Giá trị di sản văn hóa

Dùng sản phẩm văn hóa tạo thế mạnh và bản sắc riêng để phát triển kinh tế nhưng liệu hoạt động trong lĩnh vực này có tạo được nguồn thu để bảo tồn - phát huy giá trị di sản văn hóa hay không? Câu trả lời chắc chắn là có. 

Di sản văn hóa là tài nguyên chính của du lịch, đủ tiềm năng và tiềm lực để phát triển kinh tế là điều hoàn toàn có thể. Thực tế đã cho chúng ta niềm tin về khả năng tạo nguồn thu từ các đơn vị công lập hoạt động trong lĩnh vực di sản văn hóa như Bảo tàng Chứng tích chiến tranh (TPHCM) hay Di tích lịch sử nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội)... 

Khai thác du lịch không chỉ có những thắng cảnh tự nhiên hay công trình hoành tráng, mà chính nhịp sống và bản sắc văn hóa mỗi địa phương là thế mạnh để phát triển lâu dài. Các hoạt động trở lại sau dịch Covid-19, những tour du lịch dựa vào đặc thù địa lý như tuyến buýt đường sông (Saigon Waterbus) hay những giá trị di tích lịch sử được lồng ghép cùng nhịp sống đương thời như: “Ký ức Biệt động Sài Gòn” (lộ trình tham quan các điểm đến, gồm Nhan Hương quán - Thảo cầm viên, Hộp thư bí mật và hầm nổi tại Cà phê Đỗ Phủ - cơm tấm Đại Hàn - 113A Đặng Dung, phường Tân Định, quận 1, Bảo tàng Biệt động Sài Gòn, 145 Trần Quang Khải, phường Tân Định, quận 1). Hay tour “Quận 1 - Sống động Sài Gòn” khám phá nét đẹp văn hóa - lịch sử với các dấu mốc độc đáo trong chặng đường hơn 300 năm tuổi của thành phố, từ Sài Gòn - Gia Định đến TPHCM hiện nay qua các công trình kiến trúc nổi tiếng như: Bưu điện Trung tâm TPHCM, Nhà thờ Đức Bà, Nhà hát Thành phố, Công viên Bến Bạch Đằng, cột cờ Thủ Ngữ, cầu Thủ Thiêm 2... 
Có thể thấy, bằng những nỗ lực phục hồi và phát triển kinh tế sau dịch, phát huy tiềm lực di sản văn hóa sẵn có, dịp lễ 2-9 vừa qua, TPHCM trở thành điểm đến thu hút du khách hàng đầu cả nước. Tạp chí du lịch nổi tiếng Condé Nast Traveler của Mỹ đã tổng hợp dữ liệu từ các trang web tìm kiếm du lịch và công bố TPHCM lọt tốp 7 điểm đến đang được du khách Mỹ tìm kiếm nhiều nhất mùa thu năm nay. 
Di sản văn hóa không chỉ là những bài học lịch sử, giá trị tinh thần, mà chính từ đây, sức mạnh nội sinh tạo động lực để mở đường phát triển kinh tế, dịch vụ. Tại thời điểm thành lập Hội Di sản Văn hóa TPHCM năm 2011, hầu hết các hoạt động đều giới hạn trong khối các đơn vị công lập với nguồn ngân sách nhà nước. Đến nay, với chính sách đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động văn hóa đã góp phần làm đa dạng các mô hình hoạt động trong lĩnh vực này, như sự ra đời của các bảo tàng tư nhân: Bảo tàng Áo dài, Bảo tàng Sâm Ngọc Linh, Công ty Bảo tàng Biệt động Sài Gòn... 
Hiện tại, trong xu hướng chung của chuyển đổi số trên mọi lĩnh vực, các bảo tàng và đơn vị chủ quản di tích, bộ sưu tập cũng buộc phải thích ứng các yêu cầu về công nghệ, để tận dụng cơ hội quảng bá di sản văn hóa trên các phương tiện và nền tảng mới. Hầu hết các bảo tàng tại TPHCM đều đã có bước đầu triển khai mô hình bảo tàng số trên nền tảng số hóa 3D/360, là tiền đề cho chương trình số hóa Bản đồ Di sản Văn hóa TPHCM. 
Ngoài ra, nhu cầu lưu giữ các giá trị di sản văn hóa thông qua các hình thức vật phẩm quà tặng, cũng là một xu hướng trong thời gian gần đây. Chẳng hạn dự án khởi nghiệp thegioitihon.com đã khá thành công trong việc tái dựng lại các mô hình thu nhỏ của Sài Gòn - TPHCM xưa bằng hình thức lắp ráp 3D; hay sản phẩm Sách mô hình nổi (3D pop-up) của paperartviet.com với cuốn sách Tranh Đông Hồ (DongHo Spirit). 
Có thể thấy, nhu cầu thương mại đối với các sản phẩm/dịch vụ trong lĩnh vực bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa là không nhỏ. Tại tọa đàm vào trung tuần tháng 9 vừa qua, về vấn đề bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa do Hội Di sản Văn hóa TPHCM tổ chức, giải pháp thành lập Trung tâm Xúc tiến - Quảng bá di sản văn hóa TPHCM được nhiều đại biểu nhìn nhận cần thiết và phù hợp với nhịp phát triển ở thành phố hiện nay. 
Xếp hạng hay công nhận di sản văn hóa là đều cần và phải làm để giữ gìn những điều tốt đẹp ngàn xưa. Nhưng có lẽ cao hơn hết, chính là cách chúng ta vận hành và quản lý để hài hòa các giá trị di sản văn hóa cùng nhịp sống đương thời và làm động lực để khai thác kinh tế hiệu quả… Đó mới là đích đến của phát huy giá trị di sản văn hóa.

Tin cùng chuyên mục