Các đồ vật trên sau đó được phân loại. Chai nhựa sẽ được đóng thành kiện, gửi đến nhà máy để tái chế thành sợi polymer. Loại sợi này được trộn với sợi bông để sản xuất ra loại sợi dệt thành vải. Vải sau khi được nhuộm màu vàng saffron được gửi lại chùa để may áo cho các sư.
“Nếu có thể may một chiếc áo từ chai nhựa, có nghĩa là chúng tôi đang làm theo lời dạy của Đức Phật”, trụ trì chùa Chak Daeng Pra Maha Pranom (ảnh) nói. Theo đó, quan tâm đến môi trường là phù hợp với giáo lý của Phật giáo và các tín đồ có thể thực hiện bằng cách thu gom rác hoặc trồng cây.
Chùa Chak Daeng là một ví dụ điển hình về cách Thái Lan đang cố gắng giải quyết thách thức từ vấn đề rác thải. Trước đại dịch Covid-19, quốc gia Đông Nam Á này thải ra 28,7 triệu tấn chất thải rắn đô thị mỗi năm, trong đó có khoảng 2 triệu tấn rác thải nhựa. Thái Lan nhập khẩu nhựa phế liệu với số lượng tăng lên trong năm 2018, thời điểm lệnh cấm nhập nhựa phế liệu của Trung Quốc có hiệu lực.
Lượng nhựa phế liệu Thái Lan nhập khẩu từ năm 2018 đến nay dao động từ 150.000 đến hơn 550.000 tấn mỗi năm và phần lớn đến từ Nhật Bản, Liên minh châu Âu và khu vực Bắc Mỹ. Nhưng tại sao quốc gia Đông Nam Á lại phải nhập khẩu nhựa phế liệu khi mà lượng rác thải nhựa của Thái Lan thải ra vượt cả cầu của ngành tái chế nước này?
Theo Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Thái Lan Varawut Silpa-archa, đó là do phần lớn rác thải tại nước này đều đổ hết vào thùng rác mà không được phân loại. Chi phí cho việc làm sạch và xử lý rác thải quá tốn kém nên các công ty tái chế chọn giải pháp nhập khẩu nhựa phế liệu từ nước ngoài.
Tuy nhiên, trong quá trình kiểm tra các container nhựa phế liệu, cơ quan chức năng phát hiện ra rằng chỉ có một số lượng nhỏ đúng nghĩa là nhựa phế liệu, phần còn lại là rác thải nhựa. Nhà chức trách phải đối diện với tình trạng này khá nhiều và cam kết sẽ trả lại những lô hàng như vậy về nơi xuất xứ.
Tara Buakamsri, Giám đốc tổ chức Hòa bình xanh tại Thái Lan, cho biết việc truy nguồn gốc xuất xứ không hề đơn giản và hiện khá nhiều rác thải nhựa vẫn đang nằm lại ở các cảng. Việc không có ai đứng ra nhận sở hữu đã tạo thành gánh nặng cho các địa phương và cơ quan chức năng liên quan. Theo ông Buakamsri, để chấm dứt tình trạng này, các nước phát triển phải ngừng ngay việc xuất khẩu chất thải độc hại sang các nước đang phát triển.
Có một thực tế cũng cần được lưu ý đó là hệ thống quản lý chất thải của Thái Lan không thể giúp cho ngành tái chế rác thải nhựa. Ông Varawut Silpa-archa cho biết Thái Lan có hơn 2.000 bãi rác đang được lấp đầy rất nhanh chóng. Theo vị bộ trưởng này, việc khẩn cấp trước mắt là phải cắt giảm được lượng rác thải chôn lấp. Hiện một số bước trong mục tiêu cắt giảm lượng rác thải chôn lấp đã được thực hiện.
Theo đó, để giảm được lượng rác thải chôn lấp đến năm 2027, Thái Lan sẽ đẩy nhanh việc tạo ra nền kinh tế tuần hoàn để tái chế và tái sử dụng tài nguyên. Đầu năm nay, Chính phủ Thái Lan cũng đã cấm sử dụng 4 loại nhựa gồm túi nhựa sử dụng 1 lần và hộp đựng thực phẩm bằng polystyrene…
Rác thải nhựa là một cuộc khủng hoảng toàn cầu và các quốc gia trên thế giới đang trong quá trình đàm phán về một hiệp ước chấm dứt ô nhiễm từ rác thải nhựa. |