Giá trị nhân văn từ những sự kiện thể thao cộng đồng

Không chỉ góp phần giúp người dân, cộng đồng người yêu thích môn chạy bộ rèn luyện sức khỏe, nâng cao chất lượng công việc cũng như sống khỏe mạnh hơn, mà nhiều giải chạy bộ đang thực hiện rất tốt vai trò lan tỏa giá trị nhân văn...

Khi phong trào chạy bộ ở TPHCM nói riêng và trên cả nước nói chung phát triển rầm rộ từ hoạt động rèn luyện sức khỏe thành các cuộc thi thu hút sự quan tâm lớn của xã hội, thì những giải chạy, giải marathon được tổ chức thường xuyên trong vài năm trở lại đây đã trở thành một “kênh” quảng bá văn hóa, du lịch, ẩm thực… rất hiệu quả cho những địa phương đăng cai những sự kiện này

Không chỉ góp phần giúp người dân, cộng đồng người yêu thích môn chạy bộ rèn luyện sức khỏe, nâng cao chất lượng công việc cũng như sống khỏe mạnh hơn, mà nhiều giải chạy bộ đang thực hiện rất tốt vai trò lan tỏa giá trị nhân văn, trở thành “cầu nối yêu thương” của những nhà thiện nguyện với những cá nhân, gia đình có hoàn cảnh sống khó khăn, với những học sinh, sinh viên nghèo hiếu học.

Tại những sự kiện này, có sự tham gia của nhiều nhân vật nổi tiếng, những tấm gương của nghị lực. Họ vừa có thể là những VĐV chuyên nghiệp, cũng có thể sẽ là những người “kể” được nhiều câu chuyện có tính lan tỏa cao, nhất là trong sự bùng nổ của truyền thông xã hội hiện nay. Các thông điệp xã hội, hoặc thiện nguyện sẽ đưa đến những “địa chỉ” chính xác, tạo ra các lợi ích hiệu quả dài lâu.

Trên thực tế, thể thao xuất phát từ cộng đồng và hướng đến cộng đồng chính là nền tảng của thể thao chuyên nghiệp, hay rộng hơn, là một ngành công nghiệp thể thao. Tác động của thể thao đỉnh cao đến đời sống xã hội càng lớn, càng thể hiện được giá trị, nội lực. Ở phía ngược lại, khi tinh thần thể thao được lan tỏa sâu rộng, thì đó chính là nơi ươm mầm cho đam mê, tài năng cũng như tạo ra các nguồn lực đầu tư cho phần thể thao đỉnh cao.

Ví dụ như tại Nhật Bản, các doanh nghiệp hàng đầu có thể không nhất thiết phải tham gia tài trợ cho các CLB chuyên nghiệp nhưng phải dành một nguồn ngân sách hàng năm trích từ doanh thu để tài trợ cho các hoạt động thể thao cộng đồng tại địa phương. Với những đội bóng chuyên nghiệp, luôn có chương trình hỗ trợ cộng đồng thông qua việc các cầu thủ phải tham gia miễn phí các hoạt động tại trường học, khu dân cư - nơi CLB đang đặt trụ sở.

Ở những giải chạy bộ được tổ chức tại Việt Nam gần đây, đã có nhiều sự chung tay, góp sức về vật chất của các cá nhân, tổ chức, thể hiện giá trị nhân văn, tinh thần “lá lành đùm lá rách” và “không để ai bị bỏ lại phía sau” của con người Việt Nam giàu nghĩa tình. Một lợi ích khác của các sự kiện ý nghĩa xã hội đó là khả năng tham gia của nhiều tổ chức, đơn vị xã hội. Đơn cử như Giải thưởng Quả bóng vàng Việt Nam do Báo SGGP tổ chức, ban đầu là giải thưởng tôn vinh cầu thủ nhưng dần trở thành một sự kiện truyền cảm hứng, thúc đẩy tính chuyên nghiệp cho bóng đá Việt Nam, trở thành “đầu mối” cho các mối quan hệ giữa cầu thủ - người hâm mộ, doanh nghiệp và bóng đá.

Trên hành trình nhân văn ấy, những người làm Báo SGGP cũng đã và sẽ góp một phần công sức, thông qua những sự kiện thể thao như Giải thưởng Quả bóng vàng Việt Nam, hay tới đây là Giải chạy Run To Live, Lễ hội 100 năm Golf Việt Nam để tiếp tục gắn kết thể thao cùng sứ mệnh phục vụ cộng đồng, san sẻ bớt gánh nặng cuộc sống và chắp cánh cho ước mơ của nhiều cậu bé, cô bé học sinh, sinh viên bay cao, vươn xa…

Tin cùng chuyên mục