát hiện, biểu dương và chưa có mặt tại đại hội thi đua yêu nước. Dù họ ở lĩnh vực nào, với những nhiệm vụ, hoàn cảnh, độ tuổi khác nhau, song họ đều tỏa sáng tinh thần yêu nước, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, giản dị, khiêm tốn, giàu lòng nhân ái...

Tin cùng chuyên mục