Khai mạc Phiên họp thứ 6 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ​

Ngày 8-12, tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã khai mạc phiên họp thứ 6.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc phiên họp. Ảnh: ĐBND
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc phiên họp. Ảnh: ĐBND

Mở đầu phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) sẽ cho ý kiến về một số dự án luật, như: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự; dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Cần Thơ...

Về các vấn đề kinh tế - xã hội, UBTVQH sẽ xem xét tiếp tục cho ý kiến đối với một số vấn đề, như đề án xây dựng cơ chế, chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội; chủ trương đầu tư dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025...

Phiên họp cũng sẽ xem xét Báo cáo công tác dân nguyện tháng 11 của Quốc hội; cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp bất thường của Quốc hội khóa XV; xem xét, thông qua Chương trình công tác năm 2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; đánh giá kết quả thực hiện Chương trình hoạt động đối ngoại, hợp tác quốc tế năm 2021...

Khai mạc Phiên họp thứ 6 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ​ ảnh 1 Các đại biểu dự phiên họp

Sau phát biểu mở đầu của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, UBTVQH đã cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự (gọi tắt là Luật sửa 8 luật).

So với lần trình trước, có 2 luật được đưa ra khỏi phạm vi sửa đổi, bổ sung của Luật này là Luật Hải quan, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Trình bày báo cáo thẩm tra sơ bộ dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, Thường trực các uỷ ban của Quốc hội tán thành với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của một số luật nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách và quy trình, thủ tục để thúc đẩy đầu tư, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền hợp lý; cụ thể hóa chủ trương đã được đề ra tại các văn kiện của Đảng và nghị quyết của Quốc hội. Tuy nhiên, do phạm vi sửa đổi, bổ sung của dự án Luật tương đối rộng với các nội dung thuộc các lĩnh vực khác nhau, Chính phủ cần báo cáo bổ sung về tính cấp thiết, cấp bách, có tác động ngay của từng nội dung sửa đổi, bổ sung, có thể thực hiện được ngay, tháo gỡ ngay khó khăn, vướng mắc, đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét, thông qua theo trình tự, thủ tục rút gọn và trình Quốc hội ngay tại kỳ họp bất thường của Quốc hội. Bên cạnh đó, đề nghị đánh giá cụ thể hơn công tác triển khai thực hiện các luật vừa được Quốc hội ban hành năm 2020 và mới có hiệu lực từ ngày 1-1-2021 để làm rõ hơn sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số quy định tại các Luật này.

Về nội dung sửa đổi, bổ sung cụ thể, nhiều ý kiến trong Thường trực Ủy ban Kinh tế, Ủy ban TC-NS bày tỏ quan tâm đến thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư. Đối với dự án nhóm A của địa phương sử dụng nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài, Thường trực Ủy ban TC-NS đề nghị chuyển sang thẩm quyền của HĐND cấp tỉnh tương tự như các dự án nhóm B, C.

Một nội dung đáng lưu ý khác liên quan đến hình thức sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại.

Tại Tờ trình dự án luật, Chính phủ cho biết, theo quy định hiện hành, tất cả các dự án nhà ở thương mại mà nhà đầu tư đã có quyền sử dụng đất, nhưng không phải là đất ở hoặc không có một phần diện tích đất ở thì mặc dù phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, cũng sẽ không được chấp thuận là chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại.

Hướng sửa đổi được đề xuất là nhà đầu tư sẽ được chấp thuận nếu có quyền sử dụng đất thuộc một trong 3 trường hợp sau đây phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật về đất đai (trừ trường hợp một số trường hợp Nhà nước thu hồi đất): có quyền sử dụng đất ở hợp pháp; có quyền sử dụng đất ở hợp pháp và các loại đất khác không phải là đất ở; có quyền sử dụng các loại đất khác không phải là đất ở.

Theo nhiều ý kiến, việc đánh giá tác động chính sách này chưa toàn diện và đề nghị thận trọng, vì tác động của chính sách này đến thị trường bất động sản, vốn đang “nóng”, sẽ rất lớn.

Về nội dung sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực, cụ thể là vấn đề đầu tư xây dựng lưới điện truyền tải, đa số ý kiến cơ quan thẩm tra thống nhất quan điểm cho phép doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế được tham gia đầu tư xây dựng lưới điện truyền tải. Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị nghiên cứu, cân nhắc quy định phạm vi giới hạn về thu hút đầu tư tư nhân tham gia xây dựng lưới điện truyền tải phục vụ mục tiêu đấu nối với phương thức đầu tư phù hợp, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Về chính sách giá điện và các loại phí có liên quan đến truyền tải điện, Thường trực cơ quan thẩm tra nhận thấy cần xem xét sửa đổi quy định về giá điện và các loại phí có liên quan đến hoạt động điện lực; tuy nhiên, đây là vấn đề nhạy cảm, phức tạp, nên cần nghiên cứu, xem xét, đánh giá cẩn trọng, kỹ lưỡng.

Tin cùng chuyên mục