Châu Phi vẫn “đội sổ”
Nội dung trên được đề cập trong báo cáo thường niên về khủng hoảng lương thực toàn cầu do Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hiệp quốc (FAO) công bố ngày 2-4. Theo báo cáo, châu Phi là khu vực chịu ảnh hưởng nhiều nhất do khủng hoảng lương thực năm 2018 khi gần 72 triệu người tại châu lục này thiếu ăn trầm trọng. Trong số những nước rơi vào khủng hoảng lương thực năm ngoái, Yemen là nước có số người đói ăn nhiều nhất với gần 16 triệu người sau 4 năm xảy ra xung đột. Sau đó lần lượt là CHDC Congo với 13 triệu người và Afghanistan với 10,6 triệu người thiếu lương thực.
Báo cáo nhận định, những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên vẫn là xung đột và an ninh bất ổn kèm với biến động kinh tế và hiện tượng thời tiết cực đoan liên quan đến biến đổi khí hậu như lũ lụt, hạn hán. Các chuyên gia của FAO cho biết, có tới 80% dân số sinh sống phụ thuộc vào nông nghiệp tại những nước đang ở bên bờ vực của nạn đói. Do đó, những người dân này cần viện trợ nhân đạo gấp để giải quyết nhu cầu lương thực và hỗ trợ các biện pháp giúp thúc đẩy nông nghiệp.
Báo cáo cảnh báo, tác động của biến đổi khí hậu và xung đột sẽ tiếp tục gây ra tình trạng mất an ninh lương thực trong năm tới. Số người thiếu ăn tại Yemen sẽ có thể lên tới hơn 20 triệu người nếu tình hình vẫn không cải thiện và cộng đồng quốc tế không viện trợ nhân đạo cho người dân nước này.
Tương lai màu xám
Ông Luca Russo, chuyên gia cấp cao phân tích khủng hoảng lương thực của FAO, cảnh báo rằng, hàng triệu người hiện đang có nguy cơ rơi vào cấp độ đói thứ 3 (mức độ cao nhất). Con số 113 triệu người đói trên toàn cầu chỉ là phần nổi của tảng băng. Theo ông, nếu nhìn vào những con số sâu xa hơn, số người đang ngưỡng đói còn cao hơn nhiều, lên đến khoảng hơn 143 triệu người. Họ là những người “mong manh” đến nỗi chỉ cần một chút hạn hán, hay hỗn loạn là sẽ rơi vào khủng hoảng lương thực và đói. Trừ khi có những cố gắng để đưa họ thoát khỏi nguy cơ nếu không họ sẽ sớm gia nhập số người đói ăn.
Dự báo, các hiện tượng cực đoan về thời tiết và xung đột sẽ tiếp tục gây ra nạn đói vào năm 2019. Thời tiết khô và hiện tượng El Nino có khả năng ảnh hưởng đến Nam Phi, Mỹ Latinh và Caribê, trong khi nhu cầu của người tị nạn và người di cư ở Bangladesh và Syria sẽ vẫn cao. Số lượng người di cư và tị nạn chiến tranh dự kiến sẽ tăng lên nếu cuộc khủng hoảng chính trị và kinh tế vẫn tiếp tục diễn ra ở Venezuela.
Rõ ràng, Báo cáo toàn cầu năm 2018 mặc dù đã giảm một chút về số lượng so với năm 2017 nhưng con số vẫn còn quá cao. Theo ông David Graziano da Silva, Tổng Giám đốc FAO, cộng đồng thế giới phải hành động ở quy mô xuyên suốt, tập trung vào mối quan hệ nhân đạo - phát triển - hòa bình để xây dựng khả năng phục hồi của dân số bị ảnh hưởng đói và dễ bị đói.
Tuy rất quan trọng để cứu sống và giảm bớt đau khổ của con người nhưng hỗ trợ nhân đạo không giải quyết được nguyên nhân gốc rễ của khủng hoảng lương thực, Giám đốc điều hành Chương trình Lương thực thế giới (WFP), ông David Beasley, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tấn công thẳng vào các nguyên nhân gốc rễ của nạn đói: đó là xung đột, bất ổn, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Theo ông, các chương trình phát triển nông thôn nếu ổn định và hiệu quả hơn cũng sẽ giúp giảm số người đói. Trên hết, các nhà lãnh đạo thế giới cần đóng góp nhiều hơn nữa để giải quyết những cuộc xung đột này. Dự kiến, từ năm 2014 đến 2020, EU cung cấp gần 9 tỷ EUR cho các sáng kiến về an ninh lương thực, dinh dưỡng và nông nghiệp bền vững tại hơn 60 quốc gia.