Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 7 của Tổ chức các nước châu Mỹ (OAS) diễn ra tại Panama vào hai ngày 10 và 11-4 với sự kiện lịch sử trong quan hệ giữa Mỹ và Cuba khi Chủ tịch Cuba Raul Castro và Tổng thống Barack Obama đều tham dự.
Mỹ chuẩn bị đưa Cuba ra khỏi danh sách “đen”
Ngày 10-4, cuộc hội đàm giữa Ngoại trưởng Cuba Bruno Rodriguez và Ngoại trưởng Mỹ John Kerry là cuộc hội đàm cấp cao nhất giữa hai nước kể từ khi Mỹ và Cuba tuyên bố tái thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày 17-12-2014. Theo Reuters, một quan chức Mỹ cho biết hai vị ngoại trưởng đã có cuộc thảo luận dài và mang tính xây dựng. Hai bên đồng ý tiếp tục làm việc để giải quyết các vấn đề nổi bật còn tồn tại giữa hai nước. Cuộc gặp cấp ngoại trưởng hai nước gần nhất là cuộc gặp cách đây 57 năm giữa Ngoại trưởng Mỹ John Foster Dulles và Ngoại trưởng Cuba Gonzalo Guell diễn ra vào ngày 22-9-1958 tại Washington D.C. Dư luận còn trông đợi Mỹ sẽ có thêm các bước đi mạnh mẽ hơn như đưa Cuba ra khỏi danh sách các quốc gia tài trợ khủng bố do Mỹ dựng lên cũng như xóa bỏ cấm vận Cuba. Theo AP, một trợ lý của Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ cho biết Bộ Ngoại giao Mỹ đã khuyến cáo rằng Tổng thống Barack Obama nên đưa Cuba ra khỏi danh sách bảo trợ khủng bố. Tổng thống Barack Obama cũng cho biết Bộ Ngoại giao Mỹ đã hoàn thành việc rà soát các bước để loại bỏ Cuba ra khỏi danh sách.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (phải) và Ngoại trưởng Cuba Bruno Rodriguez gặp song phương tại Panama ngày 10-4. (ảnh: Guardian/Reuters)
Vào ngày 11-4, Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Cuba Raul Castro sẽ cùng dự Hội nghị thượng đỉnh OAS. Theo AP, Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Cuba Raul Castro đã có cuộc điện đàm lần thứ hai trong hơn 50 năm qua để chuẩn bị cuộc gặp gỡ lịch sử giữa hai nhà lãnh đạo tại Hội nghị thượng đỉnh OAS ở Panama. Cuộc điện đàm diễn ra ngay trước khi Tổng thống Barack Obama rời Washington tới Panama tham dự hội nghị. Mặc dù họ không dự định tổ chức một cuộc họp song phương chính thức, song Tổng thống Obama và Chủ tịch Castro có thể có cuộc gặp ngắn bên lề hội nghị.
Cuộc gặp gần nhất cấp cao nhất giữa Cuba và Mỹ là cuộc gặp giữa Phó Tổng thống Mỹ Richard Nixon và Thủ tướng Cuba lúc đó là Fidel Castro vào tháng 4-1959. Đó là chưa kể những lần bắt tay chào nhau giữa Tổng thống Mỹ Bill Clinton và Chủ tịch Cuba Fidel Castro tại trụ sở LHQ năm 2000; giữa Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Raul Castro tại tang lễ của cố Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela tháng 12-2013.
Châu Mỹ bắt đầu hòa nhập?
OAS là tổ chức khu vực lâu đời nhất của thế giới được hình thành tại Hội nghị quốc tế các nước châu Mỹ được tổ chức tại Washington, DC, từ tháng 10 năm 1889 đến tháng tư năm 1890. Tuy nhiên, đến năm 1948, OAS mới chính thức ra đời tại Bogota, Colombia. OAS hiện bao gồm 35 quốc gia thành viên và mục tiêu chính của tổ chức này là đảm bảo các quốc gia thành viên có một trật tự hòa bình và công lý, thúc đẩy tình đoàn kết, tăng cường hợp tác và bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ. Năm 1962, sau khi Mỹ cấm vận Cuba và gây sức ép với các nước còn lại trong OAS, Cuba đã bị đình chỉ tư cách thành viên OAS. Đến ngày 3-6-2009, OAS mới chính thức dỡ bỏ quyết định đình chỉ Cuba tham gia OAS.
Mặc dù vậy, hội nghị thượng đỉnh OAS năm nay chứng kiến một mối quan hệ căng thẳng khác giữa Mỹ và Venezuela. Tại Panama, chủ nhà thượng đỉnh OAS, những người biểu tình chỉ trích Mỹ “dán nhãn” Venezuela là “mối đe dọa đối với an ninh quốc gia Mỹ” và áp đặt lệnh trừng phạt với 7 quan chức Venezuela vì Mỹ cho là vi phạm nhân quyền.
Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro và các đồng minh của ông trong OAS đã đệ trình một kiến nghị lên thượng đỉnh OAS lên án động thái này của Mỹ. Điều này có thể đưa hội nghị thượng đỉnh OAS lần này trở thành hội nghị thượng đỉnh thứ ba liên tiếp kết thúc mà không có tuyên bố chung.
THỤY VŨ (tổng hợp)
|