Trung Quốc đau đầu vì nợ

“Dự báo năm 2016, kinh tế Trung Quốc tiếp tục là tâm điểm của kinh tế thế giới về những nguy cơ tụt dốc và bất ổn lớn. Chủ đề về sự suy thoái của nền kinh tế Trung Quốc đã được nhắc đến trong vài năm gần đây trước khi nó thực sự đang xảy ra”. Tờ Malaysia Chronicle số ra ngày 18-5 đã nhận định như vậy và cho rằng trung tâm cuộc khủng hoảng kinh tế của Trung Quốc là sự tích lũy nợ của nước này.
Trung Quốc đau đầu vì nợ

“Dự báo năm 2016, kinh tế Trung Quốc tiếp tục là tâm điểm của kinh tế thế giới về những nguy cơ tụt dốc và bất ổn lớn. Chủ đề về sự suy thoái của nền kinh tế Trung Quốc đã được nhắc đến trong vài năm gần đây trước khi nó thực sự đang xảy ra”. Tờ Malaysia Chronicle số ra ngày 18-5 đã nhận định như vậy và cho rằng trung tâm cuộc khủng hoảng kinh tế của Trung Quốc là sự tích lũy nợ của nước này.

Nợ công và nợ xấu

Mặc dù Chính phủ Trung Quốc mới tháng trước công bố rằng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này đã khởi sắc với tăng trưởng 6,7% trong quý 1, nằm trong mức mục tiêu 6,5% - 7% đã đề ra cho cả năm 2016, nhưng theo China Daily ngày 10-5, Trung Quốc phải kìm hãm tốc độ tăng trưởng tín dụng nhằm tránh một cuộc khủng hoảng hệ thống tài chính, trong bối cảnh nước này đang phải đối mặt với tình trạng nợ xấu tăng cao và nhiều rủi ro khác. Các nỗ lực giải quyết tình trạng suy giảm tăng trưởng trong quý 1 năm 2016, đạt mức 6,7%, phần lớn đều nhờ hoạt động đầu tư. Việc này khiến một số chính quyền địa phương chịu sức ép lớn hơn về tài chính.

Rất nhiều thị trấn ''ma'' đang tồn tại ở Trung Quốc

Không chỉ là nợ xấu. Nếu như cả châu Âu phải gồng mình với món nợ công của Hy Lạp thì chỉ riêng một công ty nhà nước của Trung Quốc đã nợ đến 614 tỷ USD - gần gấp đôi món nợ của cả nước Hy Lạp. China Daily cũng cảnh báo rằng, sau khi “mở van” cho việc cung cấp tín dụng kích thích tăng trưởng kinh tế, Trung Quốc giờ đây phải giới hạn mức nợ công của mình nhằm ngăn chặn các khoản nợ khó đòi và tránh khủng hoảng tài chính. Tổng số nợ trung bình các nước mới nổi là 175% GDP. Vượt qua ngưỡng này có nghĩa là đã gặp rắc rối và rõ ràng nợ của Trung Quốc đã vượt ra phạm vi an toàn. Theo đánh giá của Bloomberg Intelligence, nợ công của Trung Quốc tổng cộng lên đến gần 250% GDP, và các ngân hàng đang ghi nhận một đà tăng nhanh chóng của những khoản tín dụng khó đòi.

Hiện nay, nợ nần của Trung Quốc tăng nhanh hơn tăng trưởng kinh tế. Báo Le Monde cho biết trong vòng 7 năm qua, nợ công Trung Quốc đã tăng lên gấp 4 lần, chủ yếu do cơn sốt xây dựng tại nhiều thành phố. Một số nhà kinh tế cho rằng đến năm 2020, tổng nợ công Trung Quốc sẽ lên đến 300% GDP, và như thế đừng mơ đến tăng trưởng. Nếu như trước đó, trong cơ cấu nợ của Trung Quốc, nợ công chính phủ tăng nhanh, từ mức 25% GDP năm 2000 lên 42% GDP năm 2007 và đến 55% GDP năm 2014 (số liệu của McKinsey Global), thì nguyên nhân tăng vọt nợ công trong vài năm qua là cơn sốt xây dựng tại Trung Quốc. Theo Tân Hoa Xã, thủ phủ của mỗi tỉnh đều cho xây dựng thêm bốn hay năm khu phố hoàn toàn mới. Tổng cộng trên toàn quốc hiện có khoảng 50 thành phố ma.

Kinh tế Trung Quốc tiếp tục gặp khó khi Mỹ nâng thuế nhập khẩu đối với các nhà sản xuất thép Trung Quốc hơn 5 lần sau khi cáo buộc họ bán dưới giá thị trường

Nỗi lo của thế giới

Ngoài vấn đề nợ xấu tăng nhanh, bong bóng bất động sản, hệ thống tài chính ốm yếu…, Trung Quốc hiện đang đối mặt với nhiều vấn đề kinh tế nan giải, trong đó là nền sản xuất dư thừa công suất. Với 546 phiếu thuận và chỉ 28 phiếu chống, việc Nghị viện châu Âu (EP), ngày 12-5, thông qua nghị quyết bác bỏ việc trao quy chế nền kinh tế thị trường cho Trung Quốc được xem như một cú sốc đối với Bắc Kinh. Đây là kết quả ngoài mong đợi của Trung Quốc khi mà nước này hy vọng sẽ được Liên minh châu Âu (EU) chính thức trao quy chế nền kinh tế thị trường vào cuối năm nay. Nghị quyết nêu rõ năng lực sản xuất dư thừa và xuất khẩu các mặt hàng giá rẻ của Trung Quốc đang gây ra “những hậu quả nghiêm trọng đối với môi trường, tình hình kinh tế - xã hội” cho EU.

Theo chuyên gia Vincent Chan của Crédit Suisse, trước mắt, tài chính Trung Quốc còn khá vững chắc với 3.210 tỷ USD dự trữ. Nhưng số tiền này đã bị hao hụt mất 800 tỷ USD từ năm 2014 do cố cứu đồng NDT. Nhịp độ và chiều sâu của việc cải tổ các doanh nghiệp nhà nước có lẽ không đủ để làm giảm rủi ro của sự tăng trưởng nhờ vay mượn.

Theo Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), Trung Quốc vẫn chưa khắc phục nổi hậu quả của nạn vung tay quá trán, đồng thời đang phải chuyển đổi mô hình. Kinh nghiệm cho thấy tăng trưởng kinh tế sẽ ngừng lại, một khi tổng nợ của nền kinh tế tăng đến 28.000 tỷ USD, gấp 3 lần GDP một năm của nước này và gần bằng một nửa tổng nợ toàn cầu. Theo CNN mới đây, trong năm 2015, lượng vốn tháo chạy khỏi Trung Quốc lên đến 676 tỷ USD.

Theo các chuyên gia, một cuộc khủng hoảng hệ thống tài chính có thể nổ ra nếu thiếu các biện pháp kiểm soát hiệu quả. Trong bối cảnh Trung Quốc đang chuyển đổi từ nền kinh tế định hướng xuất khẩu và đầu tư sang nền kinh tế phụ thuộc nhiều hơn vào chi tiêu tiêu dùng, tiến hành cải tổ các doanh nghiệp nhà nước trì trệ và làm ăn thua lỗ, các nhà phân tích nhận định rằng đây có thể là tín hiệu cho thấy Bắc Kinh sẽ kiểm soát các nỗ lực kích thích tiền tệ, không cần có thêm biện pháp kích thích để thúc đẩy tăng trưởng…

Cũng trong thời gian gần đây, sự suy thoái của nền kinh tế đã gây nên một sự bùng nổ các cuộc phản đối và đình công của công nhân trên toàn quốc. Giới chuyên gia cảnh báo Bắc Kinh đối mặt rủi ro ngày càng lớn nếu không hành động để giải quyết triệt để những vấn đề đã bám rễ sâu trong nền kinh tế. Theo Malaysia Chronicle, nếu quả bom nợ tại Trung Quốc phát nổ thì cuộc khủng hoảng này sẽ lớn gấp 5 lần vụ vỡ bong bóng bất động sản ở Mỹ năm 2007. Điều này cũng có nghĩa là một khi khủng hoảng nợ Trung Quốc bùng nổ, thiệt hại sẽ cao hơn gấp 400 lần so với cuộc khủng hoảng tài chính ở Mỹ năm 2008.

HẠNH CHI (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục