Giám sát chặt việc phân bổ vốn đầu tư công, tránh tình trạng khi có việc lại đẩy lên Quốc hội

Sáng 16-1, sau khi nghe Chính phủ trình, Quốc hội đã thảo luận tại tổ về dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.

Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM thảo luận tại tổ sáng 16-1. Ảnh: QUANG PHÚC
Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM thảo luận tại tổ sáng 16-1. Ảnh: QUANG PHÚC

Đại biểu (ĐB) Văn Thị Bạch Tuyết (TPHCM) và đa số các ĐB ủng hộ đề xuất của Chính phủ với 8 giải pháp chính sách đặc thù vượt thẩm quyền của Chính phủ nhằm tháo gỡ triệt để các khó khăn, vướng mắc, tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để các địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn các chương trình mục tiêu quốc gia trong thời gian tới.

dai-bieu-tran-hoang-ngan-tphcm-390.jpg
Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TPHCM). Ảnh: QUANG PHÚC

Đáng chú ý, nhiều ĐB quan tâm đến đề xuất về cơ chế thí điểm phân cấp cho cấp huyện trong quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Chính phủ đề xuất 2 phương án về cơ chế thí điểm phân cấp: Một là chưa thực hiện cơ chế thí điểm ngay trong giai đoạn 2024-2025, chỉ quy định nội dung chính sách mang tính chất định hướng cho tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2026-2030; Hai là thực hiện cơ chế thí điểm phân cấp ngay trong quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2024-2025, theo đó HĐND cấp tỉnh quyết định lựa chọn một huyện (1 huyện) thực hiện thí điểm cơ chế phân cấp trong giai đoạn 2024-2025…

Cơ quan thẩm tra chọn phương án 2.

dai-bieu-tran-anh-tuan-tphcm-4526.jpg
Đại biểu Trần Anh Tuấn (TPHCM). Ảnh: QUANG PHÚC

Nhiều ĐB cũng lựa chọn phương án 2, vì phương án này sẽ đảm bảo phân cấp triệt để cho cấp huyện chủ động, linh hoạt trong việc điều hành, quản lý triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; đồng thời là cơ sở để phục vụ xây dựng các chương trình mục tiêu quốc gia cho giai đoạn 2026-2030.

ĐB Nguyễn Hoàng Mai (Tiền Giang) cho rằng, để giai đoạn 2026-2030 triển khai có hiệu quả thì ngay giai đoạn này phải cho thí điểm. ĐB Đỗ Đức Hiển (TPHCM) cũng cho rằng, phân cấp cho cấp huyện là cần thiết, đồng ý thí điểm để có cơ sở triển khai rộng cho giai đoạn sau, tuy nhiên cần rà soát kỹ các quy định.

ĐB Nguyễn Phương Thủy (Hà Nội) và một số ĐB đề nghị cần làm rõ tiêu chí lựa chọn huyện tổ chức thí điểm và khi phân cấp phân quyền phải đánh giá trên cơ sở năng lực thực hiện của cấp cơ sở. Nếu chỉ thí điểm các huyện đã hoàn thành nhiệm vụ, mục tiêu, kế hoạch thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 (tức là những huyện có thế mạnh, có năng lực) thì cũng sẽ không toàn diện. Nếu những địa phương mà cấp huyện chưa thể đảm đương thì cấp tỉnh vẫn phải thực hiện.

Cũng trong sáng 16-1, Quốc hội thảo luận tại tổ về việc bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách Trung ương (NSTƯ) giai đoạn 2021-2025 từ nguồn dự phòng chung tương ứng với nguồn tăng thu NSTƯ năm 2022 cho các nhiệm vụ, dự án đầu tư công và bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn cho Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) từ nguồn dự phòng của kế hoạch đầu tư công trung hạn.

Chính phủ trình Quốc hội cho phép sử dụng 63.725 tỷ đồng nguồn dự phòng chung của kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 tương ứng với nguồn tăng thu NSTƯ năm 2022, trong đó bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn NSTƯ giai đoạn 2021-2025 là 33.156,9 tỷ đồng từ nguồn dự phòng chung Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đối các dự án đã được phê duyệt chủ trương đầu tư.

Đối với số vốn còn lại 30.568,013 tỷ đồng dự kiến bố trí cho danh mục dự án chưa đáp ứng thủ tục đầu tư theo quy định, Chính phủ khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trước khi Thủ tướng Chính phủ giao bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 cho từng dự án theo đúng quy định của pháp luật.

Chính phủ cũng trình Quốc hội phân bổ 2.526,16 tỷ đồng trong tổng số vốn 37.303,015 tỷ đồng cho Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) để thực hiện Dự án Cấp điện từ lưới điện quốc gia cho huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

dai-bieu-nguyen-minh-duc-tphcm-6656.jpg
Đại biểu Nguyễn Minh Đức (TPHCM). Ảnh: QUANG PHÚC

Thảo luận về nội dung này, ĐB Trần Hoàng Ngân (TPHCM) phân tích bối cảnh thế giới không thuận lợi, đầy thách thức; ở trong nước, 3 động lực chính: xuất khẩu, tiêu dùng và đầu tư gặp khó khăn, do đó, để giải quyết những điểm nghẽn, hỗ trợ tăng trưởng thì phải tăng đầu tư công.

“Khi phân bổ đầu tư công, chúng ta lo lắng nhiều nhất là sợ ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô. Nhưng 10 năm qua kinh tế vĩ mô ổn định; kiểm soát lạm phát dưới 4%; nợ công đến giờ chỉ khoảng 37% trên GDP. Những yếu tố đó cho phép chúng ta có thể linh hoạt mở rộng đầu tư công”, ĐB Trần Hoàng Ngân nêu.

ĐB cũng đồng ý phân bổ 33.000 tỷ đồng cho 33 dự án đã hoàn thành chủ trương đầu tư. 17 dự án chưa đủ thủ tục cần sớm được hoàn tất thủ tục.

Đáng chú ý, theo ĐB Trần Anh Tuấn (TPHCM), cần bảo đảm nguyên tắc dự án phải đủ thủ tục đầu tư, đủ điều kiện về chủ trương đầu tư. Nếu chưa có đủ thì chưa nên giao vốn. “17 dự án đang hoàn thiện thủ tục đầu tư, hồ sơ đề nghị phân cấp làm cơ quan chủ quản mà đã có quyết định phân bổ vốn thì quy trình giám sát ra sao? Giao thì phải kèm theo cơ chế giám sát, tránh tình trạng khi có việc gì xảy ra thì lại đẩy lên Quốc hội”, ĐB nêu ý kiến.

ĐB Nguyễn Minh Đức (TPHCM) cũng cho rằng, cần làm thật hiệu quả việc khảo sát, đánh giá để lập dự án, bảo đảm dự án khi được phê duyệt phải triển khai hiệu quả, không kéo dài, không làm tăng tổng mức đầu tư nhiều.

Tin cùng chuyên mục