Hàng Việt tìm về kênh phân phối truyền thống

Phát triển mạng lưới phân phối, đặc biệt là việc đưa hàng vào siêu thị luôn là đề tài nóng bỏng, nỗi trăn trở của đại bộ phận doanh nghiệp (DN). Để tự cứu mình, đã có không ít DN chuyển hướng thành công vào các kênh phân phối truyền thống, đồng thời đa dạng hóa sản xuất để phù hợp với nhu cầu thị trường.

Chạy đua để không “hổng chân” trên sân nhà

Có một thời, từ các nhà hoạch định chính sách đến DN sản xuất mải miết chạy theo các hình thức kinh doanh hiện đại như trung tâm thương mại (TTTM), siêu thị, cửa hàng tiện lợi. Trong khi, mạng lưới cửa hàng giới thiệu sản phẩm của DN, sạp chợ, tiệm tạp hóa lại chứng tỏ là các kênh phân phối hiệu quả, chiếm tới 75% tổng mức bán lẻ của cả nước.

Hàng Việt tìm về kênh phân phối truyền thống ảnh 1 Mua bán tại chợ Nguyễn Văn Trỗi. Ảnh: THÀNH TRÍ

Tại sao các kênh hiện đại phát triển chưa xứng tầm, chiết khấu quá cao nhưng DN cứ phải đeo bám? Tổng giám đốc một công ty chuyên sản xuất mì gói phân tích, doanh thu từ TTTM và siêu thị chỉ chiếm khoảng 10% trong tổng thu của DN. Trong xu hướng phát triển chung, kênh phân phối hiện đại sẽ phát triển ngày càng mạnh mẽ, nếu DN không theo sẽ bị “hổng chân” ngay trên sân nhà.

Theo tính toán, hiện doanh thu bán lẻ hiện đại tại Philippines chiếm 33%, Thái Lan là 34%, Malaysia 60%, Singapore lên tới 90%. Việt Nam với quy mô dân số lên gần 94 triệu người, trong đó, cơ cấu dân số trẻ ở độ tuổi từ 18-50 chiếm tới 60%, đây là mảnh đất màu mỡ cho bán lẻ hiện đại phát triển.

Một điều quan trọng khác, trong Quy hoạch phát triển ngành thương mại TPHCM đến năm 2025, định hướng năm 2030, TPHCM cũng quy hoạch tỷ trọng bán lẻ hàng hóa theo các loại hình thức phân phối hiện đại đến năm 2020 đạt tối thiểu 40%, năm 2025 đạt 50% và năm 2030 đạt 60%.

Điều đáng lưu ý, TPHCM không cho phép xây dựng mới chợ trong khu vực nội thành mà chỉ sửa chữa và nâng cấp các chợ hiện hữu, thậm chí chuyển công năng một số chợ kinh doanh kém hiệu quả thành TTTM hoặc siêu thị.

Những kênh bán lẻ quan trọng

Khác với suy nghĩ của cơ quan hoạch định chính sách, các DN sản xuất thực phẩm, hàng tiêu dùng, thực phẩm công nghệ hiện nay rất coi trọng vai trò của chợ, tiệm tạp hóa. Hiện 2 kênh phân phối truyền thống là chợ, tiệm tạp hóa vẫn nằm trong lựa chọn của người tiêu dùng vì hàng hóa trưng bày trong tầm mắt, đặc biệt giá bán thường “mềm” hơn so với siêu thị do chi phí thấp.

Hàng Việt tìm về kênh phân phối truyền thống ảnh 2 Mua bán tại chợ An Đông (quận 5, TPHCM). Ảnh: CAO THĂNG

Trong định hướng phát triển sản xuất kinh doanh, Công ty Saigon Food nổi lên là một trong những DN thành công khi quay về nội địa, khai thác tốt kênh phân phối truyền thống. Bà Lê Thị Thanh Lâm, Phó Tổng giám đốc Saigon Food (SGF), kể rằng do đặc thù sản xuất hàng thủy hải sản đông lạnh để xuất khẩu (70%) và tiêu thụ nội địa (30%) nên ngay từ đầu, SGF chủ yếu phát triển theo kênh phân phối hiện đại do phải có công cụ và điều kiện để bảo quản như tủ đông.

Đến năm 2011, công ty đổi tên từ S.G Fisco qua Saigon Food. Khi thay “từ Fish sang Food”, công ty xác định bắt đầu mở rộng sản phẩm lẫn kênh phân phối nội địa. Trước đây, do tập trung phân phối kênh hiện đại nên SGF chỉ chú trọng dòng sản phẩm thủy sản đông lạnh, nay có thêm hàng hóa bảo quản ở nhiệt độ thường nên phù hợp với kênh tạp hóa và cửa hàng.

Theo nhận định của bà Thanh Lâm, hiện nay kênh truyền thống vẫn là kênh chủ lực của Việt Nam. Hơn 5.000 điểm bán ở kênh truyền thống mà SGF đã gây dựng trở thành nơi tiêu thụ hàng chủ lực, là điểm tựa vững chắc cho DN.

Trước năm 2003, Công ty TNHH Ba Huân đã có tiếng là đơn vị bán sỉ trứng lớn nhất, nhì TPHCM. Khi dịch cúm gia cầm xảy ra, công ty nhận thức cần phải xây dựng chuẩn mực an toàn thực phẩm song song với xây dựng thương hiệu, không thể bán sỉ hoài được, nên đi vào kênh bán lẻ.

Nhiều người yêu cầu công ty đưa trứng ra chợ, tiệm tạp hóa vì công nhân nghèo không có điều kiện vào siêu thị, rồi phải xếp hàng chỉ để mua một chục trứng. Thế là chiến dịch “Ba Huân đến mọi nhà” ra đời, đội ngũ kinh doanh vào các chợ, đặt hàng trăm kệ, khuyến khích tiểu thương đem trứng về bán.

Bà Phạm Thị Huân, Giám đốc Công ty TNHH Ba Huân, khẳng định nhờ chủ động đa dạng kênh phân phối, không phụ thuộc vào siêu thị nên sản lượng tiêu thụ tăng nhanh và có nhiều thuận lợi trong kế hoạch sản xuất, kinh doanh.

Sản xuất chỉ có thể tăng trưởng khi có đầu vào tốt, giá cả phù hợp và có đầu ra đã được chuẩn bị để hàng hóa trong tầm tay người tiêu dùng. Quá trình hội nhập và mở cửa thị trường, ai nắm hệ thống phân phối sẽ có quyền quyết định đến sản xuất. Nhưng để thành công, tự thân mỗi DN phải không ngừng tìm kiếm các cơ hội từ thị trường, có sự đầu tư đúng đắn, đa dạng hóa sản phẩm để chinh phục người tiêu dùng.

Tin cùng chuyên mục