Ngày 22-6, các quốc gia tiêu thụ và sản xuất dầu mỏ đã nhóm họp tại Jeddah, Saudi Arabia để bàn các biện pháp đối phó với tình trạng giá dầu tăng cao kỷ lục hiện lên gần 140 USD/thùng.
Theo Bộ trưởng Dầu mỏ Mỹ Samuel Bodman, giá dầu thô tăng mạnh là do sản lượng dầu mỏ thấp chứ không phải do đầu cơ tích trữ. Bộ trưởng Kinh tế Đức Miochael Glos cũng kêu gọi nhanh chóng tăng lượng cung cấp dầu.
Trong khi đó, Saudi Arabia tuyên bố sẽ tăng sản lượng khai thác lên 200.000thùng/ngày, đồng thời kêu gọi các nước thành viên thuộc OPEC phối hợp hành động khắc phục cuộc khủng hoảng năng lượng.
Song, tuyên bố tăng sản lượng khai thác dầu mỏ của Saudi Arabia không được các nước khác thuộc OPEC hoan nghênh, thậm chí Chủ tịch OPEC Chakib Khalil còn cho rằng tăng sản lượng khai thác là “phi lý”.
Trong lúc này, châu Âu vẫn chia rẽ về biện pháp đối phó với giá dầu leo thang. Các nhà lãnh đạo châu Âu vẫn chưa nhất trí rằng có nên áp dụng việc bãi bỏ thuế và các khoản trợ giá hay không.
Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đã đề nghị EU cho phép nước này bãi bỏ thuế giá trị gia tăng (VAT) đối với nhiên liệu nhằm trợ giúp người nông dân, những người làm nghề đánh bắt cá và lái xe tải bị ảnh hưởng bởi giá nhiêu liệu cao. Tuy nhiên, Thủ tướng Đức Angela Merkel lại cho rằng “can thiệp tài chính là vấn đề cần phải tránh”.
Italia có kế hoạch tăng thuế đánh vào lợi nhuận của các tập đoàn dầu mỏ, theo đó chính phủ sẽ tăng thuế đánh vào lợi nhuận của các công ty dầu mỏ, từ mức 27% năm 2007 lên 33% vào năm 2009 để khai thác triệt để nguồn lợi nhuận khổng lồ do giá dầu mỏ cao kỷ lục đem lại.
V.A. (Theo Reuters, AFP)