Đến lúc này, ông Vũ Quốc Việt, nguyên Chánh văn phòng Ban quản lý dự án cầu Mỹ Thuận, chủ căn nhà này, vẫn kiên trì nộp đơn đến cơ quan chức năng để xin cấp sổ đỏ. Trong các dịp đại biểu dân cử tiếp xúc cử tri, ông Việt đều nêu chuyện bức xúc này. Thế nhưng ông vẫn cứ phải chờ.
Ông Việt, cho biết: “Năm 1995, tôi mua một miếng đất diện tích 62m² của ông Nguyễn Mạnh Cường. Đây là một phần trong thửa đất có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 224/GCN-RĐ do mẹ ông Cường là bà Phan Thị Năm đứng tên chủ sở hữu. Năm 1996 bà Năm có đơn xin giao đất cho tôi và chính quyền phường 17 đã xác nhận, chấp thuận, đề nghị UBND quận Gò Vấp giải quyết. UBND quận Gò Vấp đã có tờ trình với UBND TPHCM về việc cấp sổ đỏ cho tôi. Sau đó, trong đợt kê khai đồng loạt năm 1999, UBND phường 17 chứng thực và xác nhận là không có tranh chấp. Nhưng khi hồ sơ chuyển về UBND quận Gò Vấp để làm thủ tục hợp thức hóa thì bị trả hồ sơ. Nguyên nhân là do miếng đất của bà Năm liên quan đến một vụ án dân sự và đang bị ngăn chặn”.
Qua xác minh, mẹ con bà Năm bị ông Võ Văn Thanh kiện đòi nợ số tiền 200 triệu đồng. TAND quận Gò Vấp giải quyết theo Bản án 08/DS-ST ngày 7-1-1997. Mẹ con bà Năm kháng cáo. Trong quá trình thi hành án, năm 2001, Đội Thi hành án dân sự quận Gò Vấp có công văn đề nghị tạm ngưng không giải quyết mọi trường hợp chuyển nhượng, hợp thức hóa quyền sử dụng đất có liên quan đến phần đất thuộc giấy chứng nhận số 224/GCN-RĐ. Như vậy, ông Việt cùng 5 hộ đã mua đất bỗng dưng vạ lây.
Việc giải quyết tranh chấp để cấp sổ đỏ cho các hộ trong hẻm 350/55 đường Lê Đức Thọ đang được các cơ quan thẩm quyền tiếp nhận và xử lý. Viện Kiểm sát nhân dân TPHCM khẳng định lô đất này vẫn thuộc quyền sở hữu của bà Năm, cơ quan thi hành án phải tiến hành kê biên, phát mãi đối với toàn bộ diện tích đất theo nội dung bản án sơ thẩm đã tuyên để đảm bảo thi hành án. Tuy nhiên, việc phát mãi là không có cơ sở. Bởi lẽ, bà Năm đã chuyển nhượng cho 5 hộ dân. Thủ tục cấp sổ đỏ chưa hoàn tất, nhưng việc thanh toán, bồi thường, xin giao đất đã được UBND phường 17 và UBND quận Gò Vấp chấp thuận trước thời điểm có bản án sơ thẩm. Hồ sơ được lập đúng quy định của UBND TPHCM. Đến đầu năm 1997 bà Năm không còn trách nhiệm và quyền quản lý sử dụng đối với phần đất này. Mặt khác, Chi cục Thi hành án dân sự quận Gò Vấp không thể xử lý đối với tài sản nêu trên, bởi lẽ, giá trị tài sản chênh lệch rất lớn so với số tiền phải thi hành án là hơn 200 triệu đồng. Nếu xử lý một phần thửa đất thì đó là phần nào? Việc làm này sẽ rất phiền phức vì các hộ đã nhận chuyển nhượng và đang sinh sống ổn định tại khu đất này. Suốt nhiều năm qua, cuộc gặp gỡ giữa những người mua đất của bà Năm và người được thi hành án, để thỏa thuận việc hỗ trợ thanh toán cho người được thi hành án, vẫn chưa được cơ quan có thẩm quyền tổ chức.