Mô hình nông nghiệp đô thị ở Cuba - Bài 1: Ý tưởng từ cuộc sống

Mô hình nông nghiệp đô thị ở Cuba - Bài 1: Ý tưởng từ cuộc sống

Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng lương thực thế giới đang tác động nghiêm trọng đến đời sống của người dân nhiều quốc gia, rất nhiều con mắt đang đổ dồn về Cuba với sự thán phục. Từ gần 20 năm qua, Cuba đã thực hiện thành công mô hình nông nghiệp đô thị, đảm bảo nguồn cung cấp rau quả ổn định và an toàn cho người dân thành phố.

Máy bay đang bay bị mất động cơ

Mô hình nông nghiệp đô thị ở Cuba - Bài 1: Ý tưởng từ cuộc sống ảnh 1
Một vườn rau trong thành phố Havana

Trước những năm 1990, nền kinh tế Cuba phụ thuộc rất nhiều vào Liên Xô. Nền nông nghiệp của Cuba được xây dựng với một mục tiêu duy nhất là sản xuất càng nhiều cây mía đường càng tốt vì Liên Xô thu mua đường của Cuba với giá cao gấp 5 lần giá thị trường thế giới. Ngoài ra, Liên Xô cũng thu mua 95% lượng chanh và 73% lượng kền (nickel) của Cuba. Đổi lại, Liên Xô cung cấp cho Cuba 63% lượng lương thực nhập khẩu và 90% lượng dầu lửa.
 
Sau khi Liên Xô sụp đổ, các khoản viện trợ và đối tác quan trọng bỗng “biến mất chỉ sau một đêm”. Nền kinh tế và đời sống của nhân dân Cuba bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nhà kinh tế học Cuba Jorge Mario so sánh tình trạng của nền kinh tế Cuba lúc đó giống như “một chiếc máy bay đang bay, bỗng bị mất động cơ”. Nền kinh tế Cuba rơi vào một giai đoạn suy thoái nhanh chóng - thiếu lương thực, năng lượng và một bộ phận người dân dao động về tâm lý.

Cộng với việc bị Mỹ cấm vận, Cuba mất gần hết thị trường và gặp rất nhiều khó khăn trong việc nhập khẩu lương thực. Hơn nữa, do không có sự hoạt động của các máy móc chạy bằng xăng dầu, sản lượng của ngành nông nghiệp nước này giảm nghiêm trọng.

Theo báo cáo của tổ chức Oxfam International, tại thành phố, người Cuba phải xếp hàng suốt đêm tại các cửa hàng bán xăng dầu vốn thường xuyên hết xăng trước khi khách hàng có thể đổ đầy bình. Các tuyến đường gần như không còn sự đi lại của xe cộ. Loại xe đạp “Bồ câu bay” do Trung Quốc sản xuất dần thay thế phương tiện giao thông công cộng và cá nhân. Các cửa hàng lương thực chỉ còn những thùng trống rỗng khi nền nông nghiệp bị đình trệ. Các loại phân bón và thuốc trừ sâu cũng biến mất. Các loại máy cày trở thành di vật của một thời đã cũ. Đối với nhiều người dân Cuba, kiếm miếng ăn trở thành mối quan tâm hàng đầu.

Kết quả ấn tượng

Mất sự hỗ trợ từ bên ngoài, chính quyền Cuba quyết định dựa vào nội lực. Thay vì tổ chức nền kinh tế xoay quanh xuất khẩu các sản phẩm nhiệt đới và nhập khẩu lương thực, Cuba quyết định gia tăng tối đa sản xuất lương thực. Do tình thế, Cuba phải chuyển sang các biện pháp nông nghiệp truyền thống: không có xăng dầu để chạy các loại máy nông nghiệp, nông dân Cuba chuyển sang sử dụng động vật; không có phân bón và thuốc trừ sâu, nông dân Cuba chuyển sang các loại phân trộn tự nhiên và sản xuất các loại thuốc trừ sâu tự nhiên, cũng như sử dụng các loại côn trùng có ích…

Trên thực tế, nền nông nghiệp đô thị của Cuba đã xuất hiện từ hơn 50 năm trước trong các cộng đồng người Hoa di cư. Người Hoa trồng đậu, rau diếp và củ cải để phục vụ cuộc sống hàng ngày. Nhưng hình thức nông nghiệp này đã phai nhạt dần.

Phong trào nông nghiệp đô thị chính thức hiện diện ở Cuba vào năm 1987 tại các căn cứ của Lực lượng vũ trang các mạng (FAR), khi tướng Raul Castro cho các đơn vị quân đội trồng rau quả để bổ sung cho bữa ăn hàng ngày của binh lính.

Một trong những khu đầu tiên mà tướng Raul Castro mở ra là “organoponico” trên đại lộ số 5 và Phố 44 ở Miramar (Havana). Khu trang trại này thuộc quyền sở hữu của một cơ quan chính phủ, được vây quanh bởi toàn nhà ở và văn phòng của các công ty nước ngoài, một ngân hàng Tây Ban Nha và Đại sứ quán Nam Phi.

Mô hình làm nông nghiệp giữa thành phố này đi vào cuộc sống người dân Cuba trong những năm 1990 khi Cuba lâm vào khủng hoảng kinh tế. Đến năm 1994, chương trình nông nghiệp đô thị quốc gia đã được hình thành, hoạt động dưới sự chỉ đạo của Viện Nghiên cứu cơ bản về nông nghiệp nhiệt đới Alejandro Humboldt. Sau đó, 17 tổ chức khác tham gia cùng với sự quản lý của 7 bộ trong Chính phủ Cuba.
 
Đối với Miladis Bouza, 48 tuổi, một cư dân thành phố Havana, cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu đã diễn ra cách đây 2 thập kỷ. Bouza từng là một nhà nghiên cứu trong lĩnh vực sinh học, sống khá thoải mái. Nhưng khi Liên Xô sụp đổ, khoản lương mà Chính phủ Cuba trả cho cô chỉ còn 3 USD/tháng. Bỗng nhiên, việc đến các cửa hàng bán thực phẩm trở thành điều xa xỉ đối với gia đình cô. Vậy là cô rời bỏ công việc của mình và làm theo chương trình mà tướng Raul Castro, khi đó là Bộ trưởng Quốc phòng, phát động.

Miladis Bouza đã đề nghị chính phủ cho cô khai thác một khu đất hoang nhỏ khoảng 500m² gần nhà cô để trồng rau. Bây giờ thì chồng cô trồng cà chua, khoai lang và rau pina, còn Bouza bán rau quả tại một cửa hàng ở một con phố đông đúc. Hiện Miladis Bouza kiếm được từ 100 -250 USD/tháng - nhiều hơn so với lương trung bình mà chính phủ trả cho cán bộ (khoảng 19 USD/tháng).

Chương trình nông nghiệp đô thị của Cuba là một thành công ấn tượng. Các nông trại, trong đó nhiều nông trại nhỏ như của gia đình nhà Bouza, hiện là nguồn cung cấp phần lớn lượng rau cho Cuba. Các nông trại này cũng cung cấp khoảng 300.000 việc làm trên toàn Cuba với lương khá cao và làm thay đổi thói quen ăn uống ở một quốc gia vốn quen với chế độ ăn có gạo và đậu cùng các sản phẩm đóng hộp từ Đông Âu. Theo tổ chức FAO, ngày nay, người Cuba nạp vào cơ thể khoảng 3.547 calo/ngày - hơn cả lượng calo mà chính phủ Mỹ khuyến cáo công dân Mỹ.

Catherine Murphy, một nhà xã hội học đã có hàng chục năm nghiên cứu về các nông trại ở Havana nhận xét: “Đây là một mô hình thú vị nếu xét rằng Cuba là quốc gia có gần 80% dân số sống ở đô thị. Điều này chứng tỏ các thành phố có thể tự sản xuất lương thực mà vẫn đảm bảo các lợi ích xã hội và môi trường” .

Hà Vy (theo AP, CBS)

Kỳ tới
Bài 2: Nghịch lý hay hợp lý?

Tin cùng chuyên mục