Thế nhưng, hiện nay tại nhiều KCX-KCN trên địa bàn TPHCM, công tác PCCC chưa được quan tâm thực hiện, vi phạm diễn ra phổ biến khiến nguy cơ cháy nổ tăng cao.
Nhiều bất cập, tồn tại
TPHCM hiện có 19 KCN, 3 KCX, 1 khu công nghệ cao và 6 cụm công nghiệp. Tại phiên giải trình thực hiện chính sách, pháp luật về PCCC do HĐND TPHCM tổ chức mới đây, các đại biểu cho biết, lỗi vi phạm PCCC ngày càng phát sinh nhiều tại các KCX-KCN, trong khi giải pháp khắc phục tồn tại còn rất hạn chế.
“Theo quy định, các KCX-KCN phải có đội PCCC tại chỗ. Thành viên của đội phải được tập huấn, có kiến thức về PCCC, được đào tạo kỹ năng cứu nạn. Ngoài ra, đội PCCC KCX-KCN còn phải được trang bị đầy đủ phương tiện, trang thiết bị phục vụ chữa cháy, cứu nạn. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, ngoài KCX Tân Thuận được trang bị đội xe cứu hỏa riêng biệt bằng nguồn vốn tự đầu tư, hầu hết các KCX-KCN còn lại vẫn chưa có. Đó là chưa kể, nhân sự trong các đội PCCC tại chỗ cũng bị hạn chế, thiếu về số lượng, yếu về nghiệp vụ; lực lượng này được thành lập chủ yếu để đối phó khi lực lượng chức năng kiểm tra, chứ không vì mục đích nâng cao hiệu quả trong PCCC. Bằng chứng là khi xảy ra cháy, hoặc diễn tập, lực lượng PCCC tại chỗ thao tác rất lúng túng”, một đại biểu cho biết.
Một lỗi vi phạm khác diễn ra phổ biến hiện nay ở các KCX-KCN là các doanh nghiệp (DN) không thực hiện việc đầu tư, xây dựng hệ thống PCCC. Để tiết kiệm diện tích và đỡ tốn chi phí đầu tư, tại các xưởng sản xuất, chủ cơ sở không xây dựng, lắp đặt tường, vách ngăn lửa.
Trong khi đó, khối vật tư, hàng hóa dễ cháy được bố trí vượt quá công năng sử dụng so với thiết kế ban đầu. Thậm chí, một số cơ sở còn tự ý thay đổi thiết kế, cơi nới mở rộng diện tích kho xưởng khác với phương án thẩm duyệt, nghiệm thu về PCCC.
Ngoài ra, ý thức PCCC của chủ DN, nhân viên trực, bảo vệ cũng rất kém. Cụ thể, khi cơ sở xảy ra cháy, vì sợ bị xử lý trách nhiệm, bị phạt nên chủ DN, nhân viên bảo vệ không báo ngay cho cảnh sát PCCC, mà tự xử lý. Đến khi lửa cháy lớn mới báo, lúc này lửa đã cháy lan cháy lớn, hậu quả để lại rất nặng nề.
Theo Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH (Công an TPHCM), thời gian qua, có hơn 80% số vụ cháy lớn là kéo dài cháy tự do trên 10 phút. Nếu lực lượng PCCC chuyên nghiệp nhận tin báo sớm, hậu quả được kéo giảm rất nhiều.
Trong vòng 5 năm qua, trên địa bàn TPHCM xảy ra hơn 100 sự cố hỏa hoạn, cháy nổ trong các KCX-KCN, cụm công nghiệp, làm thiệt tài sản hàng trăm tỷ đồng. Đơn cử như vụ cháy công ty chế biến gỗ trong KCN Nhị Xuân (huyện Hóc Môn) vào đầu tháng 8-2018, làm thiệt hại tài sản hơn chục tỷ đồng.
Tập trung hoàn thiện hệ thống PCCC
Công an TPHCM cho biết, thời gian qua, đơn vị đã phối hợp với các sở ngành, quận huyện của thành phố từng bước hoàn thiện hệ thống PCCC tại các KCX-KCN, cụm công nghiệp. Trong đó, tập trung hướng dẫn, yêu cầu các KCX-KCN, DN đầu tư hạ tầng, hệ thống PCCC, nguồn nước chữa cháy, trang thiết bị, xây dựng đội ngũ PCCC tại chỗ…
Đến nay, hầu hết các KCX-KCN đều có lực lượng PCCC tại chỗ. Riêng Khu Công nghệ cao (quận 9) có đội PCCC chuyên ngành. Để nâng cao hiệu quả, năng lực PCCC tại KCX-KCN trong thời gian tới, ngoài việc thực hiện thường xuyên các đợt kiểm tra định kỳ, kịp thời phát hiện, nhắc nhở khắc phục các vi phạm, Công an TPHCM còn xây dựng kế hoạch phối hợp với ban quản lý các khu tổ chức diễn tập, thực tập phương án chữa cháy, cứu nạn (trung bình 3 - 4 lần/năm/khu) nhằm mục đích nâng cao nghiệp vụ cho lực lượng PCCC tại chỗ, ý thức của DN cũng như sự phối hợp của các lực lượng liên quan khi sự cố, tai nạn cháy nổ xảy ra.
Ban Quản lý các KCX-KCN TPHCM (Hepza) cho biết, thời gian tới sẽ tăng cường hơn nữa giải pháp tuyên truyền về PCCC. Việc tuyên truyền sẽ được tổ chức sinh động, đa dạng các hình thức để thay đổi mạnh nhận thức của một bộ phận chủ DN, người lao động còn lơ là PCCC.
Theo đó, ngoài các buổi phổ biến kiến thức pháp luật PCCC độc lập, Hepza cũng lồng ghép các nội dung tuyên truyền PCCC trong hội nghị sơ kết, tổng kết định kỳ.
Đồng thời, yêu cầu ban quản lý các KCX-KCN thắt chặt giám sát, theo dõi việc thực hiện các quy định về PCCC của các khu; khi phát hiện có cơ sở vi phạm, phải phối hợp cùng lực lượng cảnh sát PCCC để xử lý, yêu cầu khắc phục. KCX-KCN, chủ DN nào để vi phạm PCCC tồn tại, tùy vào mức độ vi phạm, người đứng đầu ở đó sẽ bị Hepza xử lý.