Sáng 13-11 (giờ địa phương), tại thành phố Honolulu, thủ phủ bang Hawaii, Mỹ đã diễn ra lễ khai mạc chính thức Hội nghị các nhà lãnh đạo Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 19. Tham dự hội nghị có lãnh đạo cấp cao của 21 nền kinh tế thành viên APEC. Đoàn đại biểu cấp cao nước ta do Chủ tịch nước Trương Tấn Sang dẫn đầu đã tham dự hội nghị.
Trong phát biểu chào mừng lãnh đạo các thành viên APEC đến tham dự hội nghị tại thành phố quê hương, Tổng thống Mỹ Barack Obama nhấn mạnh tầm quan trọng của hội nghị và bày tỏ tin tưởng với chủ đề “Tăng cường liên kết kinh tế khu vực và mở rộng thương mại”, các nhà lãnh đạo sẽ đưa ra những quyết định quan trọng đối với Diễn đàn APEC và cả khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong bối cảnh nỗ lực phục hồi kinh tế và quan hệ quốc tế có nhiều biến động.
Ngay sau lễ khai mạc, các nhà lãnh đạo cùng Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Christine Lagarde đã họp phiên họp kín thứ nhất về “Tăng trưởng và việc làm”. Các nhà lãnh đạo chia sẻ đánh giá của IMF về những thách thức đối với nền kinh tế khu vực và toàn cầu, nhấn mạnh nguy cơ tăng trưởng suy giảm, tình trạng thất nghiệp cao tại các nền kinh tế phát triển và lạm phát tại các nền kinh tế đang phát triển.
Các nhà lãnh đạo nhất trí APEC cần tăng cường tự do hóa thương mại và đầu tư, tăng cường hợp tác tài chính, thực hiện chiến lược mới của APEC về cải cách cơ cấu, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, thúc đẩy sự tham gia của các thành viên vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Các nhà lãnh đạo cũng nhất trí APEC sẽ tiếp tục chú trọng hợp tác hơn nữa để thực hiện tăng trưởng bền vững và đồng đều nhằm quan tâm đến việc bảo đảm an sinh, phúc lợi xã hội cho người dân, nhất là những đối tượng yếu thế và dễ bị tổn thương. Hội nghị nhất trí cần nỗ lực thúc đẩy kết thúc vòng đàm phán Doha, tăng cường phối hợp giữa APEC với các định chế kinh tế, tài chính quốc tế như IMF, Ngân hàng Thế giới và G20.
Chiều cùng ngày, Hội nghị cấp cao APEC tiếp tục diễn ra với phiên họp kín thứ hai về “Sử dụng năng lượng hiệu quả và an ninh năng lượng”. Đây là một trong những trọng tâm của hội nghị và được nhiều thành viên hết sức quan tâm để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ năng lượng đang ngày càng gia tăng nhanh chóng tại khu vực, hiện chiếm tới 55% GDP toàn cầu và 60% nhu cầu sử dụng năng lượng của thế giới.
Hội nghị nhất trí triển khai các chiến lược giảm khí thải các-bon, xóa bỏ các hình thức trợ cấp đối với nhiên liệu hóa thạch, nỗ lực hướng tới mục tiêu giảm 45% cường độ sử dụng năng lượng trong APEC vào năm 2035.
Các nhà lãnh đạo cũng đã thảo luận về cải cách quản lý nhằm nâng cao sức cạnh tranh, coi đây là một nội dung hợp tác trong giai đoạn hiện nay. Các nhà lãnh đạo nhất trí sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác trong việc giải quyết những rào cản đối với thương mại và đầu tư.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang là một trong những lãnh đạo các nền kinh tế thành viên APEC được mời phát biểu đầu tiên tại hội nghị. Chủ tịch nước đánh giá cao những kết quả của APEC về thúc đẩy liên kết kinh tế khu vực, đồng thời khẳng định Việt Nam tiếp tục quyết tâm đổi mới, hội nhập quốc tế toàn diện và đang nỗ lực tái cơ cấu nền kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô và kiềm chế lạm phát.
Chủ tịch nước nêu rõ với tiềm lực to lớn của mình, APEC cần ưu tiên các chương trình hợp tác nhằm thu hẹp khoảng cách phát triển, chuyển giao công nghệ, đào tạo nhân lực, phát triển hạ tầng, xóa đói giảm nghèo và tăng cường kết nối nội khối, đặc biệt là các nỗ lực xây dựng Cộng đồng ASEAN và Kế hoạch tổng thể về kết nối ASEAN cũng như hợp tác tiểu vùng Mekong.
Về an ninh năng lượng, Chủ tịch nước nêu rõ Việt Nam luôn coi trọng vấn đề sử dụng hiệu quả năng lượng và an ninh năng lượng, chủ trương phát triển nhanh gắn liền với phát triển bền vững, chú trọng bảo vệ môi trường.
Chủ tịch nước đề nghị APEC cần tăng cường phối hợp chính sách và hợp tác sử dụng hiệu quả năng lượng và an ninh năng lượng, đặc biệt ở những khu vực đông dân cư và tập trung nhiều cơ sở sản xuất, cải thiện hệ thống giao thông theo hướng thân thiện với môi trường, phát triển năng lượng tái tạo và chuyển giao công nghệ sản xuất sạch, đồng thời cần tăng cường đóng góp vào các nỗ lực của Liên hiệp quốc và các cơ chế, các chương trình hợp tác đang được triển khai ở khu vực, trong đó có các dự án của ASEAN và “Kế hoạch hành động ASEAN về hợp tác năng lượng”.
* Cùng ngày, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã cùng các nhà lãnh đạo APEC tham dự cuộc đối thoại với Hội đồng Tư vấn kinh doanh APEC.
Chiều cùng ngày, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã rời thủ phủ Honolulu, bang Hawaii (Mỹ), kết thúc tốt đẹp các hoạt động tham dự Hội nghị cấp cao APEC 19.
Ngày 13-11 (giờ địa phương), Hội nghị cấp cao Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á- Thái Bình Dương lần thứ 19 (APEC-19) đã ra tuyên bố chung. Trong đó, các nhà lãnh đạo APEC cam kết triển khai những bước đi cụ thể nhằm xây dựng một nền kinh tế khu vực thống nhất, thông qua các nỗ lực chung để gắn kết các nền kinh tế và thị trường vì mục tiêu tất cả cùng có lợi. Các nhà lãnh đạo APEC nhất trí thúc đẩy các nỗ lực vì “tăng trưởng xanh”, an ninh năng lượng, hợp tác trong lĩnh vực pháp quy và nhiều vấn đề khác. Các nhà lãnh đạo nhất trí sẽ cắt giảm thuế quan đối với các chủng loại hàng hóa thân thiện với môi trường xuống dưới mức 5% trước năm 2015, đồng thời coi việc thúc đẩy tự do hóa thương mại là yếu tố quan trọng đối với tiến trình phục hồi kinh tế toàn cầu. Tuyên bố chung cho rằng “giờ là thời điểm bất ổn” của kinh tế toàn cầu, với việc tăng trưởng và tạo việc làm không chỉ sụt giảm vì cuộc khủng hoảng tài chính của châu Âu, mà còn bởi thiên tai, như thảm họa động đất, sóng thần hồi tháng 3 tại Nhật Bản. Các nhà lãnh đạo APEC cũng cam kết chống chủ nghĩa bảo hộ và đẩy mạnh chuyển đổi sang nền kinh tế sử dụng ít năng lượng các-bon, coi đây là “hướng đi đảm bảo an ninh năng lượng và tạo ra các nguồn lực mới của tăng trưởng kinh tế và việc làm”. |
(TTXVN)
- Thông tin liên quan:
>> Khai mạc Hội nghị thượng đỉnh APEC