Theo Jakarta Post, khảo sát mới đây của Ủy ban Bảo vệ trẻ em Indonesia (KPAI) cho biết, khoảng 42% học sinh không thể tiếp cận được các gói cung cấp Internet. Cuộc khảo sát được tiến hành trên 1.700 học sinh tại 54 thành phố.
Để giải quyết tình trạng trên, người dân tại một số địa phương, trong đó có Java, đã đưa ra các sáng kiến hỗ trợ việc học trực tuyến. Nổi bật có Karang Taruna Petamburan, anh đã hợp tác với tổ chức phi chính phủ IRES và nền tảng mạng Kitabisa thiết lập sáng kiến giáo dục trực tuyến có tên gọi “Rumah Kembali Belajar” (Học tại nhà lần nữa), hỗ trợ các bài giảng miễn phí và cung cấp hệ thống mạng không dây có đường truyền kết nối ổn định thông qua các thiết bị thông minh. Bài giảng được thiết kế dành riêng cho các cấp học, từ tiểu học, phổ thông cơ sở đến phổ thông trung học. Theo bà Satria, người quản lý sáng kiến Rumah Kembali Belaja, sau một thời gian đi vào hoạt động, sáng kiến trên phần nào giải tỏa bớt áp lực cho các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn do không có thu nhập ổn định trong mùa dịch. Học sinh có thể tiếp cận được bài giảng dễ dàng hơn với hệ thống kiến thức được cập nhật tương đối đầy đủ dưới sự giám sát của các giáo viên và tình nguyện viên.
Tại Yogyakarta, các quán cà phê Internet cũng đồng ý hỗ trợ đường truyền mạng miễn phí để học sinh học trực tuyến. Sáng kiến cung cấp mạng Internet không dây có tên WW Combi Internet Keliling đã ra đời tại đây. Hệ thống Internet di động được lắp đặt trên một chiếc xe Volkswagen cổ. Xe này có nhiệm vụ chạy xung quanh các khu dân cư chưa có hệ thống mạng hoặc đường truyền yếu để học sinh có thể học trực tuyến từ sáng cho đến chiều.