- Thỉnh thoảng, báo đăng tin voi hoang xuất hiện theo đàn, dấu chân để lại có cả con lớn lẫn con nhỏ. Hoặc đáng chú ý nữa, là phát hiện quần thể voọc hay thú quý hiếm tưởng biệt tích mãi. Những chuyện đó cho thấy môi trường sinh thái đã cải thiện, nên thú hoang mới ló ra.
- Ờ, nhưng thỉnh thoảng mới ló, tức là cũng không còn bao nhiêu. Muốn có thú phải có rừng, nhưng rừng giờ phần lớn đã bị chặt trụi. Lâm tặc tưởng đã ghê, mà phá rừng với tốc độ nhanh và công khai lại là dự án thủy điện, hoặc duyệt phá rừng để chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Một vài chữ ký trên quy hoạch hoặc dự án là sạch bách rừng trên diện tích lớn.
- Cái nữa, rừng trồng mới hoặc tiến bộ về bảo tồn thú, chim quý hiếm cũng có. Tuy vậy, tốc độ tiến bộ ở trong báo cáo luôn gấp nhiều lần sự cải thiện trên thực tế. Nhiều năm nay, ngay cổng các khu bảo tồn thiên nhiên hoặc rừng đặc dụng, nhiều người vẫn công khai bán thịt rừng, nanh thú, lông đuôi voi… Riêng ngà voi thì được giới thiệu là của voi châu Phi, lý do voi ở xứ mình đã hiếm mà còn bị cụt mất ngà!
- Tình trạng buôn bán động vật hoang dã vẫn cứ nhan nhản. Tổ chức bảo vệ môi trường, báo chí cũng cung cấp thông tin cho cơ quan chức năng, nhưng chả thấy động cựa gì. Hay là cơ quan chức năng lỡ “ăn” cái gì đấy, nên bị kẹt răng?