Tuy nhiên, trong khung cảnh của làng quê Việt Nam, nhiều bạn trẻ đến check-in lại chọn trang phục truyền thống của Hàn Quốc và cho rằng bộ đồ này phù hợp với cảnh sắc quanh cây hồng cổ. Sao phải chọn trang phục ngoại quốc, khi chúng ta không thiếu sự đa dạng về trang phục truyền thống qua các thời kỳ lịch sử, hay trải dọc theo chiều dài đất nước? Và khung cảnh Việt Nam sẽ thật trọn vẹn khi đó là tà áo dài, tứ thân, ngũ thân…
Cũng chẳng phải lần đầu, người ta ngao ngán chuyện giới trẻ sính ngoại, hết cổ trang Trung Quốc đến Hanbok (Hàn Quốc) rồi Kimono (Nhật Bản)… thi nhau chia sẻ hình ảnh lên mạng xã hội. Sau áo dài truyền thống, nhiều trang phục khác như áo dài ngũ thân, áo Giao Lĩnh, Viên Lĩnh… chưa nhận được nhiều sự quan tâm và lựa chọn từ người trẻ như với một số trang phục truyền thống nước ngoài; thậm chí ngoài áo dài, nhiều bạn trẻ chẳng hề biết thêm gì về cổ phục Việt.
Không phải ngẫu nhiên mà Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2022 vừa qua đề cập đến chuyện giữ gìn và phát huy văn hóa truyền thống trong giới trẻ. Trong môi trường hội nhập và cởi mở cùng không gian kết nối “không biên giới” của mạng xã hội, văn hóa nước ngoài cùng những làn sóng thần tượng K-pop (Hàn Quốc), C-biz (Trung Quốc)… ảnh hưởng đến giới trẻ ngày càng mạnh, một số bạn trẻ sẵn sàng theo trào lưu, bắt kịp xu hướng của thần tượng mà quên mất những nét đặc trưng của văn hóa Việt.
Có nhiều khái niệm về văn hóa, nhưng chắc chắn rằng, tấm áo ngoại lai kia không thể là một thành tố của văn hóa dân tộc để “soi đường” cho chúng ta. Văn hóa nước nhà xứng đáng để chúng ta tự hào dù chỉ là một tà áo dài, cái nón quai thao, bởi đó là sự kết tinh của dân tộc qua hàng ngàn năm văn hiến.