Công nhân EVNHCMC kết hợp với chủ nhà tuyên truyền về giá bán điện cho người thuê nhà trọ
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu giảm giá điện cho công nhân, người lao động, ngày 23-5, Bộ Công thương đã ban hành công văn số 4044/BCT-ĐTLĐ gửi sở công thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, yêu cầu kiểm tra việc thực hiện bán lẻ giá điện cho sinh viên, người lao động thuê nhà ở.
Trao đổi với phóng viên Báo SGGP, ông Phạm Quốc Bảo, Phó Tổng Giám đốc, Tổng công ty Điện lực TPHCM (EVNHCMC), cho biết EVNHCMC đã yêu cầu các công ty điện lực khu vực rà soát lại toàn bộ việc cấp định mức tại các hộ cho thuê nhà ở trong báo cáo tháng, quý đảm bảo chính xác, đủ thủ tục. Tiếp tục tuyên truyền qua các kênh thông tin truyền thông về chính sách giá điện đối với người thuê nhà để ở; lồng ghép với việc tuyên truyền tiết kiệm điện, sử dụng điện an toàn hiệu quả; chủ động phối hợp với Sở Công thương, UBND các quận, huyện… tổ chức kiểm tra các khu nhà trọ, nhà cho thuê để ở không khai báo tạm trú, tạm vắng, thu tiền sử dụng điện không đúng quy định…
* PHÓNG VIÊN: Việc người thuê nhà được sử dụng điện giá chính thức triển khai từ khi nào?
- Ông PHẠM QUỐC BẢO: Từ năm 2009, thực hiện Thông tư 05/2009/TT-BCT ngày 26-2-2009 của Bộ Công thương, quy định về giá bán điện năm 2009 và hướng dẫn thực hiện (đã được thay thế bằng Thông tư 16/2014/TT-BCT ngày 29-5-2014 của Bộ Công thương), EVNHCMC đã triển khai thực hiện và liên tục duy trì việc áp giá điện đúng quy định cho công nhân, sinh viên và người thuê nhà để ở. Hàng năm, ngành điện chủ động phối hợp với chính quyền địa phương các cấp cũng như các tổ chức, đoàn thể tuyên truyền về chính sách áp dụng giá điện cho công nhân, sinh viên và người thuê nhà ở đến các chủ nhà trọ và người ở trọ, song song với việc vận động chủ nhà trọ thu tiền điện đúng giá quy định.
* Xin ông cho biết cụ thể giá điện áp dụng cho người thuê nhà để ở?
- Tại Điều 10 của Thông tư số 16/2014/TT-BCT hướng dẫn thực hiện giá bán điện như sau: Trường hợp chủ nhà trọ đứng tên ký hợp đồng mua bán điện, được cấp định mức hoặc áp 1 giá theo mức giá bán lẻ điện sinh hoạt của bậc 3 (nếu không xác định được số hộ). Hồ sơ gồm: sổ tạm trú hoặc chứng từ xác nhận tạm trú của cơ quan công an quản lý địa bàn. Khi có thay đổi về người thuê nhà, chủ nhà cho thuê có trách nhiệm thông báo cho bên bán điện để điều chỉnh định mức tính toán tiền điện.
Cứ 4 người được tính là 1 hộ sử dụng điện để tính số định mức áp dụng giá bán lẻ điện sinh hoạt. Cụ thể: 1 người được tính 1/4 định mức, 2 người được tính 1/2 định mức, 3 người được tính 3/4 định mức, 4 người được tính 1 định mức. Trường hợp không kê khai được số người thì áp dụng giá bán lẻ điện sinh hoạt bậc 3 (từ 101 - 200kWh có giá 1.858 đồng/kWh, chưa bao gồm VAT) cho toàn bộ sản lượng điện. Chủ nhà trọ có trách nhiệm thu tiền điện của người thuê nhà theo đúng giá bán lẻ trong hóa đơn tiền điện hàng tháng do EVNHCMC phát hành, cộng thêm 10% tổn thất điện năng, chi phí chiếu sáng và bơm nước dùng chung.
Trường hợp sinh viên và người lao động thuê nhà đăng ký tạm trú từ 12 tháng trở lên, đứng tên ký hợp đồng mua bán điện thì đại diện người lao động hoặc sinh viên thuê nhà ký kết hợp đồng mua bán điện (có cam kết thanh toán tiền điện của chủ nhà). Công ty điện lực khu vực phát hành hóa đơn trực tiếp cho người ở trọ.
* Việc áp giá điện này đang triển khai ở những địa phương nào, thưa ông?
- Đến nay, EVNHCMC đã triển khai trên toàn địa bàn TPHCM. Vận động được 169.122 lượt chủ nhà trọ lập cam kết thu tiền điện đúng giá quy định; qua đó, giải quyết cho 1.478.971 công nhân, sinh viên và người lao động thuê nhà để ở, sử dụng điện đúng giá quy định (tăng 10.355 người so với thời điểm cuối năm 2017 là 1.468.616 người).
* Thời gian tới, EVNHCMC tiếp tục triển khai công tác này như thế nào?
- EVNHCMC tiếp tục phối hợp với chính quyền địa phương duy trì việc tuyên truyền sâu rộng về chính sách giá bán điện cho công nhân, sinh viên và người lao động thuê nhà để ở đến tất cả chủ nhà trọ và đối tượng sử dụng điện thuộc diện trên. Thực hiện niêm yết công khai biểu giá bán điện tại các khu nhà cho thuê, điểm tập trung dân cư, nơi tiếp dân của UBND quận huyện, phường xã, thị trấn và ban điều hành các khu phố, tổ dân phố, các khu chế xuất và khu công nghiệp.
Song song đó, EVNHCMC chủ động lập kế hoạch thực hiện và tích cực phối hợp với cơ quan quản lý Nhà nước trong công tác kiểm tra, lập biên bản và xử lý các trường hợp chủ nhà trọ vi phạm quy định về áp giá bán điện đối với công nhân, sinh viên và người lao động thuê nhà để ở trên địa bàn TP. Trong trường hợp phát hiện chủ nhà trọ thu tiền điện sai quy định, người thuê nhà trọ có thể phản ánh đến Tổng công ty Điện lực TPHCM thông qua tổng đài 1900 545454 hoặc công ty điện lực ở nơi gần nhất để ngành điện phối hợp với cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý.
Chế tài xử phạt chủ nhà trọ thu tiền điện giá cao
Tại Điều 16, khoản 2, điểm b của Thông tư số 16/2014/TT-BCT, quy định về thực hiện giá bán điện, Sở Công thương có trách nhiệm: “Kiểm tra và giám sát việc thực hiện tính định mức số hộ sử dụng và giá bán lẻ điện tại các địa điểm cho thuê nhà, nhằm đảm bảo người thuê nhà được áp dụng đúng các quy định về giá bán lẻ điện sinh hoạt quy định tại thông tư này”.
Điều 12 khoản 6 của Nghị định số 134/2013/NĐ-CP ngày 17-10-2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực, an toàn đập thủy điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả: Phạt tiền từ 7.000.000 - 10.000.000 đồng đối với người cho thuê nhà thu tiền điện của người thuê nhà cao hơn giá quy định trong trường hợp mua điện theo giá bán lẻ để phục vụ mục đích sinh hoạt.