Khẩn trương, quyết liệt phòng chống bão

Khẩn trương, quyết liệt phòng chống bão

Trước nguy cơ bão số 7 đổ bộ vào miền Trung, các tỉnh thành Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Thừa Thiên - Huế, Phú Yên, Bình Định đang khẩn trương huy động tổng lực để đối phó với bão.

  • Đà Nẵng: Dùng các phương tiện đặc chủng để ứng cứu

Để chủ động và ứng cứu kịp thời những tình huống xấu xảy ra khi bão đổ bộ vào đất liền, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng đề nghị Bộ chỉ huy quân sự thành phố chuẩn bị các phương tiện đặc chủng như: xe thiết giáp, xe lội nước, ca nô… để ứng cứu khi có tình huống xấu xảy ra. Theo báo cáo của Ban chỉ huy PCLB Đà Nẵng, toàn thành phố có khoảng 12.540 hộ dân cần được di dời đến nơi an toàn. Đến chiều 31-10, khoảng 90% số tàu thuyền nhỏ đã được người dân đưa lên bờ hoặc tìm được nơi neo đậu an toàn. Trong khi đó, ngành y tế TP Đà Nẵng cũng đã triển khai khẩn cấp các phương án sơ, cấp cứu bệnh nhân tại các vùng bão.

  • Quảng Nam: Bảo đảm lương thực cho dân trong 10 ngày

Đến 9 giờ sáng 31-10, trên 1.800 tàu thuyền đánh cá của tỉnh với trên 9.500 lao động đã vào bờ an toàn, chỉ còn tàu QNa-0898 (82CV) đánh bắt lưới quét của ông Nguyễn Công Trinh đang hoạt động ngoài khơi chưa liên lạc được. Ông Nguyễn Đức Hải – Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho biết: qua kinh nghiệm phòng chống bão số 6, tỉnh Quảng Nam đã chỉ đạo bảo vệ tàu thuyền trong bến bằng cách tháo gỡ máy móc, chủ động đánh chìm tàu xuống nước, sau bão sẽ trục vớt lên, tránh để va chạm, hư hỏng. Tỉnh đã chuyển mì tôm, nước uống, thuốc men, xăng dầu… đến các huyện miền núi, vùng có thể bị cô lập trong lũ, đảm bảo nguồn lương thực và các nhu yếu phẩm cho người dân trong vòng 10 ngày.

  • Quảng Ngãi : Đề nghị Cảng Hàng Cẩu (Trung Quốc) cho tàu đánh cá VN trú bão

Khẩn trương, quyết liệt phòng chống bão ảnh 1
Diễn tập cứu nạn cứu hộ trên sông Trà Khúc, Quảng Ngãi ngày 31-10. Ảnh: ANH VINH

Đến 16 giờ chiều 31-10, tỉnh Quảng Ngãi đã liên lạc và kêu gọi vào bờ và trú ẩn 736 phương tiện với gần 4.700 lao động. Còn lại 106 phương tiện với 925 lao động đang trên đường tránh bão. Hầu hết số tàu thuyền này đều liên lạc được về với đất liền. Trong đó có 2 chiếc tàu của ông Phạm Vĩnh, 8 thuyền viên và ông Đỗ Bin, 8 thuyền viên ở xã Bình Châu, huyện Bình Sơn đang vào núp bão gần cảng Hàng Cẩu- Trung Quốc, Ban quản lý cảng bạn chưa cho 2 tàu này vào. Bộ chỉ huy biên phòng tỉnh, Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão tỉnh đang đề nghị với Bộ Ngoại giao can thiệp để hai tàu này trú bão an toàn. Hải đội 2 Bộ đội biên phòng tỉnh cũng đã điều động 1 tàu của đơn vị ra chốt chặn ở ngoài cửa biển Sa Kỳ, vận động bà con ngư dân vào neo đậu ở bến cảng Sa Kỳ. Những trường hợp tàu thuyền chống lệnh cũng sẽ bị cưỡng chế, nhằm đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của ngư dân.

  • Thừa Thiên - Huế: Lực lượng vũ trang khẩn trương vào cuộc

Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh phối hợp với Sư đoàn 372/QK, Vùng 3 Hải quân, Sư đoàn 968/QK đóng trên địa bàn chuẩn bị lực lượng hơn 300 chiến sĩ chia thành 3 cụm, tham gia cứu hộ, cứu nạn các địa bàn xung yếu khi có tình huống xấu xảy ra. Lực lượng Bộ đội biên phòng tỉnh cũng kịp thời chỉ đạo các đơn vị tổ chức quân số hơn 600 cán bộ, chiến sĩ trực tiếp tham gia chống bão số 7, trực chiến 24/24 giờ, huy động 3 tàu chiến, 10 ca nô cao tốc, 10 ô tô các loại; triển khai lực lượng phối hợp với các địa phương sẵn sàng sơ tán dân khi cần thiết.

  • Phú Yên: 141 tàu thuyền đánh cá còn ở ngoài khơi

Đến 16 giờ chiều ngày 31-10, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng (BĐBP) Phú Yên cho biết, có 141 tàu thuyền đánh cá của tỉnh với 585 lao động hoạt động đánh bắt trên biển còn đang ở ngư trường các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Vũng Tàu, Kiên Giang, Hải Phòng. Tất cả số phương tiện trên đều liên lạc được với gia đình và BĐBP tỉnh qua hệ thống ICOM. Tỉnh đã huy động 110 cán bộ chiến sĩ, 4 ô tô, 2 tàu và 3 ca nô duy trì trực 24/24 giờ, sẵn sàng ứng cứu khi có tình huống xảy ra.

  • Bình Định: Cứu hộ thành công một tàu cá

20 giờ 10 phút ngày 28-10, tàu cá QNg-95512-TS do thuyền trưởng Phạm Thế Hạ ở xã Bình Chánh, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi điều khiển xuất bến từ Cảng Quy Nhơn về Quảng Ngãi bị hỏng máy và trôi dạt vào các bãi rạn thuộc vùng biển huyện Phù Mỹ (Bình Định). Sau khi nhận tín hiệu cấp cứu, Ban chỉ huy và chiến sĩ Đồn biên phòng 312 Phù Mỹ khẩn trương phối hợp với chính quyền và nhân dân địa phương xã Mỹ An (Phù Mỹ) nhanh chóng tổ chức triển khai các phương án cứu nạn thành công tàu. Sức khỏe của toàn bộ 9 thuyền viên trên tàu QNg-95512-TS hiện đều ổn định.

Đến 18 giờ ngày 31-12, gần 6.000 tàu cá của Bình Định đã vào bờ, trên 1.000 tàu khác đang trên đường vào bờ.

  • Quân khu 5 : Tinh thần chống bão như chống giặc

Trêân cơ sở những kinh nghiệm trong việc phòng chống và ứng cứu trong bão số 6, Quân khu 5 đã yêu cầu Bộ chỉ huy Quân sự các tỉnh, thành từ Đà Nẵng đến Khánh Hòa và các đơn vị như Đoàn H02, 315, 574, 572, 573 và đơn vị công binh H70 nhanh chóng triển khai phòng chống tại đơn vị mình và tổ chức lực lượng cơ động hành quân đến các vị trí xung yếu, sẵn sàng làm nhiệm vụ.

Quân khu 5 đã thành lập thêm 2 sở chỉ huy hỗ trợ cùng với hai sở chỉ huy tiền phương để trực tiếp chỉ đạo công tác phòng chống, ứng cứu bão. 1.000 bộ đội và trên 100 xe ô tô được điều động để cùng các địa phương di dời dân tránh bão; chuẩn bị 3.000 quân và gần 7.000 dân quân tự vệ giúp các địa phương khắc phục hậu quả sau bão.

  • Chủ tịch UBND tỉnh chịu trách nhiệm hướng dẫn ngư dân trú bão

Để đảm bảo an toàn cho ngư dân và tàu thuyền, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do bão gây ra, hôm qua, 31-10, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng đã ký Công điện khẩn số 1750/TTg gửi các bộ, ngành và địa phương liên quan. Phó Thủ tướng yêu cầu: Tư lệnh trưởng Bộ đội Biên phòng chỉ đạo các đơn vị triển khai ngay các biện pháp mạnh, kiên quyết không cho tàu thuyền ra khơi. Chủ tịch UBND tỉnh thành chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ, tìm mọi biện pháp khẩn cấp tổ chức việc kêu gọi và hướng dẫn tàu thuyền tìm nơi trú, tránh bão để đảm bảo an toàn. Đài THVN, Đài TNVN và các phương tiện thông tin đại chúng thông báo ngay số lượng tàu, thuyền của các tỉnh còn chưa vào nơi trú ẩn hoặc chưa liên lạc được.

  • Số tàu, thuyền hiện vẫn còn ngoài khơi hoặc chưa liên lạc được

1.Nghệ An: 226 tàu/1.595 người; 2. Hà Tĩnh: 2 tàu/13 người; 3. Quảng Bình: 66 tàu/435 người; 4. Quảng Trị: 49 tàu/293 người; 5. Thừa Thiên - Huế: 2 tàu/20 người; 6. Đà Nẵng: 72 tàu/360 người; 7. Quảng Nam: 1 tàu/9 người; 8. Quảng Ngãi: 352 tàu/2.254 người; 9. Bình Định: 82 tàu/814 người; 10. Phú Yên: 18 tàu/168 người; 11. Khánh Hòa: 191 tàu/1.469 người; 12. Ninh Thuận: 50 tàu/319 người; 13. Bình Thuận: 435 tàu/3.493 người; 14. Bà Rịa - Vũng Tàu: 2.012 tàu/17.752 người; 15. Cà Mau: 635 tàu/6.464 người; 16. Kiên Giang: 193 tàu/2.800 người.

Trong đó đặc biệt chú ý có 300 tàu cá với 3.852 ngư dân còn đang hoạt động ở khu vực nguy hiểm ở giữa và Nam biển Đông hoặc chưa liên lạc được. Cụ thể: 1. Quảng Nam: 1 tàu/ 9 người chưa liên lạc được; 2. Quảng Ngãi: 19 tàu/260 người tránh bão ở khu vực Trường Sa, Hoàng Sa; 3. Khánh Hòa: 87 tàu/783 người hoạt động ở khu vực Trường Sa và Vũng Tàu; 4. Kiên Giang: 193 tàu/2.800 người chưa liên lạc được.

(Nguồn: Công điện khẩn số 1750/TTg)
 

Bất ngờ Cimaron!

Mấy ngày qua cả nước nín thở theo dõi đường đi của bão với các dự báo gần như sẽ đổ bộ vào miền Trung. Bất ngờ, chiều hôm qua trang mạng TSR vẽ mũi tên đường đi của bão hướng lên đảo Hải Nam, Trung Quốc. Tuy nhiên vào lúc đó, các mạng của Trung tâm Dự báo Khí tượng của VN, JTWC của Mỹ, PAGASA của Philippines, của Hồng Công vẫn chưa thấy dự báo gì khác. Chúng tôi đã e-mail ngay cho tiến sĩ Trần Tiễn Khanh (Mỹ) đặt ra một số câu hỏi. Ông cũng đang trực mạng vnbaolut.com. Sau 2 giờ đồng hồ phối kiểm, chờ đợi, ông trả lời: “Dự báo số 19 của JTWC cho biết bão sẽ đổ bộ vào miền Nam Trung Quốc, phía Bắc đảo Hải Nam. Dự báo của TSR của Anh, JMA của Nhật cũng tương tự. Kết quả này là do sự suy yếu của gió mùa Đông Bắc và vùng áp cao ở Hải Nam mà tôi đã lưu ý. Tuy nhiên, đến lúc này (8 giờ 9 phút ngày 31-10 theo giờ VN) vẫn chưa thấy dự báo của khí tượng thủy văn VN và Hồng Công loan báo sự đổi hướng này. Đường đi của Cimaron rất phức tạp, vì là bão cuối mùa nên có nhiều thay đổi. Vì vậy, tôi vẫn đang tiếp tục theo dõi các tin tức và dự báo mới nhất. Dù vậy, đây rất có thể là một tin mừng cho đồng bào miền Trung đang gánh chịu hậu quả của cơn bão Xangsane”.

NG.KH.

 

Thông tin liên quan

Sức gió giật trên cấp 14

Tập trung mọi nguồn lực đối phó với bão số 7

Phải dự báo bão trước 48 giờ
 

Tin cùng chuyên mục