Hành trình vạn dặm bắt đầu từ một chuyến đi

“Thích ứng với quá trình toàn cầu hóa (sẽ diễn ra) chậm hơn” là một trong những khuyến cáo quan trọng trong báo cáo của Ngân hàng Thế giới vào tháng 5 vừa qua. Qua đó, tổ chức này nhấn mạnh, Việt Nam cần cải thiện năng lực sản xuất, xuất khẩu, đẩy mạnh thương mại dịch vụ và thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có tiềm năng để đạt giá trị gia tăng trong nước và tác động lan tỏa cao hơn.

Khuyến cáo này không phải lần đầu tiên xuất hiện. Khu vực FDI từ lâu đã tạo nên tranh luận “chưa hồi kết” về sự đóng góp cũng như vai trò của nó trong quá trình chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế quốc gia.

Trong 6 tháng đầu năm 2022, tại TPHCM có một xu hướng tương đối rõ ràng chỉ ra dòng vốn FDI đang suy giảm, cũng như không có nhiều dự án lớn. Xu hướng này là một quan ngại vì vai trò của FDI đối với kinh tế thành phố là đáng kể, cả về việc hình thành các công trình dự án tạo ra giá trị thặng dư lẫn công ăn việc làm.

Một xu hướng khác cần quan sát đó là sự chuyển dịch theo hướng kỳ vọng từ khai thác lợi thế so sánh lao động giá rẻ và vị trí thuận lợi sang đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao đổi mới sáng tạo, nghiên cứu phát triển.

Báo cáo đánh giá 6 tháng đầu năm 2022 của Đại học Kinh tế - Luật (ĐH Quốc gia TPHCM) chỉ ra, dòng chảy nguồn vốn FDI trong 5 tháng đầu năm đang gia tốc vào hoạt động chuyên môn khoa học công nghệ (chiếm 21,6% tổng đầu tư mới, trong khi dòng đầu tư vào công nghiệp chế biến chế tạo xây dựng chỉ chiếm 7,8 %).

Sự chuyển dịch của FDI vào các lĩnh vực như trên là một quá trình định hướng, có chính sách điều chỉnh và xúc tiến đầu tư mới từ thành phố. Quá trình này manh nha từ nhiều năm trước, qua nhiều kỳ đại hội với định vị TPHCM cần tập trung vào thương mại, dịch vụ, tài chính, đổi mới sáng tạo và là cửa ngõ của các tỉnh xung quanh liên thông ra khu vực và thế giới với sân bay, cảng biển và đội ngũ nguồn nhân lực, lao động chất lượng cao hùng hậu.

Trong giai đoạn phục hồi kinh tế TPHCM sau đại dịch Covid-19, đặc biệt là trong hai quý đầu năm 2022, thành phố đã xúc tiến các buổi gặp mặt, làm việc với các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Các hội nghị xúc tiến tập trung vào một số địa phương như Hóc Môn, Củ Chi, Khu công nghệ cao TPHCM (SHTP), từ các nhà đầu tư tiềm năng từ châu Âu hay các buổi gặp gỡ các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài như EuroCham, AmCham, Korcham...

Trong bối cảnh đó, kết quả từ chuyến thăm và làm việc tại Hoa Kỳ của đồng chí Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM và đoàn đại biểu cấp cao TPHCM là gạch nối tô đậm thêm đường hướng này. Các đối tác là quỹ đầu tư, doanh nghiệp quốc tế, các doanh nghiệp - doanh nhân khởi nghiệp, đại học uy tín quốc tế và các liên bang - địa phương.

Chủ đề trao đổi - dựa trên quá trình chuẩn bị trước đó của các cơ quan tham mưu - xoay xung quanh các hợp tác cụ thể về trung tâm tài chính, phát triển hạ tầng giao thông, hạ tầng dịch vụ, kinh tế số, phát triển các ngành y sinh dược. Với các chủ đề càng liên quan đến dịch vụ - công nghệ - con người thì rõ ràng sự phức tạp của nội hàm hợp tác cả về pháp lý lẫn về nền tảng kiến thức và khoa học công nghệ sẽ cao hơn rất nhiều.

Các trao đổi, ghi nhớ là sản phẩm trực tiếp của một chuyến công tác, mang lại cơ hội nhưng cũng có cả thách thức mà TPHCM muốn chuyển mình vượt qua. Đây là chuỗi nối kết quan trọng để truyền tải thông điệp từ lãnh đạo TPHCM với những dự án đang triển khai hiện tại cũng như các định hướng phát triển sắp tới. Quan trọng hơn cả là cam kết của người đứng đầu chính quyền thành phố về quyết tâm chuyển dịch mô hình tăng trưởng, không chỉ ở thì tương lai mà cả bằng các hành động cụ thể ở thì hiện tại.

Tin cùng chuyên mục