Giữ trẻ 6 -18 tháng tuổi: Gian nan đường dài

Năm học 2014-2015 đã đi được hơn một tháng. Tuy nhiên thời điểm hiện tại, tất cả các trường mầm non thực hiện Đề án thí điểm nhận giữ trẻ 6-18 tháng do UBND TPHCM ban hành vẫn chưa nhận đủ hồ sơ. Trong khi dự báo nhu cầu gởi con của người dân trên địa bàn khá lớn nhưng số lượng trẻ dưới 18 tháng tuổi đến trường chỉ đếm trên đầu ngón tay. Vì sao? Chậm mà chắc!
Giữ trẻ 6 -18 tháng tuổi: Gian nan đường dài

Năm học 2014-2015 đã đi được hơn một tháng. Tuy nhiên thời điểm hiện tại, tất cả các trường mầm non thực hiện Đề án thí điểm nhận giữ trẻ 6-18 tháng do UBND TPHCM ban hành vẫn chưa nhận đủ hồ sơ. Trong khi dự báo nhu cầu gởi con của người dân trên địa bàn khá lớn nhưng số lượng trẻ dưới 18 tháng tuổi đến trường chỉ đếm trên đầu ngón tay. Vì sao?

Chậm mà chắc!

Năm học 2014 - 2015, TPHCM có 8 quận, huyện tham gia thực hiện Đề án thí điểm nhận giữ trẻ 6-18 tháng tuổi bao gồm các quận 7, 12, Bình Tân, Thủ Đức, Tân Phú và ba huyện Nhà Bè, Bình Chánh, Củ Chi. Tuy nhiên ghi nhận của PV cho thấy, tính đến thời điểm hiện tại chưa có trường nào hoàn tất việc nhận hồ sơ. Bà Nguyễn Thị Trúc Ly, Phó phòng GD-ĐT huyện Bình Chánh, cho biết hiện nay tổng số trẻ trong độ tuổi 6-18 tháng tuổi đang được gởi tại Trường Mầm non Hoa Phượng Hồng (phường Vĩnh Lộc A) là 9 bé, trong đó có 4 bé 6-12 tháng tuổi và 5 bé 13-18 tháng. Hiện trường đã nhận thêm 4 hồ sơ đăng ký vào nhóm 6-12 tháng tuổi, nhưng chủ trương của nhà trường là muốn giáo viên có đủ thời gian làm quen với từng bé, khi công tác chăm sóc và nuôi dưỡng đi vào ổn định mới nhận thêm.

Tương tự tại quận 7, Trường Mầm non 19/5 (phường Tân Thuận Đông) dù đã dũng cảm “hy sinh” phòng hiệu trưởng với diện tích hơn 60m2 làm phòng học cho trẻ 6-18 tháng nhưng thời điểm hiện tại mới có 3 bé nhập học. Từ đây đến hết tháng 12, trường vẫn tiếp tục nhận hồ sơ để hoàn thành chỉ tiêu 14 bé/lớp.

Cô và bé tại Trường Mầm non Hoa Phượng Đỏ (quận Gò Vấp) - đơn vị dù không được chỉ định tham gia thí điểm nhưng có số lượng trẻ 6 - 18 tháng tuổi theo học nhiều nhất TPHCM.

Ở quận 12, bà Nguyễn Thị Hồng Trang, Hiệu trưởng Trường Mầm non Sơn Ca 8 (phường An Phú Đông), cho biết nhà trường vẫn đang tiếp tục chiêu sinh, hiện tại mới có 7 bộ hồ sơ nộp vào nhóm 6 - 12 tháng tuổi. Riêng tại quận Tân Phú có 2 trường tham gia thí điểm, mỗi trường nhận giữ 12 bé. Tuy nhiên, số trẻ này không được tiếp nhận cùng lúc mà chia thành nhiều đợt. Mỗi đợt, một giáo viên chỉ tiếp nhận một bé, giúp bé làm quen với môi trường lớp học, khi việc chăm sóc đi vào ổn định mới nhận thêm.

Cá biệt ở quận Gò Vấp, dù không phải là một trong 8 địa phương được UBND TPHCM chỉ định tham gia đề án từ năm học này, nhưng đã có 3 trường mở lớp giữ trẻ 6-18 tháng tuổi. Nếu như hai trường Mầm non Anh Đào và Mầm non Hồng Nhung chỉ có lớp giữ trẻ từ 12-18 tháng tuổi thì tại Trường Mầm non Hoa Phượng Đỏ (phường 17) đã có 5 trẻ trong độ tuổi 6-12 tháng và 10 trẻ trong độ tuổi 12-18 tháng đang theo học.

Bà Lê Thị Thanh Hà, hiệu trưởng nhà trường, cho biết, hiện nay nhóm trẻ 6 - 12 tháng đã nhận thêm 6 hồ sơ, nhóm trẻ 13 - 18 tháng có 10 hồ sơ. Tuy nhiên, nhà trường đã thỏa thuận với phụ huynh thời gian đầu chỉ nhận 5-6 bé, đến tháng 10-2014 mới tiếp tục nhận các bé còn lại.

Lý giải cho việc không nhận trẻ ồ ạt, bà Chung Bích Phượng, Phó phòng GD-ĐT quận Tân Phú, cho biết, do hiện nay các trường vừa thực hiện song song công tác nhận trẻ vừa nâng cao tay nghề giáo viên thông qua các khóa tập huấn do Sở GD-ĐT phối hợp với Trường ĐH Sư phạm TPHCM tổ chức nên nếu triển khai đại trà sẽ không đủ giáo viên.

Ngoài ra, do yêu cầu của một lớp giữ trẻ 6 - 18 tháng tuổi phải quan tâm đến nhiều yếu tố đặc thù như diện tích phòng học, số lượng giường nôi, ghế tập ăn, khu vực vệ sinh, bàn tắm cho trẻ nên hầu hết lãnh đạo các địa phương đều khẳng định chưa thể thực hiện vội vàng hay chạy theo áp lực sĩ số mà chủ yếu vừa làm vừa rút kinh nghiệm.

Đẩy mạnh tuyên truyền

Hiệu trưởng một trường mầm non tham gia đề án cho biết, do là năm đầu tiên TPHCM thực hiện thí điểm nên phụ huynh vẫn còn tâm lý e dè. Bằng chứng là hiện nay số lượng hồ sơ nộp vào các trường tuy không nhiều nhưng ngày nào cũng có người đến hỏi về thủ tục hồ sơ và điều kiện nhập học. Qua đó cho thấy “nếu các trường làm tốt công tác tuyên truyền, đồng thời đảm bảo điều kiện cơ sở vật chất tốt như hiện tại thì tin chắc đến học kỳ 2 năm học này, chậm nhất đầu năm sau, số lượng hồ sơ sẽ tăng đột biến”, người này lạc quan bày tỏ.

Ngoài ra, theo phản ánh của nhiều giáo viên, mặc dù Quyết định 31/2014/QĐ-UBND ngày 13-9-2014 của UBND TPHCM quy định hỗ trợ thêm 35% tiền lương cho giáo viên trực tiếp dạy các lớp trẻ 6-18 tháng nhưng so với tính chất và yêu cầu công việc khá vất vả, nguy cơ rủi ro lại cao nên nếu đề án có lộ trình thực hiện lâu dài, cần thêm nhiều chế độ, chính sách phù hợp khác giúp giáo viên có thể yên tâm công tác.

Bên cạnh đó, đối với một số khu vực dân cư đặc thù như đông công nhân lao động cần có thêm chính sách hỗ trợ giáo viên làm thêm giờ để nới rộng thời gian đưa đón, đơn giản hóa thủ tục hành chính để có thêm nhiều trẻ được đến trường.

Nói tóm lại, dù còn nhiều băn khoăn, lo lắng nhưng trước quyết tâm của TPHCM trong việc chăm lo cho nhóm đối tượng 6 - 18 tháng tuổi, không phân biệt trẻ có hộ khẩu thường trú hay tạm trú ở TPHCM, dư luận vẫn có quyền hy vọng đề án sẽ sớm đi vào cuộc sống, hoàn thành chỉ tiêu đến năm 2018 cơ bản hoàn tất quy mô trường lớp, đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất đáp ứng đầy đủ nhu cầu gởi con của người dân trên địa bàn.

Nói như chia sẻ của một vị nguyên là phó giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM, không thể chỉ dựa vào kết quả thực hiện của 1 - 2 tháng thí điểm mà có cái nhìn bi quan, thậm chí mất niềm tin vào ý nghĩa nhân văn của đề án. Thay vào đó, UBND phường, xã cần làm tốt vai trò cầu nối giữa người dân với trường học để phụ huynh yên tâm gởi con tại trường.

THU TÂM

Tin cùng chuyên mục