Phát triển công nghiệp là một trong những giải pháp cụ thể hóa chủ trương, đường lối và quyết tâm chính trị của Đảng và Nhà nước ta đối với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Thời gian qua, sau quá trình nỗ lực phấn đấu, từ một nước thuần nông, kém phát triển Việt Nam đã trở thành một nước đang phát triển và ngày càng có vị trí quan trọng trong khu vực và thế giới.
Từ năm 1991, Khu chế xuất Tân Thuận được thành lập đã “khai sinh” ra mô hình các khu công nghiệp (KCN) trong chiến lược xây dựng phát triển kinh tế - xã hội ở nước ta. Từ đó đến nay với nhiều cơ chế, chính sách liên quan đến việc thành lập, hoạt động của các KCN được ban hành, điều chỉnh đã tạo ra hành lang pháp lý cho sự ra đời và phát triển các KCN trên địa bàn cả nước.
Tính đến nay, cả nước đã có 267 KCN được thành lập với tổng diện tích đất tự nhiên 72.000ha, trong đó diện tích đất công nghiệp có thể cho thuê đạt gần 46.000ha, chiếm khoảng 65% tổng diện tích đất tự nhiên, chưa kể hàng trăm cụm công nghiệp do các địa phương tự thành lập.
Theo Bộ KH-ĐT, đến nay, tổng vốn đầu tư kết cấu hạ tầng của 267 KCN khoảng 9 tỷ USD, trong đó có 31 KCN do doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài làm chủ đầu tư với tổng vốn đăng ký khoảng 2 tỷ USD. Các KCN còn lại do doanh nghiệp trong nước làm chủ đầu tư với tổng vốn đầu tư 7 tỷ USD. Trong số 267 KCN đã thành lập, có 180 KCN đã đi vào hoạt động với tổng vốn đầu tư kết cấu hạ tầng đăng ký 5 tỷ USD; còn lại 87 KCN đang trong giai đoạn đền bù giải phóng mặt bằng và xây dựng cơ bản.
Hiện các KCN trong cả nước đã thu hút được khoảng 4.500 dự án đầu tư trong nước (DDI) với tổng vốn đăng ký hơn 360.000 tỷ đồng, vốn thực hiện đạt khoảng 180.000 tỷ đồng và trên 4.000 dự án có vốn đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt gần 60 tỷ USD (chiếm gần 40% tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam), vốn thực hiện đạt gần 24 tỷ USD.
Bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, trong thời gian qua, hoạt động của các KCN, khu kinh tế (KKT) còn bộc lộ một số mặt hạn chế, khó khăn. Chất lượng quy hoạch KCN chưa đáp ứng kịp yêu cầu phát triển, chưa tính toán toàn diện khả năng, điều kiện, tiềm năng, lợi thế riêng có của địa phương và của vùng. Việc triển khai quy hoạch KCN đã được phê duyệt của các địa phương còn hạn chế. Việc bổ sung quy hoạch, thành lập KCN của một số địa phương đôi khi còn nóng vội, chưa hội đủ các điều kiện quy hoạch và còn mang tính cục bộ; hàm lượng công nghệ trong cơ cấu đầu tư chưa cao; các địa phương và chủ đầu tư chưa thực sự chú trọng tới cơ cấu ngành nghề, công nghệ của các dự án đầu tư vào KCN. Do đó, cơ cấu đầu tư trong các KCN chưa thực sự hợp lý, tính liên kết ngành của các KCN chưa chặt chẽ.
Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện có đến 70% đất đai tại các KCN đang bỏ hoang hoặc bị nhà đầu tư, các đại gia xí phần rồi để đó mà không sinh lợi cho xã hội. Về hiệu quả thu hút đầu tư mang lại cũng rất thấp. Trong khi đó người dân đã bị giải tỏa đất đai để làm KCN phải gánh chịu nhiều thiệt hại, đời sống khó khăn, bức xúc.
Đã đến lúc các tỉnh cần nhanh chóng rà soát lại các KCN, cân nhắc nhu cầu thu hút đầu tư và lĩnh vực ưu tiên đầu tư. Không nên nôn nóng chạy theo phong trào mà phải dành ra một số lượng đất đai nhất định để chờ cơ hội thu hút các nhà đầu tư mới, đầu tư vào những lĩnh vực mà địa phương, vùng có lợi thế so sánh. Tuyệt đối nói không với những dự án có thể gây ô nhiễm, hủy hoại môi trường. Đặc biệt, các tỉnh, thành cần phải nhanh chóng liên kết theo cụm, nhóm có lợi thế tương đồng về tiềm năng đất đai, địa lý để bàn bạc, thỏa thuận trong thu hút đầu tư nhằm tận dụng nguồn lực tài chính, nhân lực, nhân công.
Để tiếp tục phát huy những thành quả đạt được, khắc phục những khó khăn, vướng mắc, cản trở đối với sự phát triển của các KCN, trong thời gian tới, các địa phương và bộ, ngành liên quan cần nâng cao hơn nữa chất lượng quy hoạch KCN; xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng KCN; cải thiện chất lượng thu hút đầu tư vào KCN; kiểm soát chặt chẽ vấn đề môi trường; điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện cơ chế chính sách hiện hành về KCN theo hướng tăng cường phân cấp, ủy quyền, gắn chặt với cơ chế phân công trách nhiệm và phối hợp rõ ràng, minh bạch giữa các cơ quan trung ương và địa phương.
TRẦN MINH TRƯỜNG