Triều Tiên trong vòng vây cấm vận

Đối với thế giới, Triều Tiên luôn là một quốc gia bí ẩn. Triều Tiên xoay xở ra sao sau hàng loạt lệnh cấm vận vẫn luôn là câu hỏi  thu hút sự tò mò của dư luận.
Triều Tiên trong vòng vây cấm vận

Đối với thế giới, Triều Tiên luôn là một quốc gia bí ẩn. Triều Tiên xoay xở ra sao sau hàng loạt lệnh cấm vận vẫn luôn là câu hỏi  thu hút sự tò mò của dư luận.

Tự cung tự cấp

Theo hãng tin KCNA, dù cho có lệnh cấm vận thì nền tảng của nền kinh tế trên tư tưởng Juche (dựa trên các điểm chính là tự cung tự cấp) ở Triều Tiên vẫn tiếp tục được củng cố và hệ thống phòng thủ hạt nhân để bảo vệ chủ quyền quốc gia vẫn được phát triển từng ngày. Từ khi lên nắm quyền, nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã có một số thay đổi để phục hồi và phát triển kinh tế đất nước. Cục diện kinh tế Triều Tiên vài năm gần đây có dấu hiệu cải thiện, xã hội có xu hướng ổn định. Về vấn đề cung ứng thực phẩm, sau khi Triều Tiên nỗ lực mở rộng một số công nghệ mới trong lĩnh vực nông nghiệp, nguồn cung cấp phân hóa học có nhiều cải tiến, tiếp tục thực hiện chính sách khoán hộ trong nông nghiệp, từ năm 2010 trở đi, dưới sự viện trợ không nhiều của cộng đồng quốc tế, về cơ bản sản lượng lương thực của Triều Tiên cũng đáp ứng được nhu cầu của người dân trong nước. Theo Reuters, chính sách khoán hộ mới khuyến khích các hộ gia đình sản xuất theo quy mô nhỏ nhưng chất lượng cao, vừa đảm bảo nhu cầu thực phẩm hàng ngày vừa có thể tự bán ra ngoài thị trường dù sản phẩm chỉ là chút nông sản thu hoạch trong vụ mùa. Chính phủ Triều Tiên cũng đã lên kế hoạch tiếp tục phát triển nông nghiệp xanh và ứng dụng cây trồng nuôi theo công nghệ nhà kính.  

Tuy nhiên, trong bản báo cáo vừa công bố của Liên hiệp quốc, sản lượng lương thực của Triều Tiên trong năm 2016 sẽ có sự sụt giảm do tình hình thời tiết khô hạn ảnh hưởng từ El Nino, lượng nước mưa thiếu hụt, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các vụ mùa thu hoạch. Cũng do khô hạn, thiếu nước, nên việc sản sinh nguồn điện từ các đập thủy điện  ngày càng khó khăn. Trong năm 2015, Bình Nhưỡng đã có những lần cắt điện từ 8 - 9 giờ/ngày, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất. Nhiều bệnh viện buộc phải tạm ngừng hoạt động vì không thể vận hành máy móc chẩn đoán bệnh và  phẫu thuật.

Công trình hạ tầng tại Bình Nhưỡng

Ở thành thị đã xuất hiện một tầng lớp thượng lưu. Tại  Bình Nhưỡng, hiện nay có khoảng 1 triệu người được hưởng cuộc sống khá giả hơn hẳn so với mặt bằng chung. Mấy năm gần đây, Triều Tiên đã phát triển cả về cơ sở vật chất giao thông lẫn số lượng các phương tiện tham gia. Một nền văn hóa xe hơi cũng hình thành. Khoảng phân nửa xe đang lưu thông ở nước này được sản xuất từ những năm 50 tới những năm 70, số còn lại là xe mới nhập khẩu và xe sản xuất trong nước. Do không có trạm xăng dầu nên ô tô phải sử dụng nhiên liệu thay thế là gỗ và than. Tại những trung tâm thương mại ở Bình Nhưỡng vẫn có thể tìm thấy một chai Remy Martin niêm yết mức giá 600USD hay những nhãn hiệu mỹ phẩm danh tiếng, đồng hồ cao cấp, trang sức, nước hoa ngoại, TV màn hình phẳng, loa, máy ảnh kỹ thuật số và các thiết bị điện tử.

Vẫn kết nối với bên ngoài

Lý giải về sự xuất hiện của những mặt hàng xa xỉ tại Bình Nhưỡng dù nước này bị cấm vận, ông Jonathan Pollack, chuyên gia cấp cao từ Viện Nghiên cứu Brookings (Mỹ), cho biết là do Triều Tiên vẫn kết nối với nền kinh tế thế giới thông qua Trung Quốc. Bắt đầu từ năm 1991 đến nay, Trung Quốc trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Triều Tiên, kim ngạch trao đổi thương mại Trung-Triều vài năm gần đây chiếm khoảng 2/3 tổng kim ngạch thương mại của Triều Tiên. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Trung Quốc, năm 2015, kim ngạch thương mại song phương của Trung Quốc với Triều Tiên đạt hơn 5 tỷ USD. Kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc sang Triều Tiên đạt 2,9 tỷ USD, kim ngạch Triều Tiên xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 2,5 tỷ  USD. Cộng với kim ngạch xuất nhập khẩu của Hàn Quốc và Triều Tiên năm 2015 đạt khoảng 8-9 tỷ USD. Theo dự đoán của Tổng cục Thống kê Hàn Quốc, năm 2015, tổng thu nhập quốc gia (GNI) của Triều Tiên đạt khoảng 30 tỷ USD. Dựa vào kết quả này có thể thấy, mặc dù đóng cửa, nhưng tỷ lệ của thương mại trong nền kinh tế quốc dân không quá thấp, đạt khoảng 27% - 30%.

Mua sắm tại một siêu thị ở Bình Nhưỡng

Do hoạt động thương mại vẫn diễn ra với các đối tác nên Triều Tiên có được nguồn tiền để phát triển các chương trình hạt nhân, tên lửa và không gian. Theo ông Pollack, dù sự kết nối này không đủ mạnh để thay đổi nền kinh tế Triều Tiên, nó vẫn giúp nước này tồn tại và giúp lãnh đạo cấp cao củng cố quyền lực. Do chiếm vai trò lớn trong nền kinh tế Triều Tiên nên Trung Quốc đóng vai trò then chốt cho bất cứ thay đổi đáng kể nào trong thái độ của Triều Tiên.  Kinh nghiệm trước đây cho thấy, việc Trung Quốc đồng ý với các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc không có nghĩa là các biện pháp trong đó sẽ được triển khai. Trung Quốc lo ngại về khả năng xảy ra cuộc khủng hoảng tị nạn nếu Triều Tiên sụp đổ. Các vùng biên giới Đông Bắc lạc hậu về kinh tế của Trung Quốc trong những năm gần đây đang có quan hệ đầu tư và thương mại sâu sắc hơn với Triều Tiên. Các loại hàng hóa được trao đổi theo quy tắc thị trường và chính quyền các địa phương cũng đầu tư khá nhiều vào cơ sở hạ tầng xuyên biên giới. Dù ngày càng chỉ trích nặng nề hơn các chương trình hạt nhân và tên lửa của đồng minh Triều Tiên, Trung Quốc vẫn coi trọng sự ổn định trên bán đảo Triều Tiên. Tuy nhiên, trong thái độ mới nhất, Trung Quốc đã có những động thái nghiêm khắc hơn nhằm ủng hộ nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc.

Sau khi Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc thông qua Nghị quyết 2270 gia tăng trừng phạt Triều Tiên,  một số ngân hàng lớn của Trung Quốc, bao gồm Ngân hàng Trung Quốc (Bank of China), Ngân hàng Xây dựng, Ngân hàng Công thương và Ngân hàng Nông nghiệp đã tiến hành đóng băng các tài khoản của Triều Tiên. Bên cạnh đó, các hoạt động gửi tiền bằng tiền mặt và các dịch vụ chuyển tiền vào tài khoản thuộc sở hữu của các cá nhân và tập thể Triều Tiên cũng bị đình chỉ. Đây được cho là một động thái nhằm tăng áp lực lên Bình Nhưỡng kể từ sau khi Triều Tiên tiến hành cuộc thử nghiệm bom hạt nhân thứ tư vào ngày 6-1 vừa qua. Chính phủ Trung Quốc đã chuyển cho văn phòng nhập cư danh sách 16 người Triều Tiên bị cấm nhập cảnh vào Trung Quốc. Văn phòng hải quan tại các sân bay của Trung Quốc cũng được lệnh kiểm tra tất cả các hàng hóa vận chuyển qua Air Koryo, hãng hàng không hàng đầu của Triều Tiên.

THANH HẰNG

Tin cùng chuyên mục