Hội nghị Thượng đỉnh An ninh châu Á: Biển Đông cần hòa bình, ổn định

Mỹ - Trung tìm cách giảm khác biệt
Hội nghị Thượng đỉnh An ninh châu Á: Biển Đông cần hòa bình, ổn định

Hội nghị Thượng đỉnh An ninh châu Á hay còn gọi là Hội nghị Shangri-la khai mạc tại Singapore hôm nay và kéo dài đến hết ngày 5-6. Đây được xem là hội nghị an ninh hàng năm lớn nhất thế giới quy tụ các quan chức chính trị và quân sự từ 25 nước khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates phát biểu với báo chí trên máy bay.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates phát biểu với báo chí trên máy bay.

Mỹ - Trung tìm cách giảm khác biệt

Tham dự hội nghị năm nay có 19 Bộ trưởng Quốc phòng, trong đó có Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ và Trung Quốc. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates sẽ mãn nhiệm vào cuối tháng 6, thay thế ông là Giám đốc CIA Leon Panetta. Vì thế, đây là hội nghị an ninh Shangri-la cuối cùng mà ông Gates tham dự.

Phát biểu với các phóng viên trên máy bay khi đang tới Singapore, ông Gates cho biết Mỹ không có ý định “kìm hãm” Trung Quốc. Ông cho rằng quan hệ quân sự Mỹ-Trung gần đây đã được cải thiện, nhất là sau chuyến thăm Mỹ của Tổng Tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc Trần Bỉnh Đức tới Mỹ hồi tháng 5. Tuy nhiên, theo AFP, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ thừa nhận rằng, việc Trung Quốc hiện đại hóa quân đội là “mối quan ngại đối với Mỹ”. “Việc Trung Quốc phát triển các loại tên lửa đạn đạo hành trình tầm xa chính xác dùng để phá hủy tàu chiến, một lực lượng hải quân lớn mạnh, máy bay chiến đấu tàng hình, vũ khí chống vệ tinh và khả năng xâm nhập mạng là mối đe dọa tiềm ẩn với Mỹ”, ông Gates nói.

Tờ New York Times dẫn lời ông Gates: “Tôi nghĩ rằng Trung Quốc đang có ý định xây dựng năng lực quân sự cho phép họ có một sự tự do đáng kể để hành động tại châu Á, đó là cơ hội để họ mở rộng ảnh hưởng của mình”.

Về phía Trung Quốc, theo Straits Times, Phó Tổng Tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc Chương Thấm Sinh cho rằng “Trung Quốc luôn theo đuổi phát triển hòa bình và sự phát triển của Trung Quốc không mang ý nghĩa đe dọa”. Quân đội Trung Quốc hiện đại hóa để “đương đầu với các thách thức trong thời đại thông tin hóa”.

Theo ông John Chipman, Tổng Giám đốc Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS) có trụ sở tại London (đơn vị tổ chức Hội nghị Shangri-la), việc Trung Quốc cử phái đoàn đông đảo tới dự hội nghị lần này cho thấy, Trung Quốc đang tăng cường các cuộc hội đàm đa phương và nhìn nhận rằng quân đội Trung Quốc muốn “làm mềm” hình ảnh của mình sau hàng loạt các vụ việc xảy ra với các nước láng giềng.

Đưa vấn đề biển Đông ra hội nghị

Tạp chí Foreign Policy dẫn lời Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Kurt Campbell: “Mục đích của Mỹ là đảm bảo một sự hiện diện mạnh mẽ không chỉ tại Đông Bắc Á mà còn Đông Nam Á cũng như các nước khác trong khu vực”. Phái đoàn của Mỹ tham dự Hội nghị Shangri-la lần này cũng chuẩn bị cho Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á sắp tới tổ chức tại Bali (Indonesia) mà Mỹ lần đầu tham gia với tư cách thành viên. Ông Campbell nói: “Một trong những việc chúng tôi muốn nhấn mạnh trong mối quan hệ với ASEAN và Diễn đàn Đông Á là Mỹ và Trung Quốc nên làm việc với nhau, chúng tôi muốn chứng tỏ điều đó một cách rõ ràng”.

Vấn đề an ninh biển Đông trở thành một trong những đề tài nóng tại Hội nghị Shangri-la sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Voltaire Gazmin tuyên bố sẽ đưa vấn đề tàu Trung Quốc xâm nhập vùng biển đang tranh chấp trên biển Đông ra hội nghị. Kể từ tháng 3 tới nay, Philippines đã hai lần gửi thư ngoại giao phản đối hành động này của Trung Quốc. Theo Bộ trưởng Quốc phòng Philippines, Philippines chọn cách phản đối đầu tiên qua đường ngoại giao vì nước này không có đủ khả năng để đối đầu bằng vũ lực. “Đó là lý do vì sao chúng tôi theo đuổi chương trình hiện đại và nâng cấp lực lượng hải quân”, ông Gazmin nói trên hãng tin ABS-CBN.

Indonesia và Ấn Độ cũng đã có những nỗ lực ổn định tình hình biển Đông khi tổ chức Hội nghị An ninh biển Đông và ra tuyên bố chung nêu rõ duy trì hòa bình, ổn định ở biển Đông là cần thiết cho toàn bộ khu vực, vì lợi ích ven biển và các nước liên quan. Đây được xem là một trong những nỗ lực của Indonesia khi nước này là đương kim chủ tịch ASEAN.

Theo tờ Wall Street Journal, Indonesia đang làm hết sức mình để tăng cường đối thoại giữa ASEAN với Trung Quốc. Đó cũng là một trong các vấn đề ưu tiên cao trong cuộc họp cấp cao của ASEAN tại Jakarta hồi tháng 5. Tại cuộc họp này, Quy tắc ứng xử trên biển Đông (DOC), được ASEAN và Trung Quốc ký kết năm 2002, sau một thời gian dài đã được đưa trở lại bàn nghị sự.

Khánh Minh

Tin cùng chuyên mục