Việt Nam, chúng tôi luôn bên bạn - Kỳ 1: Tên anh, tên tôi, Việt Nam, Việt Nam

Nhắc đến câu khẩu hiệu này, người Việt Nam nhớ ngay đến tình cảm của nhân dân Ấn Độ nói chung và nhân dân thành phố Kolkata nói riêng dành cho Việt Nam trong những năm tháng chiến tranh. Kolkata là TP đầu tiên trên thế giới xây Tượng đài Bác Hồ, có đại lộ mang tên Hồ Chí Minh và xuống đường ủng hộ Việt Nam. Phóng viên Báo SGGP đã trao đổi qua thư với một trong những người con của Kolkata, người có một tình yêu Việt Nam đến lạ kỳ. Ông là nhà báo - nhà văn Geetesh Sharma, từng là Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Ấn Độ - Việt Nam bang Tây Bengal.
Việt Nam, chúng tôi luôn bên bạn - Kỳ 1: Tên anh, tên tôi, Việt Nam, Việt Nam

Nhắc đến câu khẩu hiệu này, người Việt Nam nhớ ngay đến tình cảm của nhân dân Ấn Độ nói chung và nhân dân thành phố Kolkata nói riêng dành cho Việt Nam trong những năm tháng chiến tranh. Kolkata là TP đầu tiên trên thế giới xây Tượng đài Bác Hồ, có đại lộ mang tên Hồ Chí Minh và xuống đường ủng hộ Việt Nam. Phóng viên Báo SGGP đã trao đổi qua thư với một trong những người con của Kolkata, người có một tình yêu Việt Nam đến lạ kỳ. Ông là nhà báo - nhà văn Geetesh Sharma, từng là Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Ấn Độ - Việt Nam bang Tây Bengal.

Người bạn lớn

Ông Geetesh Sharma

Ông Geetesh Sharma

Năm 2004, ông Geetesh Sharma khi ấy là Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Ấn Độ - Việt Nam, đã cho ra mắt cuốn sách có tên “Các mối quan hệ Ấn Độ - Việt Nam thế kỷ thứ 1 đến thế kỷ thứ 21”. Theo như tên gọi, cuốn sách dài 12 chương này có nội dung đi dọc lịch sử của mối quan hệ Việt - Ấn, thông qua các nhân vật lừng danh của hai nước và của cả thế giới như Tagore, Mahatma Gandhi, Hồ Chí Minh, Jawaharlal Nehru.

Ông Geetesh Sharma sinh năm 1932 trong một gia đình nghèo ở một vùng quê hẻo lánh của Ấn Độ. Ông từng là chủ bút của rất nhiều tờ báo khác nhau tại Ấn Độ, viết nhiều tập sách chuyên khảo khác nhau. Nhưng theo ông, tập sách nghiên cứu về mối quan hệ giữa Việt Nam và Ấn Độ là công trình ông dành tất cả tâm huyết để đầu tư thu thập tư liệu.

Đã nhiều lần ông tự dùng kinh phí cá nhân đến Việt Nam thu thập tư liệu để viết ra 116 trang sách nhưng không phải là những bài giáo khoa lịch sử mà là tập hợp những tư liệu sống khiến thanh niên hai nước hôm nay có thể đọc, hiểu và chia sẻ mối quan hệ lâu đời và khắng khít của 2 nước. Ông luôn xuất hiện với phong cách giản dị, hiền lành và gần gũi. Đằng sau sự khiêm tốn ấy là tình yêu mãnh liệt mà ông dành cho người dân Việt Nam. Ông đã gắn một phần cuộc sống của mình với những phong trào đấu tranh đòi hòa bình, dân chủ cho nhân dân Việt Nam trong thời chiến, luôn quay quắt với khát vọng nối liền hai quốc gia trong nhiều lĩnh vực.

Ông đã khiêm tốn cho rằng: “Trong quá trình đi sưu tầm tài liệu, tôi đã được rất nhiều người bạn giúp đỡ. Tôi đã mua nhiều sách ở TPHCM, Hà Nội, sách về văn hóa dân gian, về các nhân vật trong lịch sử Ấn Độ... nhưng tôi như một người biên soạn lại chứ không phải là một nhà văn”.

Sách có một số trường đoạn thú vị như việc Bác Hồ đi bộ đến văn phòng của Đảng Cộng sản Ấn Độ ở Kolkata mà không báo trước, cuộc gặp gỡ giữa Bác và nữ thi sĩ Amrita Pritam... Sách còn có một số chương riêng về sự ủng hộ của sinh viên và thanh niên Kolkata cho cuộc chiến đấu của nhân dân Việt Nam; vì sao người dân Ấn Độ đổ máu phản đối cuộc chiến Việt Nam; vì sao thanh niên Ấn Độ không cho phép máy bay chở những nhân vật quan trọng đến Ấn Độ hạ cánh... và buổi lễ trao bằng tốt nghiệp của Đại học Kolkata cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã diễn ra thế nào... Tất cả được tập hợp một cách đầy đủ, sinh động, giàu hình ảnh và màu sắc như chính những sử thi huyền thoại của Ấn Độ và kho tàng văn hóa dân gian Việt Nam.

Tình hữu nghị đỏ

Bức tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh tại thành phố Kolkata.

Bức tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh tại thành phố Kolkata.

Trong bức thư gửi Báo SGGP nhân dịp kỷ niệm 35 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, ông Geetesh Sharma đã một lần nữa thổ lộ hết tâm tư và tình cảm của mình, chia sẻ một tình cảm thiêng liêng mà ông và người dân Ấn Độ dành cho Việt Nam.

Ông viết: “Với chúng tôi, những người dân Ấn Độ, cụm từ “dân tộc Việt Nam” hay “Hồ Chí Minh” là tên gọi thân thuộc, thân thiết và gắn bó không khác gì ruột thịt của mình. Đặc biệt hơn cả là với người dân tại Kolkata trong giai đoạn 1945-1975. Đó là giai đoạn mà cả dân tộc Việt Nam dồn hết tâm sức cho cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ và phát xít Nhật đầy cam go, khó khăn, gian khổ. Trong suốt giai đoạn dầu sôi lửa bỏng của 30 năm kháng chiến cứu nước vĩ đại ấy của người anh em Việt Nam, nhân dân Ấn Độ nói chung và người dân ở khu vực bang Tây Bengal đã một lòng một dạ đoàn kết trong phong trào phản chiến tại Việt Nam, ủng hộ dân tộc Việt Nam anh hùng, ái quốc”.

Kolkata (mà trước đây từ thời thuộc Anh thường được gọi là Calcutta) là thủ phủ của bang Tây Bengal (West Bengal), một hải cảng lớn, có tới hơn 12 triệu dân. Với người Việt Nam, Kolkata là một địa danh rất đỗi quen thuộc, bởi đó là nơi Bác Hồ đã nhiều lần ghé thăm. Khi còn là anh “Văn Ba” làm công trên chiếc tàu buôn La Touche de Tréville để đi tìm đường cứu nước, Bác đã đến cảng Kolkata.

Yêu Việt Nam đến vậy, vào năm 1947, người dân Kolkata đã chọn ngày 19-1 là Ngày Việt Nam tại đây và 2 ngày sau đó, tức ngày 21-1, hàng ngàn sinh viên đã xuống đường biểu tình, phản đối quân Anh, ủng hộ chính phủ Việt Nam. Câu khẩu hiệu được những người biểu tình hô to lúc bấy giờ là: “Tên tôi, tên anh, Việt Nam, Việt Nam”. Rất nhiều câu hát, bài thơ phản chiến đã ra đời từ đó, gắn liền với khẩu hiệu quen thuộc này. Trong không khi hừng hực nhiệt huyết lúc bấy giờ, tinh thần đoàn kết, gắn bó của Việt Nam và Ấn Độ lại càng được thắt chặt. Cảnh binh Anh đã nổ súng bắn chết 2 sinh viên Kolkata ngay tại đường phố và ngày nay, người Kolkata hết sức tự hào, gọi đó là “Tình hữu nghị đỏ” - tình hữu nghị được ghi bằng máu giữa hai dân tộc Việt Nam - Ấn Độ.

Cũng trong năm 1947, một chiếc máy bay chiến đấu của Pháp hạ cánh tại sân bay Dum Dum để tiếp nhiên liệu chuẩn bị cho chuyến bay đến Việt Nam. Người dân Kolkata đã một mực phản đối hành động này và Thủ tướng Ấn Độ lúc bấy giờ là ông Jawaharlal Nehru đã tuyên bố chiếc máy bay này đã hạ cánh mà không có sự đồng ý của Chính phủ Ấn Độ và vì thế Chính phủ Ấn Độ sẽ không trợ cấp nhiên liệu cho những máy bay chiến đấu khác của Pháp về sau.

Một câu chuyện khác cho thấy tình yêu mà người dân Kolkata dành cho Việt Nam. Vị Phó Hiệu trưởng của Trường Đại học Kolkata lúc bấy giờ đã mời McNamara (cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, kiến trúc sư của cuộc chiến tranh Việt Nam) đến thăm. Người dân tại Kolkata và sinh viên của trường Kolkata đã thể hiện thái độ phản đối của mình, nỗ lực ngăn chặn không cho McNamara đi qua những con đường lớn để đến được Đại học Kolkata. Và thế là kế hoạch đến thăm trường đại học này phải bị hủy bỏ. Còn cán bộ và người dân TP cảng Kolkata hiện nay luôn tự hào với những cái “đầu tiên” của TP mình: TP đầu tiên trên thế giới có cuộc biểu tình ủng hộ Việt Nam, TP đầu tiên có “Đại lộ Hồ Chí Minh”, nơi đầu tiên trên thế giới dựng tượng đài Bác Hồ bằng đồng.

“Tôi không muốn giới thiệu tôi là khách quý vì tôi là người anh em của các bạn. Việt Nam là ngôi nhà thứ hai của tôi và là gia đình ruột thịt của tôi. Tôi muốn giới thiệu tôi là người nhà của các bạn. Không chỉ riêng tôi, mà ở Ấn Độ, hai tiếng Việt Nam rất thân quen và gần gũi với người Ấn Độ” - ông Geetesh Sharma đã từng chia sẻ trong một bài phỏng vấn trên Báo SGGP tháng 12-2004.

Năm 1968, khi nghe tin Việt Nam mở cuộc Tổng tiến công Tết Mậu Thân, Hội đồng TP Kolkata đã họp đột xuất và quyết định đặt tên một đại lộ của TP là “Đại lộ Hồ Chí Minh” (Ho Chi Minh Sarani, theo tiếng Bengali). Điều thú vị là lãnh đạo TP Kolkata đã đặt tên đúng vào con đường có tòa Tổng Lãnh sự của Mỹ, mà mãi sau này, các đồng chí lãnh đạo TP còn kể lại: “Chúng tôi bắt đế quốc Mỹ phải hàng ngày đi theo con đường Hồ Chí Minh”. Cũng chỉ sau đó hơn một năm, tòa Tổng Lãnh sự Mỹ đã phải... dọn sang nơi khác, bởi không thể cứ phải ghi trên địa chỉ chính thức “Tổng Lãnh sự quán Mỹ, số... đại lộ Hồ Chí Minh, Kolkata, Ấn Độ”.

Năm 1990, kỷ niệm 100 năm ngày sinh Bác Hồ, với sự thỏa thuận của hai Chính phủ Việt Nam - Ấn Độ, chính quyền bang Tây Bengal đã quyết định dựng tượng Bác Hồ bằng đồng ở một công viên tại trung tâm TP. Công viên được chọn nằm ngay ở nơi giao tiếp giữa đại lộ Hồ Chí Minh với đại lộ Jawaharlan Nehru. Lãnh đạo Kolkata còn mời một họa sĩ và một nhà điêu khắc Việt Nam sang tận nơi khảo sát trước cảnh quan. Đích thân Bộ trưởng Bộ Văn hóa Bhudadev Battacharya (hiện nay là Thủ hiến bang Tây Bengal) thường xuyên quan tâm, chỉ đạo công việc.

Trong bức thư gửi chúng tôi, ông Geetesh Sharma viết: “Hôm nay, ngồi viết những dòng này, những sự kiện cũ lại hiện về quá rõ trong tôi. Tôi đã vinh dự là một trong những người có cơ hội chứng kiến một vĩ nhân của thế kỷ thứ 20, đó chính là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tôi luôn ấp ủ những điều quý giá này bên mình, những khoảnh khắc lịch sử quý báu để nhắc tôi rằng luôn có một tình yêu lớn lao mà nhân dân Ấn Độ dành cho người anh em Việt Nam của mình. Đó là điều không bao giờ thay đổi”.

Kỳ 2: Ký ức về những ngày phản chiến.

NHÓM PV QUỐC TẾ

Tin cùng chuyên mục