Hỗ trợ đầu ra cho nông sản

Sự nỗ lực của nhà bán lẻ thuần Việt Saigon Co.op trong việc bắt tay cùng các đối tác, nhà cung cấp đã và đang tạo đầu ra ổn định cho hàng nông sản Việt, đồng thời giúp người tiêu dùng được tiếp cận sản phẩm có chất lượng với giá tốt nhất. 
Hàng nông sản phía Bắc được Saigon Co.op hỗ trợ tiêu thụ
Hàng nông sản phía Bắc được Saigon Co.op hỗ trợ tiêu thụ

Thúc đẩy tiêu thụ 

Lâu nay, hàng nông sản Việt thường gặp điệp khúc “được mùa mất giá”, chưa kể năm nay do ảnh hưởng dịch bệnh nên nông dân rất lo ngại khi vào chính vụ sẽ ách tắc đầu ra. Xuất phát từ mục đích hỗ trợ đầu ra cho các sản phẩm nông sản Việt, mới đây nhà bán lẻ Saigon Co.op đã tổ chức và tham gia đồng thời 2 sự kiện lớn nhằm kết nối, tiêu thụ nông sản của các tỉnh phía Bắc. Đây là nỗ lực lớn của đơn vị, nhằm đưa nông sản Việt đến mọi miền đất nước, đồng thời hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm nội địa, sau một thời gian nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Đại diện của Saigon Co.op cho biết, đầu tiên, tại TP Bắc Giang, nhà bán lẻ này đã tham dự hội nghị trực tuyến xúc tiến tiêu thụ vải thiều năm 2020 do UBND tỉnh Bắc Giang tổ chức. So với năm 2019, năm nay tại gần 1.000 điểm bán trên toàn quốc, Saigon Co.op tiêu thụ lượng vải thiều tăng hơn 20%. 

Một điểm thú vị của chương trình “Ủng hộ nông sản Việt” được tổ chức năm nay là đã góp phần cùng Chính phủ thúc đẩy thói quen thanh toán không dùng tiền mặt. Saigon Co.op mong muốn việc này không chỉ duy trì thời gian ngắn mà phải thường xuyên, trong đó vai trò trụ cột là Ngân hàng Nhà nước, doanh nghiệp công nghệ, nhà bán lẻ. Ngoài chương trình này, trong năm 2020, Saigon Co.op sẽ cùng với đối tác triển khai hàng loạt dịch vụ, ứng dụng mới trên nền tảng công nghệ, như: thẻ quà tặng (voucher), thẻ trả trước (prepaid card), xây dựng các giải pháp về gian hàng điện tử...

Song song đó, tại Co.opmart Hải Phòng (TP Hải Phòng) cũng diễn ra Tuần lễ nông sản an toàn và giới thiệu sản phẩm du lịch Sơn La, với sự tham gia của 25 doanh nghiệp, hợp tác xã. Tại đây, các sản phẩm đặc sản của tỉnh Sơn La và Hải Phòng như xoài, ổi, chuối, mận hậu, chanh leo, bí ngô bao tử Mộc Châu; thực phẩm qua chế biến; hải sản và các sản phẩm du lịch… đã được giới thiệu và thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng. 

Trước đó, vào đầu năm nay, Saigon Co.op đã thực hiện thu mua chanh tươi, thanh long, dưa hấu cho nông dân, do cửa khẩu biên giới với Trung Quốc tạm ngưng giao dịch vì dịch bệnh. Sự vào cuộc kịp thời của Saigon Co.op đã phần nào giúp người nông dân yên tâm sản xuất, còn người tiêu dùng được tiếp cận nguồn hàng chất lượng với giá tốt. 

Đột phá từ hợp tác giữa bán lẻ với công nghệ

Theo Saigon Co.op, điểm mới của việc hỗ trợ tiêu thụ nông sản năm nay là đơn vị đã đưa vải thiều và gạo lên kinh doanh trên nền tảng trực tuyến. Theo đó, khách hàng có thể dễ dàng đặt mua 2 mặt hàng vải thiều và gạo ST Xuân Hồng với giá ưu đãi ngay trên ví điện tử MoMo, sau đó sẽ được siêu thị giao hàng tận nơi. Đáng chú ý, khách hàng còn có thể đóng góp trực tiếp cho những hoạt động hỗ trợ người nông dân sau chiến dịch, ngay trên giao diện của chương trình. 

Ông Nguyễn Anh Đức, Tổng Giám đốc Saigon Co.op, cho biết chương trình “Ủng hộ nông sản Việt” bán trên ví điện tử MoMo được thử nghiệm ban đầu với vải là ý tưởng táo bạo, từ sự hợp tác giữa nhà bán lẻ, công nghệ ví và cơ quan truyền thông. Các thống kê của nhà bán lẻ này cho thấy, chỉ sau 8 giờ ra mắt, trên ví điện tử MoMo đã có hàng trăm giao dịch đặt mua thành công gần 8 tấn trái vải. Đây được xem là một kỷ lục mới của giao dịch bán lẻ kết hợp nền tảng công nghệ tại Việt Nam, đặc biệt là mặt hàng trái vải.  

Sở dĩ có thành công này là do người tiêu dùng đánh giá, đây là hình thức mua sản phẩm mới mẻ, song lại rất thuận tiện. Chị Ngô Mỹ Duyên (ngụ quận Tân Phú, TPHCM) chia sẻ, ngay khi biết thông tin siêu thị kết hợp với ví điện tử bán hàng nông sản, chị đã “canh giờ” để đặt mua trái vải cho gia đình, bạn bè thưởng thức. “Việc mua trên ứng dụng MoMo rất tiện, thêm vào đó, giá sản phẩm lại rẻ hơn 30% so với mua trực tiếp tại hệ thống siêu thị của Saigon Co.op. Tôi được biết, chương trình này còn kéo dài đến hết ngày 30-6, nên sẽ tiếp tục mua để vừa ủng hộ nông sản Việt, lại tiết kiệm được thời gian, chi phí cho chính mình”, chị Duyên cho biết thêm. Cũng như chị Duyên, anh Phạm Minh Dương (ngụ quận Thủ Đức) cảm thấy rất hứng thú với chương trình này, bởi có sự kết hợp nhiều yếu tố công nghệ thuận tiện, giá bán sản phẩm tốt, sản phẩm mang tính thời sự và đặc biệt là mang tính nhân văn trong bối cảnh khó khăn chung hiện nay. 

Có thể thấy, sự nỗ lực của nhà bán lẻ Saigon Co.op đã và đang đồng hành, hỗ trợ người nông dân trong việc đưa các sản phẩm nông sản đến tay người tiêu dùng một cách nhanh chóng, thuận tiện nhất. Từ đó, góp phần giúp hàng nông sản Việt có chỗ đứng vững chắc ngay trên sân nhà; còn người tiêu dùng thì được tiếp cận sản phẩm chất lượng với giá tốt nhất.

Tin cùng chuyên mục