Hướng đến chất lượng lâu dài

Theo Bộ Công thương, dịp Tết Nguyên đán năm nay, nhu cầu tiêu dùng các loại hàng hóa, thực phẩm, nhất là nông sản tăng khoảng 20% so với bình thường. Dù không phải lo thiếu hàng hóa, giá cả cũng ổn định nhưng do nhu cầu tiêu dùng tăng đột biến dịp cuối năm, nguy cơ hàng hóa không rõ xuất xứ, hàng lậu, hàng giả… được cảnh báo sẽ gia tăng và đe dọa nghiêm trọng tới sức khỏe người tiêu dùng.

Theo Ban chỉ đạo liên ngành trung ương về an toàn vệ sinh thực phẩm, khi nhu cầu tiêu dùng gia tăng vào dịp Tết thì nguy cơ thực phẩm bẩn, độc hại cũng sẽ xuất hiện nhiều, nhất là đối với các mặt hàng tiêu dùng phổ biến như bánh mứt kẹo, bia rượu, nước giải khát, lương thực - thực phẩm, các đồ ăn chế biến sẵn... Do đó, dù dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp nhưng rõ ràng, các cơ quan chức năng vẫn cần phải đẩy mạnh công tác hậu kiểm gắn với truy xuất nguồn gốc để xử lý nghiêm các cơ sở sản xuất - kinh doanh vi phạm, nhất là những nơi có sản phẩm bị người tiêu dùng tố giác hoặc có dấu hiệu không đảm bảo chất lượng. Công tác hậu kiểm phải ngăn chặn được cơ bản tình trạng sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh thực phẩm không an toàn và thông qua đó xử lý nghiêm minh các đơn vị, cá nhân và mạng xã hội quảng cáo, tiếp tay cho thực phẩm không đảm bảo chất lượng; công khai các tổ chức, cá nhân vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng…

Về lâu dài, cần phải kiểm soát chất lượng hàng hóa từ khâu sản xuất, đảm bảo có thực phẩm sạch từ đồng ruộng, nhà máy chế biến tới bàn ăn. Thời gian qua, Ngân hàng Thế giới và các tổ chức quốc tế đã nhiều lần làm việc với Bộ NN-PTNT và Bộ Y tế, đưa ra khuyến cáo Việt Nam cần phải hướng đến một nền nông nghiệp xanh - sạch, đảm bảo an toàn thực phẩm không chỉ cho thị trường xuất khẩu mà cả tiêu dùng trong nước. Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan nhìn nhận, xu thế là không thể sản xuất lương thực - thực phẩm chạy theo sản lượng mà phải hướng tới giá trị, đảm bảo an toàn, thân thiện môi trường, giảm thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất và phân bón, đẩy mạnh nông nghiệp hữu cơ, ứng dụng sinh học và công nghệ cao.

Hiện nay, nhu cầu của người tiêu dùng Việt Nam cũng đang thay đổi rõ rệt. Nhiều người sẵn sàng trả giá cao để mua những sản phẩm tươi ngon, có thể truy xuất nguồn gốc, đảm bảo an toàn, đóng gói đẹp và đúng quy cách. Trên thế giới, tư duy tiêu dùng và nhập khẩu thực phẩm cũng đã chuyển hướng, không còn coi trọng số lượng, chạy theo giá rẻ. Các nước nhập khẩu lượng lớn nông sản Việt Nam như Trung Quốc hiện cũng đang gia tăng các tiêu chuẩn, quy chuẩn với thực phẩm nhập khẩu để thực hiện chính sách bảo vệ sức khỏe nhân dân. Do đó, Việt Nam cũng cần phải kịp thời thay đổi tư duy sản xuất, cần xác định rõ trong chiến lược phát triển nông nghiệp giai đoạn 2021-2025 cũng như lâu dài là tích hợp đa giá trị, coi trọng chất lượng hơn sản lượng, chuyển đổi số để truy xuất và giám sát quy trình sản xuất, thực sự tạo sự yên tâm cho người tiêu dùng trong và ngoài nước.

Nhà nước cũng phải có các bộ quy chuẩn, tiêu chuẩn cụ thể cho từng chủng loại sản phẩm, buộc các cơ sở sản xuất kinh doanh phải tuân thủ đúng yêu cầu. Một khi đảm bảo được chất lượng hàng hóa cho thị trường nội địa thì cũng sẽ đảm bảo chất lượng, uy tín cho cả hàng hóa xuất khẩu.

Tin cùng chuyên mục