Hiện nay, khoảng 20% dân số thế giới sống tại 30 quốc gia đang phải đối mặt với tình trạng thiếu nước sinh hoạt và con số này trong năm 2025 được dự báo sẽ lên tới 30%. Ngoài ra, có gần 50% dân số thế giới hiện không có hệ thống nhà vệ sinh đạt tiêu chuẩn, do đó, hơn 1/3 dân số thế giới đang gặp phải các vấn đề về sức khỏe liên quan tới nước.
Trong khi đó, số liệu của Viện Nước quốc tế ở Stockholm (Thụy Điển - SIWI) cũng cho thấy, mỗi ngày trên thế giới có tới 5.000 trẻ em tử vong vì bị tiêu chảy do điều kiện vệ sinh không đảm bảo, không đủ nước cho sinh hoạt. Lượng nước sinh hoạt trung bình dành cho người dân ở khu vực châu Á hiện nay chỉ đạt khoảng 15%-30% so với những năm 1950. Có nghĩa là viễn cảnh nước ở khu vực châu Á đến năm 2025 rất đáng báo động, lượng nước sinh hoạt trung bình sẽ giảm đến 70% và là một trong những thách thức đau đầu nhất đối với khu vực này.
Để phần nào giải quyết nhu cầu cấp bách về nước ngọt, các nhà khoa học đang nghiên cứu khử mặn nước biển. Ngoài ra, các biện pháp như cải thiện các phương thức sử dụng nước, đặc biệt là tưới tiêu; đổi mới và xây dựng mới các cơ cấu sản xuất và phân phối nước sạch; bảo vệ và chống ô nhiễm các nguồn nước cũng được đề cập tới để đảm bảo có thể khắc phục được phần nào tình trạng khan hiếm nguồn nước đang diễn ra.