Giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ là ưu tiên hàng đầu trong đường lối đối ngoại

Mục tiêu đường lối đối ngoại của Việt Nam là giữ được môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển đất nước, tranh thủ được tốt nhất điều kiện thuận lợi cho quá trình đổi mới, cũng như quá trình phát triển kinh tế - xã hội. 

Trao đổi với báo chí sáng 30-1, bên lề Đại hội XIII của Đảng, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung khẳng định, Việt Nam đã nâng cao hiệu quả và làm sâu sắc hơn quan hệ với các đối tác quốc tế, mở rộng quan hệ với nhiều đối tác quốc tế, nâng số lượng đối tác chiến lược và đối tác toàn diện lên con số 30; gồm tất cả các nước là Ủy viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, phần lớn các nước thành viên các nhóm chính trị, kinh tế lớn trên thế giới, đặc biệt là các nước láng giềng.

Giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ là ưu tiên hàng đầu trong đường lối đối ngoại ảnh 1 Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung trao đổi với báo chí bên lề Đại hội XIII, sáng 30-1-2021. Ảnh: VIẾT CHUNG
* Phóng viên: Thứ trưởng đánh giá như thế nào về hình ảnh, vị thế Việt Nam trong mắt cộng đồng bạn bè quốc tế thời gian qua?

* Thứ trưởng LÊ HOÀI TRUNG: Hình ảnh và uy tín của Việt Nam đã được nâng cao trong mắt bạn bè quốc tế thời gian qua. Việt Nam vốn được biết đến và được yêu quý vì là đất nước có nền văn hóa rất đặc sắc, có nhiều cộng đồng dân tộc, có lịch sử lâu dài. Người ta biết đến Việt Nam là dân tộc yêu chuộng hòa bình; nhưng là dân tộc bất khuất đã giành được thắng lợi trong việc bảo vệ nền độc lập của mình trong suốt chiều dài lịch sử. Sau khi giành được độc lập, Việt Nam được biết đến nhiều về thành tựu của quá trình đổi mới về phát triển kinh tế - xã hội, trở thành điểm đến của các nhà đầu tư, là đối tác thương mại trên thế giới. Ấn tượng rất lớn khi Việt Nam đóng góp tích cực và có trách nhiệm đối với các vấn đề quốc tế như đăng cai nước chủ nhà của Hội nghị Cấp cao APEC 2017, vừa qua là Chủ tịch của ASEAN 2020.

Năm 2020, Việt Nam chúng ta là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và được đánh giá có đóng góp tích cực. Trong tình hình khó khăn chung của thế giới nhưng trong điều kiện có thể, chúng ta đã hỗ trợ các nước về nhân lực thiết bị và kinh nghiệm trong phòng, chống Covid-19. Phải nói rằng, hình ảnh Việt Nam hiện nay rất tốt đẹp đối với cộng đồng quốc tế.

* Bảo vệ lãnh thổ biên giới, chủ quyền, quyền chủ quyền biển, đảo là một nhiệm vụ tiên quyết, trọng tâm của Đảng và Nhà nước ta. Công tác này đang diễn ra như thế nào, thưa Thứ trưởng?

* Mục tiêu đường lối đối ngoại của Việt Nam là giữ được môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển đất nước, tranh thủ được tốt nhất điều kiện thuận lợi cho quá trình đổi mới, cũng như quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Đó cũng là mục tiêu nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Một mục tiêu đã được đề ra rất quan trọng là chúng ta kiên quyết, kiên trì giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ. Đây cũng là điều được khẳng định, giữ vị trí hàng đầu trong đường lối đối ngoại của chúng ta trong nhiều đại hội qua và trong Đại hội XIII này.

Khi nói tới vấn đề bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, chủ quyền lãnh thổ biên giới, thì ở khu vực biên giới trên bộ có những công việc rất quan trọng là thực hiện các điều ước đã được ký kết giữa Việt Nam với 3 nước láng giềng liên quan đến công tác hoạch định biên giới, phân giới cắm mốc. Thứ hai là liên quan tới vấn đề quản lý đường biên giới, quản lý cọc mốc và cọc dấu. Thứ ba là liên quan đến quy chế quản lý cửa khẩu, cộng với đó là làm sao để vừa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, vừa phối hợp với các nước biên giới trên bộ láng giềng để chống các hình thức tội phạm, đảm bảo an ninh, an toàn ở biên giới. Đó là khâu công tác rất quan trọng và tôi hy vọng rằng trong thời gian tới, Đảng, Nhà nước sẽ quan tâm để có thể phát triển kinh tế tại các vùng biên giới chứ không phải đơn giản chỉ là khu vực biên giới.

Còn tuyến trên biển, theo Công ước Luật Biển 1982, chúng ta và các quốc gia ở Biển Đông cũng có lợi ích về hàng hải, hàng không. Quan hệ hợp tác, lợi ích không phải chỉ vấn đề thương mại, đầu tư, hàng không, tàu bè qua lại trên Biển Đông mà ngay cả vấn đề về nghiên cứu khoa học liên quan đến biến đổi khí hậu, chống tội phạm. Cho nên, nó có cả lợi ích và sự hợp tác của các nước trong khu vực, các nước ven bờ Biển Đông và các nước ngoài khu vực.

Tôi rất mong muốn trong thời gian tới, chúng ta sẽ tăng cường hợp tác theo nghĩa rất rộng, từ vấn đề hợp tác để khai thác các nguồn tài nguyên trên biển cho đến vấn đề hợp tác bảo vệ môi trường, hợp tác về chống biến đổi khí hậu, hợp tác về nghiên cứu khoa học, hợp tác về chống tội phạm. Đấy là cái tôi rất mong muốn là khi nói đến vấn đề biên giới lãnh thổ, ta nói đến vấn đề thúc đẩy hợp tác.

Bên cạnh đó, ở Biển Đông cũng có những tranh chấp. Việt Nam chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước là mong muốn cùng các nước có liên quan giải quyết một cách hòa bình các tranh chấp. Chúng ta phải kiên quyết, kiên trì bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình, đấu tranh chống lại các vi phạm đối với chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam đã được xác định theo đúng Công ước Luật Biển 1982.

Giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ là ưu tiên hàng đầu trong đường lối đối ngoại ảnh 2 Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Hà Thị Nga trao đổi cùng các đại biểu nữ dự Đại hội XIII của Đảng, sáng 30-1-2021. Ảnh: VIẾT CHUNG 
* Với những điểm mới trọng tâm như vậy, Bộ Ngoại giao sẽ có những giải pháp gì để hiện thực hoá mục tiêu mà Đại hội XIII của Đảng đặt ra, thưa ông?

- Bộ Ngoại giao cùng với các bộ ngành, địa phương đã có nhiều đóng góp ý kiến vào dự thảo văn kiện Đại hội, đặc biệt là nội dung về đối ngoại. Trước hết, nội dung Nghị quyết Đại hội XIII sẽ được quán triệt trong Bộ Ngoại giao, phổ biến các ngành, địa phương, đối tượng khác nhau, trong đó tập trung về nội dung, phương hướng và các biện pháp chính được đề ra liên quan đến công tác đối ngoại trong nhiệm kỳ tới.

Trong từng lĩnh vực của hoạt động đối ngoại sẽ được cập nhật kế hoạch, chiến lược. Đơn cử trong lĩnh vực ngoại giao phục vụ kinh tế trong bối cảnh hiện nay đặt ra nhiệm vụ lấy doanh nghiệp làm trung tâm; liên quan đến kinh tế số, cách mạng công nghiệp lần thứ tư thì phải có những điều chỉnh trong quá trình xây dựng chiến lược, kế hoạch ngoại giao phục vụ kinh tế.

Một điểm rất quan trọng trong dự thảo văn kiện lần này là quan điểm xây dựng nền ngoại giao toàn diện và hiện đại. Toàn diện về phương thức, lĩnh vực hoạt động. Bên cạnh đó, ngành ngoại giao phải coi công tác xây dựng Đảng là nhiệm vụ trọng tâm, then chốt, xây dựng bộ máy trong sạch, hiệu lực, hiệu quả. Ngành ngoại giao cũng sẽ thông tin cho các đối tác quốc tế về đường lối đối ngoại đã được Đại hội Đảng lần thứ XIII cũng như những biện pháp mà chúng ta mong muốn để cùng thúc đẩy quan hệ hợp tác vì lợi ích của cả hai bên, vì hòa bình, ổn định và hợp tác ở khu vực và quốc tế.

Trong bối cảnh trên thế giới có những diễn biến phức tạp của an ninh phi truyền thống như: biến đổi khí hậu, dịch bệnh thì ngành ngoại giao đã làm và trong thời gian tới phải làm tốt hơn trong cảnh báo đối với đất nước về những thách thức đó, đồng thời tranh thủ sự hợp tác quốc tế.

 * Xin cảm ơn Thứ trưởng!

Tin cùng chuyên mục