Hùng Vương mở rộng lĩnh vực sản xuất kinh doanh

Hùng Vương mở rộng lĩnh vực sản xuất kinh doanh

Công ty Cổ phần Hùng Vương (HV) vừa công bố thông tin chính thức mở rộng lĩnh vực sản xuất kinh doanh thêm mảng phát triển hệ thống nuôi heo khép kín từ con giống, sản xuất thức ăn, hệ thống trang trại, bao tiêu sản phẩm đến từ người chăn nuôi. Động thái đa dạng hóa sản phẩm này được Hùng Vương khởi động trước thềm hội nhập TPP. Giải thích lý do đầu tư trong thời điểm ngành chăn nuôi chịu sức ép cạnh tranh rất lớn khi Việt Nam tham gia TPP, ông Dương Ngọc Minh - Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc công ty Hùng Vương cho rằng, nếu đầu tư bài bản và giá thành thấp hơn thì không có gì phải lo ngại.

Sau khi “lấn sân” sang con tôm, giờ đây Hùng Vương tiếp tục “lấn sân” sang lĩnh vực nông nghiệp. Trong ảnh: ông Minh đang kiểm tra vùng nuôi tôm bố mẹ tại Ninh Thuận.
Ảnh HỒNG MINH

Theo ông Dương Ngọc Minh, trong kinh doanh, thử nghiệm phải là quá trình trước khi đầu tư. “Khi chúng tôi tuyên bố đầu tư có nghĩa là hàng loạt trải nghiệm đã diễn ra trước đó. Không hề táo bạo bởi vì từ việc nuôi cá nay đầu tư thêm chuồng trại để nuôi heo vẫn là sự tương hỗ khép kín theo mô hình truyền thống vườn - ao - chuồng. Với Hùng Vương, sự khác biệt ở đây là dây chuyền hiện đại khép kín và quy mô công nghiệp. Và việc đầu tư vào chăn nuôi không phải là vấn đề mới của Hùng Vương. Công ty từ lâu đã đi từ các sản phẩm nông nghiệp. Trong thời gian qua, chúng tôi đã làm xong nhiệm vụ phát triển thị trường, đã quản lý được chất lượng, quản lý được đầu ra cho sản phẩm. Đó là cơ sở để chúng tôi tự tin khai phá lĩnh vực đầu tư này”.

Dự án nuôi heo có tổng vốn đầu tư 2.000 tỷ đồng, bao gồm việc xây dựng hai nhà máy thức ăn gia súc, gia cầm (tại Long An và Bình Định); hệ thống trang trại có quy mô 2.380 con heo giống cụ kỵ (tại Long An, An Giang, Bến Tre, Bình Định); nhà máy sản xuất PRemix, thuốc thú y cùng các khâu hậu cần, logistics đi kèm.

Dự án sẽ nhập trọn gói từ 4 đối tác của Đan Mạch, trong đó tập đoàn sản xuất heo giống nổi tiếng Danbred International sẽ cung cấp đàn heo giống cụ kỵ. Tập đoàn Skiold nổi tiếng trong lĩnh vực cơ khí “bao” phần thiết kế, hệ thống thiết bị chuồng trại. Tập đoàn Andritz cung cấp dây chuyền, công nghệ cho hai nhà máy thức ăn. Tập đoàn Vilomix đứng thứ 4 châu Âu về giải pháp dinh dưỡng trong chăn nuôi heo sẽ giúp xây dựng nhà máy sản xuất PRemix, thuốc thú y.

Ngoài việc cung cấp hậu cần phục vụ dự án, các đối tác Đan Mạch cũng cam kết đồng hành với Hùng Vương chuyển giao trọn gói quy trình kỹ thuật cũng như các giải pháp chăn nuôi nhằm hướng đến mục tiêu đạt năng suất, chất lượng, đảm bảo tính cạnh tranh cao nhất cho sản phẩm.

Được biết, dự án này còn được Chính phủ, Bộ Nông nghiệp Đan Mạch cam kết hỗ trợ tích cực về mặt pháp lý để các tập đoàn nói trên có thể chuyển giao công nghệ chăn nuôi heo cho Hùng Vương nhằm đạt kết quả tốt nhất.

Đầu tư trong thời điểm ngành chăn nuôi chịu sức ép cạnh tranh rất lớn khi Việt Nam tham gia TPP, nếu chăn nuôi được đầu tư bài bản trên quy mô lớn theo quy trình khép kín, áp dụng kỹ thuật, trang thiết bị công nghệ tiên tiến thì hoàn toàn có thể có giá thành, chất lượng tương đương với các nước phát triển ở châu Âu và Mỹ. Do đó, Hùng Vương nghiên cứu kỹ lợi thế cũng như khó khăn trước khi chọn các đối tác có bề dày kinh nghiệm chăn nuôi heo ở Đan Mạch để chuyển giao quy trình.

Mặc dù áp lực cạnh tranh thịt heo ngoại rất lớn khi Việt Nam tham gia TPP nhưng HV xác định dự án đầu tư này sẽ có hướng đi riêng, cạnh tranh bằng con giống tốt, công nghệ sản xuất thức ăn hiện đại, công nghệ chăn nuôi, các giải pháp dinh dưỡng, quy trình khép kín, quy mô đầu tư và đơn giá lao động thấp. “Trên nền tảng khép kín, chúng tôi khẳng định thịt heo của Hùng Vương sẽ được truy xuất nguồn gốc, kiểm soát an toàn đến người dùng, có giá cạnh tranh hợp lý”.

Dự kiến, Hùng Vương sẽ triển khai xây dựng đồng loạt trang trại nuôi heo vào cuối năm nay. Hai nhà máy thức ăn có sản phẩm ra thị trường vào tháng 9/2016. Mục tiêu đến đầu 2017 có sản phẩm thịt heo thương hiệu Hùng Vương ra thị trường. Hùng Vương cũng đặt kế hoạch đến 2018 có 100.000 con heo bố mẹ, nhân đàn ra khoảng 3 triệu con heo thương phẩm. Riêng sản lượng thức ăn gia súc sẽ đạt 1,5 triệu tấn, góp phần nâng tổng sản lượng thức ăn của tập đoàn lên 3 triệu tấn.

“Nếu đầu tư bài bản và giá thành thấp hơn thì không có gì phải lo ngại. Chúng ta có lợi thế, và các hiệp định - bao gồm TPP, cũng vậy. Nhiều người cho rằng ngành chăn nuôi sẽ tổn thương nhưng tôi không nghĩ vậy. Sự tổn thương chỉ đến với các doanh nghiệp nhỏ lẻ làm ăn thiếu bài bản, không có quy trình khép kín, giá thành cao so với đối thủ cạnh tranh. 

Hùng Vương mở rộng lĩnh vực sản xuất kinh doanh ảnh 2

“Mục tiêu lớn của Hùng Vương là sẽ trở thành một trong những doanh nghiệp có thị phần lớn nhất trong lĩnh vực nông nghiệp”

Việt Nam là nước nông nghiệp, chúng ta có sẵn nguồn nguyên liệu trong nước khá dồi dào như cám gạo, khoai mì, bắp và một phần từ nhập khẩu. Bên cạnh đó, chúng ta còn có thị trường tiêu thụ khổng lồ với hơn 90 triệu dân trong nước; tổng cộng hơn 600 triệu dân ở khu vực Asean và thị trường Trung Quốc ngay sát sườn, cùng những hiệp định thương mại tự do trong khu vực với nhiều lợi thế. Trong bối cảnh cạnh tranh hiện nay, đầu tư vào nông nghiệp nếu đi đúng hướng, tôi cho rằng chúng ta vẫn có cơ hội chiến thắng trên thị trường toàn cầu. Còn với Hùng Vương, tôi tin rằng chúng tôi sẽ cạnh tranh được vì trước mắt chúng tôi tập trung vào thị trường nội địa. Hơn nữa TPP cũng giúp các thị trường trở nên gần gũi hơn, không bị cản trở bởi các hàng rào thuế quan, mà một trong số đó khiến chúng tôi quan tâm là thị trường Nhật Bản - một thành viên của TPP. Tôi cho rằng thị trường đang có nhiều tiềm năng. Người tiêu dùng quan tâm và yêu thích các sản phẩm tươi, sạch, hơn là đồ đông lạnh. Vì thế việc tiêu thụ sẽ trở nên dễ dàng hơn.

Tất nhiên, khi vào TPP cũng có những khó khăn nhất định. Chính phủ cho biết sẽ có những hỗ trợ để ngành nông nghiệp thoát khỏi lạc hậu. Việc trước hết phải đến từ công nghệ và Hùng Vương đang làm tốt điều đó.

Hùng Vương sẽ tiếp tục mở rộng, từng bước phát triển chiếm lĩnh thêm thị phần. Chúng tôi sẽ phát triển thêm phần kinh doanh cá tra, tôm. Năm 2015 Hùng Vương đã đầu tư 2 nhà máy chế biến cá tra hơn 600 tỷ đồng với toàn bộ công nghệ mới của châu Âu và 1 nhà máy tôm cũng mới đi vào hoạt động. Nói về đầu tư thủy sản, đặc biệt là cá tra thì Hùng Vương đang đầu tư tốt nhất. Hùng Vương đang đầu tư hàng trăm tỷ đồng mở rộng sản xuất thức ăn chăn nuôi, nâng cao sản lượng và chất lượng sản phẩm bằng thiết bị, công nghệ châu Âu. Ngoài xuất khẩu, chúng tôi còn đang phát triển kênh bán lẻ con cá và con tôm ở thị trường Việt Nam.

Tham gia vào ngành thức ăn chăn nuôi, chúng tôi lên kế hoạch sẽ chiếm lĩnh 10% - 15% thị phần vào năm 2018 và tự tin với mục tiêu này bằng những công nghệ, quy trình sản xuất và kinh nghiệm chúng tôi đã có. Chúng tôi cũng đặt mục tiêu năm 2018 Hùng Vương sẽ là một trong những doanh nghiệp có thị phần lớn nhất trong lĩnh vực nông nghiệp.

HỒNG MINH - SÔNG HƯƠNG

Tin cùng chuyên mục